Thứ Năm, 18/03/2021, 08:20 (GMT+7)
.

Chuyện về cô giáo Ngọc năng động, nhiệt huyết

(ABO) Là giáo viên trẻ được giảng dạy trong ngôi trường có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời của tỉnh Tiền Giang, cô Đỗ Thị Bích Ngọc, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho không ngừng phấn đấu dạy tốt để tiếp bước viết thêm truyền thống dạy giỏi, học giỏi của nhà trường.
 
Cô Ngọc cho biết, thật tự hào và vinh dự biết mấy khi được học tập và sau này công tác tại ngôi trường mà ngay từ nhỏ mình từng mơ ước. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa học, năm 2003 cô Ngọc về dạy tại Trường THPT Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành. Được lãnh đạo ngành Giáo dục tạo điều kiện, từ năm 2009 đến nay, cô Ngọc về dạy học tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.
 
Được dạy học dưới ngôi trường mình từng gắn bó những năm cấp 3 và được làm đồng nghiệp với các thầy cô giáo mà ngày xưa mình kính trọng đã truyền lửa yêu nghề cho cô giáo trẻ. Năm 2010, cô Ngọc đã hoàn thành chương trình cao học và lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy Hóa học. 
 
Thực hiện “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cô Bích Ngọc không ngừng đổi mới cách dạy phù hợp với năng lực từng đối tượng học sinh, khơi gợi, giúp học sinh  phát huy sự chủ động và sáng tạo trong học tập. Chính vì vậy, trong mỗi bài giảng, cô Ngọc đều đầu tư nghiên cứu soạn giáo án phù hợp, sáng tạo. Với đặc thù môn Hóa học, cô luôn tìm phương pháp giảng dạy sao cho thu hút, dễ hiểu để các em tiếp thu bài học ngay tại lớp. Nhờ đó, những giờ lên lớp ở môn Hóa học của cô không còn khô cứng với những bài học lý thuyết, mà học sinh được tiếp cận với nhiều hình ảnh sinh động. Đặc biệt, cô thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, sử dụng bản đồ tư duy nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
 
 Cô Ngọc trong giờ lên lớp.
Cô Ngọc trong giờ lên lớp.
Cô Ngọc chia sẻ: “Để tiết dạy được thành công, ở mỗi bài học, tôi thường phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm, hướng dẫn các em tìm tài liệu tham khảo, viết báo cáo. Giáo viên chỉ là người đóng góp, gợi mở vấn đề để các em tự làm chủ bài học chứ không hoàn toàn lệ thuộc vào sách giáo khoa”. 
 
Thầy Lê Bá Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết, cô Ngọc là giáo viên trẻ năng động trong công tác và hết lòng với mọi người.  Với đồng nghiệp, cô Ngọc rất chan hòa, giản dị; với học sinh cô hết lòng vì các em. 
 
Là một giáo viên trẻ, nhiệt huyết, cô Ngọc quyết tâm đem sức mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà và tô thắm thêm truyền thống dạy tốt - học tốt của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. 14 năm giảng dạy dưới mái Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, cô Ngọc nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của lãnh đạo các cấp, sự yêu mến từ đồng nghiệp và phụ huynh học sinh.
 
Có thể nói, trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, học sinh, phụ huynh, ngành Giáo dục và cả xã hội đang cần những người thầy, người cô có “tâm”, có “tài” để góp phần đưa sự nghiệp “trồng người” ngày một đi lên, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
 
Đ. PHI
 
 
.
.
.