.
CHỌN SÁCH GIÁO KHOA LỚP 2 VÀ LỚP 6:

Đặt lợi ích học sinh lên hàng đầu

Cập nhật: 10:17, 20/03/2021 (GMT+7)

Với vai trò đầu tàu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã có hướng dẫn cụ thể để các cơ sở giáo dục tại các địa phương trong tỉnh chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, mang tính kế thừa, nhằm chọn được SGK phù hợp nhất...

TUÂN THỦ NGHIÊM QUY TRÌNH

Có thể nói, trước những “lùm xùm” của việc chọn SGK trong năm học trước, trong đợt chọn sách năm nay, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc thực nghiệm và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trước khi đưa về các địa phương để lựa chọn. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã công bố phê duyệt danh mục 32 SGK lớp 2 của 8 môn học và hoạt động giáo dục; 40 SGK lớp 6 của 12 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021 - 2022 để các địa phương lựa chọn.

SGK là tư liệu căn bản, quan trọng hơn hết là cách truyền dạy của giáo viên để học sinh có thể hiểu bài. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho).
SGK là tư liệu căn bản, quan trọng hơn hết là cách truyền dạy của giáo viên để học sinh có thể hiểu bài. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho).

Theo nhiều giáo viên các trường tiểu học và trung học cơ sở (THCS) của tỉnh Tiền Giang, bất kỳ một bộ SGK nào cũng sẽ có những ưu điểm cũng như nhược điểm riêng. Điều quan trọng của việc chọn SGK đó chính là phương pháp tiếp cận để chọn được bộ sách phù hợp cho tỉnh mình. Có thể nói, vai trò của giáo viên trong việc chọn sách năm nay là vô cùng quan trọng. Việc chọn SGK không nhất thiết tiếp tục chọn SGK của nhà xuất bản năm trước để đảm bảo mạch chuyên môn; thế nhưng, cũng không phải thay đổi SGK nếu không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Bởi trên thực tế, UBND tỉnh sẽ là cơ quan cuối cùng lựa chọn SGK năm nay; và SGK cũng chỉ là tài liệu, quan trọng hơn hết là phương pháp giảng dạy để giúp học sinh nắm bắt nhu cầu môn học.

Cô Lê Thị Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông (THPT) Huỳnh Văn Phèn, huyện Gò Công Tây cho biết, so với chương trình lớp 2 cũ, SGK mới đa dạng, phong phú nội dung và hình thức trình bày đẹp. Các kiến thức được trình bày trong SGK cơ bản giúp phát huy được năng lực của học sinh, mang tính thực tiễn, trải nghiệm cho học sinh cao. Nhà trường sẽ nghiên cứu thật kỹ các bộ SGK, để sau đó có báo cáo cụ thể về Phòng GD-ĐT.

CHÚ TRỌNG TÍNH CÔNG KHAI, MINH BẠCH

Dưới sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện đang nghiên cứu bản mẫu, sau đó sẽ tham mưu với Hội đồng những ý kiến tối ưu để có lựa chọn tốt nhất. Việc lựa chọn SGK ở các khối lớp của tỉnh Tiền Giang lấy học sinh làm trung tâm, để có thể lựa chọn ra bộ sách khách quan và phù hợp nhất.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Phú Đông Phạm Minh Tâm cho biết: “Sau khi có hướng dẫn từ Sở GD-ĐT, chúng tôi đã chỉ đạo cho các trường trực thuộc tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu các quy định của Bộ GD-ĐT về việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo tôi, việc lựa chọn SGK quan trọng là bảo đảm tính công khai, minh bạch, có tính kế thừa, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy”.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Phương Toàn, từ những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, tỉnh tiếp tục và sẽ nỗ lực thực hiện lộ trình đổi mới với lớp 2 và lớp 6, trong đó có việc lựa chọn và tập huấn giáo viên sử dụng SGK mới. Tinh thần của việc chọn SGK là công khai, minh bạch, khách quan và mang tính kế thừa, nhằm chọn ra bộ SGK phù hợp nhất để giảng dạy.

Theo Thông tư 25/2020 của Bộ GD-ĐT việc lựa chọn SGK sẽ hoàn thành trước khi khai giảng năm học khoảng 5 tháng. Điều này đồng nghĩa các địa phương phải hoàn thành và báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 10-4. Hiện tại, bên cạnh việc giảng dạy, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tăng tốc cho việc chọn SGK để đảm bảo đúng lộ trình, chất lượng mà ngành GD-ĐT đã đề ra.

Đ.PHI

.
.
.