Giảng dạy các môn tích hợp bậc THCS: Đòi hỏi giáo viên phải tự thân cố gắng
Bên cạnh việc thay đổi sách giáo khoa (SGK), bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, một trong những điểm được chú ý, đó là sẽ đưa vào giảng dạy hai môn tích hợp, là môn Lịch sử - Địa lý tích hợp từ hai phân môn Lịch sử và Địa lý trước đây; môn Khoa học tự nhiên tích hợp từ hai phân môn Vật Lý, Hóa học và Sinh học. Dạy học tích hợp là việc hoàn toàn mới mẽ đối với không ít giáo viên, đòi hỏi giáo viên phải tự thân cố gắng, không ngừng cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy.
THIẾT KẾ CHỦ ĐỀ BÀI HỌC
Nếu như chương trình SGK trước đây, ở các bộ môn được thiết kế rời rạc, riêng lẻ; thì với chương trình SGK mới lần này đã có sự tích hợp, các kiến thức được kết nối và bổ trợ với nhau thành các chủ đề. Thay vì giảng dạy theo kiểu đọc - chép, với chương trình mới lần này, ở mỗi chủ đề bài học sẽ phát huy năng lực, kỹ năng tư duy, làm việc nhóm của học sinh.
Bản thân mỗi giáo viên giảng dạy ở bậc THCS phải không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm để thực hiện tốt chương trình mới. (Ảnh chụp tại Trường THCS Xuân Diệu, TP. Mỹ Tho). |
Những năm qua, có thể nói, việc dạy và học môn Lịch sử và Địa lý không phát huy được năng lực, sở trường của học sinh. Trong khi đó, khi nhìn nhận ở khía cạnh tổng thể, bên cạnh các môn khoa học tự nhiên thì hai môn học Lịch sử và Địa lý có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Chương trình SGK mới ở bậc trung học cơ sở (THCS) mà lớp 6 tới đây sẽ tích hợp hai môn học này thành môn Lịch sử và Địa lý. Từ thực tế giảng dạy nhiều năm qua, một số giáo viên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho rằng, tuy có sự giao nhau, nhưng hai môn học này vẫn có sự tách biệt rạch ròi về nội dung kiến thức. Một trong những điểm đáng chú ý của chương trình SGK tích hợp Lịch sử và Địa lý đó là có sự lồng ghép, giáo dục cho học sinh các chủ đề liên quan đến tình hình biển, đảo.
Phân tích một cách cụ thể, chương trình Lịch sử và Địa lý ở bậc THCS có 4 chủ đề tích hợp, bao gồm: Phát kiến địa lý - đô thị trong lịch sử; Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Cửu Long; chủ quyền biển, đảo. Riêng lớp 6 mới chỉ dừng lại ở việc tích hợp 2 phân môn thành một, chưa có nhiều sự giao thoa.
Việc tích hợp 2 môn Lịch sử và Địa lý đã có sự chuẩn bị và tính toán rất thận trọng, bởi đây là môn Khoa học xã hội rất đặc thù. Theo đó, mức độ tích hợp sẽ có 3 cấp độ: Thứ nhất, tích hợp nội dung lịch sử trong những phần phù hợp của bài Địa lý; thứ hai, tích hợp nội dung địa lý trong những phần phù hợp của bài Lịch sử; tích hợp theo các chủ đề chung.
Riêng với 3 môn học Vật lý, Hóa học và Sinh học sẽ được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên trong chương trình SGK mới. Chương trình quy định, kiến thức được tích hợp, thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung, bao gồm: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Với học sinh lớp 6 sẽ học ở năm học 2021 - 2022 gồm Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lý (32%), còn lại 20% là chương trình tích hợp. Trong đó, Hóa học sẽ được dạy ở nửa đầu học kỳ I, Sinh học dạy ở nửa cuối học kỳ I, môn Vật lý sẽ được dạy nửa cuối học kỳ II.
DẠY HỌC TÍCH HỢP SẼ RA SAO?
Có lẽ, vấn đề dạy và học các môn học tích hợp không chỉ được dư luận quan tâm, mà cả giáo viên hiện cũng đang khá băn khoăn, bỡ ngỡ, mặc dù việc dạy và học tích hợp liên môn đã được khuyến khích trong rất nhiều năm học qua.
Nhiều giáo viên có thâm niên dạy THCS ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho rằng, hoàn toàn không phủ nhận những ưu điểm của việc dạy học tích hợp, thế nhưng vấn đề ở đây là cần lộ trình, thời gian cụ thể. Cô N.T.M.T, giáo viên dạy Hóa học ở TP. Mỹ Tho, phân tích: “Với giáo viên, một môn dạy đã khó, đằng này dạy tích hợp ở 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Dạy học tích hợp là dạy theo từng chủ đề, đòi hỏi ở giáo viên rất sâu ở trình độ chuyên môn, kiến thức rất chuẩn xác thì mới có thể truyền đạt bài giảng cho học sinh. Nói là vậy, thế nhưng khi áp dụng thực tế là vô cùng khó, bởi trước đây giáo viên chỉ đào tạo ở một lĩnh vực cụ thể; và câu chuyện giáo án sẽ soạn ra sao, cho điểm đánh giá quá trình học sinh sẽ như thế nào và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn sẽ ra sao… hiện là vấn đề khá nan giải”.
“Trước đây, mỗi giáo viên một sổ điểm và giáo viên đó sẽ chịu trách nhiệm chính chất lượng học tập của học sinh ở từng lớp. Còn giờ đây, khi chuẩn bị áp dụng dạy tích hợp từ khoảng 3 môn trong giai đoạn đầu sẽ có đến 3 giáo viên giảng dạy, dẫn đến 3 cách ghi điểm khác nhau, trong khi môn học chỉ có một đầu điểm thì ai sẽ chịu trách nhiệm chất lượng học tập cho học sinh” - cô N.T.M.T băn khoăn nói.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho rằng, nhìn nhận góc độ thực tế có thể thấy, việc dạy học tích hợp đã được đưa vào thực hiện trong nhiều năm qua, giúp học sinh phát huy rất tốt kỹ năng, giải quyết vấn đề thực tiễn một cách nhanh chóng. Việc dạy học tích hợp cũng góp phần lược bỏ kiến thức trùng lặp ở nhiều môn, giảm tải chương trình học, tránh gây áp lực nặng nề cho giáo viên và học sinh.
Trước những băn khoăn về việc dạy và học tích hợp sẽ ra sao, từ những xuất phát từ thực tế, ngành GD-ĐT đã có nhiều giải pháp, trong đó giải pháp về mặt con người được đặc biệt quan tâm nhất. Hiện Bộ GD-ĐT có 9 module tập huấn giáo viên dạy tích hợp. Sở GD-ĐT Tiền Giang triển khai bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên giảng dạy tích hợp ở các môn trong năm học tới. Cụ thể như, giáo viên môn Địa lý được bồi dưỡng 20 tín chỉ môn Lịch sử và ngược lại. Thế nhưng, về lâu dài, các trường đào tạo sư phạm sẽ có những cân nhắc, tính toán trong việc đào tạo giáo viên ở bậc trung học để có thể giảng dạy tích hợp.
“Theo dự kiến, trong một học kỳ sẽ chia thời gian thành hai phần để sắp xếp bố trí thời khóa biểu cho giáo viên hợp lý, những giáo viên chuyên môn của phân môn nào thì sẽ thực hiện nội dung chính của môn đó; riêng chủ đề tích hợp, thì tổ bộ môn sẽ họp để phân công các giáo viên đảm nhiệm - đó là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, những giáo viên đào tạo theo từng môn riêng biệt trước đây sẽ được đào tạo bổ sung các chuyên ngành để tiếp cận giảng dạy bộ môn tích hợp sau này, bởi việc thực hiện chương trình SGK mới sẽ được kéo dài không chỉ khối lớp 6, mà cả các khối lớp 7, 8 và 9” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn nhấn mạnh.
Đ. PHI