Thứ Hai, 05/04/2021, 14:24 (GMT+7)
.
LỰA CHỌN NGÀNH, NGHỀ:

Cần nghiên cứu kỹ trước khi đặt bút viết hồ sơ

Chọn ngành, chọn nghề là nỗi băn khoăn lớn của những học sinh cuối cấp trung học phổ thông. Chọn ngành, nghề gì để không bị thất nghiệp, kiếm được thu nhập cao là mối quan tâm của nhiều học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Sở GD-ĐT Tiền Giang và Trường Đại học Tiền Giang tổ chức vào sáng 3-4 tại Trường Đại học Tiền Giang (cơ sở 1), đã phần nào gỡ rối một số vấn đề học sinh quan tâm trong việc lựa chọn ngành, nghề của mình.

CHỌN NGHỀ THỜI 4.0

Tại buổi tư vấn, nhiều học sinh đã đặt nhiều câu hỏi liên quan các ngành, nghề thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, tự động hóa…

Em Thiện Hòa, học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang đặt câu hỏi: “Khoảng 5 năm nữa, triển vọng cũng như cơ hội việc làm có cao hay không? Và trong chương trình học được thiết kế ra sao?...

Học sinh đặt câu hỏi với Ban Tổ chức Chương trình tư vấn - tuyển sinh hướng nghiệp.
Học sinh đặt câu hỏi với Ban Tổ chức Chương trình tư vấn - tuyển sinh hướng nghiệp.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, ngành kỹ thuật ô tô hiện đang rất “hot”, bởi mọi hoạt động di chuyển trong tương lai không xa con người sẽ sử dụng ô tô thay vì xe máy như hiện nay. Học ở Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ CHí Minh, các em sinh viên sẽ được tiếp cận chương trình đào tạo tân tiến, với các trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Ngay từ năm học đầu tiên, bên cạnh việc học lý thuyết, sinh viên sẽ được tiếp cận trực tiếp với thực hành ở phòng thí nghiệm. Trong khoảng 4 năm học, sinh viên sẽ được trang bị, rèn luyện tất cả các thao tác, kỹ năng nghề nghiệp một cách tốt nhất; sau khi ra trường sẽ không bị bỡ ngỡ, xoắn tay ngay vào việc.

“Nhà trường có 2 chương trình đào tạo kỹ thuật ôtô là đại trà và chất lượng cao. Với chương trình học ôtô chất lượng cao sẽ có học phí cao hơn khoảng 10 triệu đồng, nên mỗi lớp sĩ số ít hơn. Số tiền học phí cao hơn, chúng tôi sẽ thuê thêm giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh, khi ra trường các em có cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo chất lượng cao 2 năm đầu lấy chương trình Mỹ dạy, nếu sinh viên muốn liên thông với các chương trình đào tạo nước ngoài cũng rất dễ dàng” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết thêm.

Học sinh đặt câu hỏi với thầy cô tại buổi tư vấn tuyển sinh.

Ngành Công nghệ thông tin cũng là chủ đề “hot” được nhiều học sinh quan tâm tại buổi tư vấn. Theo Thạc sĩ Phùng Quán, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy, trong gần 10 năm trở lại đây, công nghệ thông tin đã thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của mỗi người. Nhờ công nghệ thông tin, con người đã biết đến các tri thức, công nghệ số tân tiến nhất. Con người không tạo ra công nghệ, mà chúng ta áp dụng công nghệ vào cuộc sống.

Ngành công nghệ thông tin đã trở thành ngành, nghề nhận được sự lựa chọn nhiều nhất trong mỗi mùa tư vấn tuyển sinh những năm qua. Công nghệ thông tin có rất nhiều chuyên ngành nhỏ, có thể kể đến như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm… Để học công nghệ thông tin, đòi hỏi sinh viên rất nhiều tố chất, trong đó có 3 tố chất quan trọng là tư duy logic, chịu áp lực công việc cao và đòi hỏi thông thạo ngoại ngữ. Mỗi năm, nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghệ thông cần đến khoảng 40 ngàn đến 50 ngàn lao động, nên học ngành này tỷ lệ thất nghiệp rất ít…

CẦN THỰC TẾ, TRÁNH MƠ MỘNG

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 và xét tuyển đại học, cao đẳng chính thức bắt đầu. Học sinh lớp 12 đang bước vào những giai đoạn quan trọng, cam go trong hành trình học tập của mình. Hơn ai hết, học sinh cần bình tĩnh, suy nghĩ, tính toán thận trọng để có thể đưa ra quyết định cuối cùng cho cuộc đời của mình.

Học sinh được tư vấn về ngành nghề tại buổi tư vấn tuyển sinh.

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, có thể nói, đến thời điểm này, nhiều em học sinh đã định hình cho mình việc chọn ngành, nghề. Một công thức lý tưởng đối với việc chọn, ngành nghề là vì sao mình chọn ngành đó và chọn ngành đó để làm gì.

Việc chọn ngành, nghề cần phải hết sức thực tế, tránh mơ mộng, chạy theo số đông, học sinh cần phải kiểm tra sự phù hợp bản thân với ngành, nghề, khả năng tài chính của gia đình, nơi chọn trường để học, môi trường học tập ra sao… Trên thực tế, đã có  nhiều sinh viên sau khi học hết năm nhất đành phải bỏ cuộc vì cảm thấy mình không phù hợp ngành, nghề đã chọn.

“Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh họa. Theo đó, có đến 75% các câu hỏi nhận biết và thông hiểu, 25% là câu hỏi vận dụng, vận dụng cao. Bên cạnh việc xét tốt nghiệp, các em cũng nên nghiên cứu các tổ hợp để có thể xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Theo đó, hiện nay, có trên 200 tổ hợp để xét tuyển đại học, cao đẳng. Chính vậy vậy, các em cần tính toán, định hình tổ hợp để có thể dành được một tấm vé vào đại học. Việc chọn các nguyện vọng cũng cần bố trí theo thứ tự, với nguyên tắc nguyện vọng đầu tiên là ngành, nghề mà em yêu thích nhất” - Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang Võ Văn Hiếu cho rằng, thời gian còn lại không còn nhiều, chính vì vậy học sinh cần nghiên cứu kỹ, đưa ra cho mình sự lựa chọn phù hợp nhất. Theo đó, có 3 việc quan trọng: Thứ nhất, cần tập trung cao độ cho việc ôn tập để thi tốt nghiệp sắp tới; thứ hai, cần nghiên cứu, viết hồ sơ thật kỹ cho việc dự tuyển đại học, cao đẳng; và cuối cùng là, việc giữ cho bản thân một tinh thần thật thoải mái, không áp lực.

Đ. PHI

.
.
.