Coi chừng lạm dụng tuyển thẳng vào đại học
Đến nay các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2021. Điều nổi bật là số trường ĐH áp dụng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng (học sinh THPT ở các trường chuyên, các trường THPT có điểm thi THPT quốc gia dẫn đầu cả nước và thí sinh tốt nghiệp THPT quốc tế) lại bùng nổ số lượng. Nhiều cơ sở lạm dụng phương thức tuyển thẳng là điều cần phải cảnh báo.
Chỉ tiêu xét tuyển thẳng quá nhiều
Sau nhiều năm thống kê và đề xuất, đến năm 2015 (Bộ GD-ĐT chính thức áp dụng thi THPT quốc gia với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ), Đại học Quốc gia TPHCM mới được cho thí điểm ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh 5 trường THPT đứng đầu cả nước về điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 (căn cứ trên thống kê điểm thi trung bình của thí sinh cả nước) với chỉ tiêu tối đa 5%. Đến năm 2016 tăng lên thành 10 trường THPT và đến nay là áp dụng tối đa 15% chỉ tiêu. Năm 2020, số trường THPT được áp dụng cho phương thức này là 150 trường và năm 2021 có 149 trường THPT được ưu tiên xét tuyển vào ĐH Quốc gia TPHCM. Danh sách này gồm 83 trường THPT chuyên, năng khiếu năm 2021 và 66 trường THPT bổ sung theo tiêu chí của ĐH Quốc gia TPHCM.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT vào Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM năm 2021 |
Sau khi ĐH Quốc gia TPHCM tiên phong áp dụng, đến nay cả nước hầu như trường nào cũng áp dụng phương án này. Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm 2019 công bố hơn 2.000 thí sinh trúng tuyển theo diện tuyển thẳng (tổng chỉ tiêu là 5.000), chiếm 30% tổng chỉ tiêu. Năm 2020, phương thức này được chia thành hai diện: xét tuyển học sinh giỏi áp dụng cho 30%-40% chỉ tiêu các ngành chương trình đại trà, chất lượng cao và 100 chỉ tiêu chương trình cử nhân tài năng; xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn cho 20%-30% chỉ tiêu chương trình đại trà và chất lượng cao, 100-150 chỉ tiêu chương trình cử nhân tài năng.
Tương tự, năm 2021 Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM xét tuyển thẳng bằng hai phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT không hạn chế chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT tối đa 60% chỉ tiêu (ưu tiên xét tuyển thẳng dựa vào kết quả học tập THPT 40% chỉ tiêu và xét tuyển theo học bạ THPT 20% chỉ tiêu).
Nhiều trường ĐH khác cũng dành đến 20%-30% tổng chỉ tiêu để xét tuyển thẳng. Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các trường cũng dành chỉ tiêu để xét tuyển thẳng thí sinh tốt nghiệp THPT quốc tế với nhiều điều kiện khác nhau.
Lạm dụng để tuyển sinh?
Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng: Chỉ tiêu xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng các trường đưa ra hiện rất nhiều. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế là lượng thí sinh ảo cực kỳ lớn vì thí sinh nộp hồ sơ vào rất nhiều trường, nhiều ngành. Ví dụ 2 năm gần đây Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM dành 30% tổng chỉ tiêu để xét tuyển thẳng và gọi đúng 30% này (1.500 chỉ tiêu), nhưng nhập học chỉ khoảng 500 chỉ tiêu. Do đó, nhìn thực tế từ danh sách công bố trúng tuyển của các trường dễ thấy rằng xét tuyển thẳng của các trường ĐH đang bị lạm dụng.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, nhìn nhận: Năm nay nhiều trường (trừ các trường y) dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển thẳng với các tiêu chí cũng dễ hơn trước đây. Các trường chỉ cần học sinh giỏi và có thêm tiêu chí phụ (môn chính, hạnh kiểm, hoặc chứng chỉ ngoại ngữ) là đã đủ điều kiện. Điều dễ nhận thấy là tiêu chí học sinh giỏi (8.0 điểm), nhất là tiêu chí ngoại ngữ, thì thí sinh các thành phố lớn đạt rất nhiều. Điều này dẫn đến điều đáng ngại là kết quả học ở THPT bị lạm dụng để chạy theo thành tích “có nhiều học sinh đậu đại học”. Ví dụ tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, theo phương thức xét tuyển học bạ, rất nhiều học sinh trường THPT tư thục điểm học bạ cao chót vót so với điểm của học sinh ở nhiều trường THPT công lập, thậm chí cả trường chuyên cũng không bằng.
Theo các chuyên gia, việc nhiều trường áp dụng ưu tiên xét tuyển thẳng vào ĐH theo đề án tuyển sinh khiến dư luận lo lắng. Vào ĐH giờ quá dễ, nhưng học được và tốt nghiệp được lại là câu chuyện khác. Điều quan trọng là việc đánh giá kết quả học tập ở THPT có chuẩn, có đáng tin cậy hay không? Nếu khâu đánh giá ở THPT không tốt, các em được nâng điểm tùy tiện để vào ĐH bằng được thì sẽ làm khổ các em trong tương lai, đồng thời hệ lụy kéo theo là chất lượng giáo dục phổ thông sẽ bị ảnh hưởng, bởi nếu kiểu gì cũng vào được ĐH sẽ làm mất cân đối trình độ đào tạo và khối giáo dục nghề nghiệp khó khăn trong tuyển sinh.
Hiện nay, các trường ĐH đang áp dụng nhiều hình thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng khác nhau, trong đó có hai dạng chính: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT (với chỉ tiêu rất ít do tiêu chí áp dụng chung và khá khắt khe) và tuyển thẳng theo quy định của các trường (sẽ có những điều kiện khác nhau dành cho thí sinh).
Đối tượng tuyển thẳng theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2021 của Bộ GD-ĐT được giữ nguyên như năm 2020 và có 11 đối tượng như: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp THPT; người đã trúng tuyển vào các trường, nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung, nay đã hoàn thành nghĩa vụ, được phục viên, xuất ngũ mà chưa được nhận vào học ở một trường lớp chính quy dài hạn nào; thí sinh được triệu tập tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia dự cuộc thi KHKT quốc tế đã tốt nghiệp THPT; thí sinh đã tốt nghiệp THPT là thành viên đội tuyển quốc gia; thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và cuộc thi KHKT cấp quốc gia…
(Theo sggp.org.vn)