.
XUNG QUANH QUY ĐỊNH CHỨNG CHỈ CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN:

Sẽ có hướng dẫn cụ thể

Cập nhật: 09:33, 08/03/2021 (GMT+7)

Nhiều giáo viên mầm non và phổ thông trên cả nước đang cảm thấy lo lắng vì vào đầu tháng 2 vừa qua, Bộ giáo dục và Đào tạo (GD&Đ) ban hành một loạt thông tư về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập.

Với thông tư mới này, giáo viên trong các trường công lập nếu không muốn bị “tụt hạng” và giảm lương thì buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo quy định.

LO LẮNG VÌ… CHỨNG CHỈ

Theo cô T.T.T.N., một giáo viên dạy THCS lâu năm trên địa bàn TP. Mỹ Tho, bản thân cô đã có bằng tốt nghiệp đại học và đang hưởng ngạch giáo viên THCS hạng II. Tuy nhiên, theo quy định mới về mức lương mới dành cho giáo viên có hiệu lực từ ngày 20-3, để được hưởng lương mới thì buộc cô N. phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Cô N. cho rằng, với trường hợp của cô thì không cần phải thăng hạng mà chỉ đơn thuần là giữ để không bị “tụt hạng”. “Mặc dù nghĩ vậy nhưng tôi vẫn thấy lo lắng nên đã nộp học phí gần 3 triệu đồng để theo học một khóa bồi dưỡng chứng chỉ. Số tiền gần nửa tháng lương của một giáo viên có thâm niên gần chục năm nhưng kiến thức mang lại từ các buổi học thì không có gì mới. Do đó, tôi thấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp có thể không giúp gì cho việc nâng cao chuyên môn, vì cuối cùng nó chỉ là hình thức nên nếu có thể, Bộ GD&ĐT xem xét bỏ đi cho giáo viên đỡ vất vả, tốn kém”.” - cô N. nói.

Nâng cao năng lực chuyên môn là việc làm thường xuyên của mỗi giáo viên ở các bậc học. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho).
Nâng cao năng lực chuyên môn là việc làm thường xuyên của mỗi giáo viên ở các bậc học. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho).

Còn thầy N.M.L., một giáo viên có thâm niên giảng dạy bậc tiểu học trên địa bàn huyện Gò Công Tây cho biết, hơn 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, thầy đã lần lượt đi học lên cao đẳng rồi đại học ngành Sư phạm tiểu học. Trong suốt những năm tháng đứng lớp, thầy L. đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi nghe quy định mới, thầy L. rất lo lắng, bởi theo thầy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên thực chất chỉ là một “giấy phép con”, không có chứng nhận này, giáo viên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên phải tốn chi phí, mất thời gian mà kiến thức tiếp thu được không có gì mới ngoài sự trùng lặp của những kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước, các kỹ năng chung…

Theo nhiều giáo viên có thâm niên thì những quy định về bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dành cho giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập đã được quy định trong các Thông tư liên tịch 20, 21 và 22 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ. Và điểm đáng chú ý của các thông tư này là không bắt buộc giáo viên phải thi thăng hạng mà chỉ áp dụng đối với các giáo viên có nhu cầu thi thăng hạng cao hơn.

Tuy nhiên, mới đây vào đầu tháng 2-2021, Bộ GD&ĐT ban hành các Thông tư 01, 02, 03 và 04 quy định giáo viên đang giữ ở hạng nào thì phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ở hạng đó, nếu không muốn bị “tụt hạng” hoặc hệ số lương cũ sẽ thấp hơn hệ số lương mới. Theo Bộ GD&ĐT, quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010, Nghị định 101 và một số nghị định khác của Chính phủ. Cụ thể, Luật Viên chức năm 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b, khoản 1, điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm, thăng hạng (điểm b, khoản 3, điều 33).

Với quy định mới này khiến nhiều giáo viên lo lắng, đổ xô tìm đến các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với tâm lý không học sẽ bị “tụt hạng”, không được xếp lương mới. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều trường đại học trên cả nước đã tổ chức các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với mức học phí dao động từ 3 đến 3,5 triệu đồng thông qua nhiều hình thức học như học trực tiếp hoặc học trực tuyến trong thời gian ngắn.

CÓ THỰC SỰ CẦN THIẾT?

Theo phân tích của nhiều giáo viên công tác lâu năm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thì chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp là không cần thiết. Bởi các lý do sau đây: Thứ nhất, để có thể đứng trên bục giảng, giáo viên phải hoàn thành chương trình đào tạo sư phạm từ 3 đến 3,5 năm đối với hệ cao đẳng, 4 năm đối với hệ đại học. Các thầy cô đã có đủ năng lực, kiến thức, chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để đứng lớp. Thứ hai, hiện nay, ngành Giáo dục đang áp dụng trong mỗi năm học, bên cạnh thực hiện công tác giảng dạy, giáo viên phải tự học bồi dưỡng thường xuyên với 4 mô đun; cuối năm sẽ có bài kiểm tra đánh giá và thực hiện xếp loại dựa trên các bài kiểm tra. Cuối cùng, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không mang tính ứng dụng thực tiễn cao, chỉ mang tính hình thức, đối phó.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành các thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập. Qua các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua cho thấy, các quy định này bước đầu chưa thật sự nhận được sự đồng thuận từ phía dư luận. Tuy nhiên, giáo viên tỉnh nhà cần phải bình tĩnh trước các thông tin, tránh hoang mang, lo lắng. Sắp tới đây, Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể đến các đơn vị giáo dục để thực hiện.

Cô L.T.K.H., Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc ban hành quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật, giúp giáo viên có thể hưởng lương theo quy định mới với những điểm mới, hoàn toàn có lợi cho giáo viên. Tuy nhiên, việc ban hành thông tư của Bộ GD&ĐT thiết nghĩ cần tạo ra hướng mở, tránh rập khuôn, máy móc, cần có quy định cụ thể về lộ trình, đối tượng, thời gian áp dụng để tránh việc giáo viên hoang mang, lo lắng. Theo đó, Bộ GD&ĐT cần xem xét đối tượng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chứ không nên áp dụng đại trà, chẳng hạn áp dụng với các trường hợp có nhu cầu thi thăng hạng cao hơn.

Đối với các trường hợp giáo viên có bằng cấp, chứng chỉ cao hơn so với các quy định cũ và những giáo viên sắp đến tuổi nghỉ hưu cần phải đánh giá xem xét miễn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Hay áp dụng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vào khâu tuyển dụng, đối với giáo viên được tuyển dụng trước ngày 20-3-2021 khi có quy định lương mới trong ngành Giáo dục mặc nhiên được coi là đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, việc quy định chứng chỉ này chỉ nên áp dụng sau ngày 20-3…

Đ.PHI

.
.
.