Dồn sức "chống trượt" tốt nghiệp THPT cho học sinh yếu, kém
Song song với việc thực hiện chương trình học kỳ II năm học 2020 - 2021, hiện tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tổ chức ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh (HS) lớp 12.
Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà hiện đang nỗ lực dồn sức cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới với quyết tâm “không để HS yếu, kém ở lại phía sau”.
CHỈ ĐẠO KỊP THỜI
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành GD-ĐT nên tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Tiền Giang tăng dần qua các năm. Toàn tỉnh có 13.787/13.897 thí sinh đậu tốt nghiệp THPT năm 2020, đạt tỷ lệ 99,21%. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Tiền Giang là 6,463 điểm, xếp hạng thứ 16 của cả nước.
Tiến sĩ Lê Quang Trí thăm, động viên HS Trường THPT Lê Văn Phẩm (huyện Cai Lậy). |
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2021, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà đang tập trung các giải pháp trong việc giảng dạy, ôn tập cho HS lớp 12 để có thể đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Trong đó, toàn ngành đặc biệt quan tâm đến công tác phụ đạo cho HS có học lực yếu, kém.
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, bên cạnh những HS có học lực khá, giỏi, các em có năng lực học tốt thì ở từng trường học đều có HS yếu, kém. Chính vì vậy, ngành GD-ĐT yêu cầu các trường THPT tổ chức rà soát và lập danh sách HS khối 12 năm học 2020 - 2021 của trường có học lực xếp loại yếu, kém có nguy cơ không đậu tốt nghiệp THPT sắp tới để xây dựng kế hoạch phân công giáo viên phụ trách, tổ chức lớp phụ đạo cho các em.
“Với vai trò, trách nhiệm, chúng ta không chần chừ được nữa mà hãy tiến hành thực hiện ngay kế hoạch cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra tốt nhất. Chúng ta phụ đạo HS yếu, kém không phải là để chạy theo thành tích, mà đó là cách chúng ta giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em có được một tương lai tốt đẹp hơn” - Tiến sĩ Lê Quang Trí nói.
ĐỒNG LOẠT VÀO CUỘC
Còn khoảng 3 tháng nữa, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ diễn ra. Do đó, ngay từ cuối tháng 3-2021, các trường THPT tập trung lên kế hoạch ôn tập cho HS, đặc biệt là phụ đạo HS có học lực yếu, kém. Theo đó, tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có thống kê cụ thể số lượng HS lớp 12 có học lực yếu, kém có nguy cơ không đậu tốt nghiệp THPT, với khoảng 1.000 HS.
Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy) có 454 HS lớp 12. Qua rà soát, nhà trường có 42 HS có học lực yếu, kém có nguy cơ không đậu tốt nghiệp THPT. Nhà trường tổ chức ôn tập cho HS thành 2 đợt ở 6 bộ môn Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, đợt 1 diễn ra từ ngày 29-3 đến 29-5 với 7 tuần thực học; đợt 2 từ ngày 31-5 đến 3-7.
Hiệu trưởng nhà trường Phan Thị Ngọc Chi cho biết, trong quá trình phụ đạo, giáo viên sẽ lưu ý nắm bắt các HS có năng lực nhận thức học tập còn hạn chế, mất căn bản về kiến thức để có biện pháp phụ đạo phù hợp từng HS nhằm nâng cao hiệu quả học tập của các em. Đặc biệt giáo viên bộ môn sẽ thông báo thường xuyên về tình hình phấn đấu, học tập của HS cho giáo viên chủ nhiệm để có biện pháp giáo dục và đảm bảo sĩ số HS học phụ đạo.
Qua rà soát HS lớp 12 có học lực yếu, kém, Trường THPT Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) có 23 HS học lực trung bình học kỳ I dưới 5.0. Từ kết quả rà soát, trường sẽ chỉ đạo giáo viên bộ môn bồi dưỡng miễn phí 2 tiết/tuần và dạy bồi dưỡng tăng cường 2 tiết/tuần cho HS yếu, kém, còn với HS có học lực trung bình sẽ tổ chức phụ đạo 2 tiết/tuần.
Không riêng Trường THPT Lưu Tấn Phát, THPT Vĩnh Kim mà hiện nay tất cả trường THPT trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch phụ đạo cho HS lớp 12 có học lực yếu, kém. Tùy vào từng điều kiện cụ thể, các trường sẽ có kế hoạch phụ đạo, ôn tập cho HS một cách hợp lý với mục tiêu đảm bảo lượng kiến thức cơ bản cho HS tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên việc ôn tập không gây áp lực cho HS.
Đ. PHI