.

Những lưu ý khi chọn sách giáo khoa cho năm học 2021 - 2022

Cập nhật: 10:51, 02/04/2021 (GMT+7)

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn, có thể nói, đến thời điểm hiện nay, công tác lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho năm học 2021 - 2022, cụ thể là SGK lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn tỉnh đã diễn ra đúng tiến độ, thực hiện nghiêm ngặt theo các quy trình do Bộ GD-ĐT đề ra.

* Phóng viên (PV): Từ năm học 2021 - 2022, việc lựa chọn SGK sẽ do UBND tỉnh lựa chọn, chứ không giao cho các trường lựa chọn SGK như trước đây. Vậy có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?

* Đồng chí Nguyễn Phương Toàn: Năm học 2020 - 2021, việc chọn SGK ở khối lớp 1 được thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo đó, việc chọn SGK giao quyền chủ động cho các trường học. Tuy nhiên, từ năm học 2021 - 2022, theo tinh thần của Luật Giáo dục và Đào tạo năm 2019, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm chọn SGK dùng chung ở các khối lớp trong thời gian lâu dài. Việc thay đổi về chọn SGK trong 2 năm học liền kề hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, bởi các bộ SGK đã được tính toán, thiết kế đảm bảo các yếu tố kế thừa nhằm phát huy năng lực, kỹ năng của học sinh.

Riêng đối với học sinh lớp 1, trong năm học 2021 - 2022, trên cơ sở triển khai SGK của năm học 2020 - 2021, các trường có thể rà soát lại, nếu thật sự cần thiết có điều chỉnh lựa chọn thì các trường sẽ đề xuất Sở GD-ĐT trình UBND tỉnh phê duyệt để có thể điều chỉnh SGK lớp 1 triển khai cho năm học 2021 - 2022.

* PV: So với chương trình trước đây, ở lớp 6, một số môn học sẽ được tích hợp, gồm Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên. Điều này có gây khó khăn trong giảng dạy của giáo viên?

* Đồng chí Nguyễn Phương Toàn: Ở chương trình lớp 6 năm học 2021 - 2022 sẽ có một điểm khác biệt so với chương trình lớp 6 cũ là có các môn tích hợp gồm Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên. Vấn đề đặt ra là, với giáo viên được đào tạo các chuyên ngành chuyên biệt trước đây, trong thời gian tới sẽ phải thích ứng, bồi dưỡng thêm chuyên môn nghiệp vụ để có thể giảng dạy tích hợp.

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, trong một học kỳ sẽ chia thời gian thành hai phần để sắp xếp bố trí thời khóa biểu cho giáo viên hợp lý, những giáo viên chuyên môn của phân môn nào thì sẽ thực hiện nội dung chính của môn đó; riêng với chủ đề tích hợp thì tổ bộ môn sẽ họp để phân công các giáo viên đảm nhiệm. Đó là giải pháp trước mắt, còn lâu dài, theo chỉ đạo Bộ GD-ĐT, những giáo viên đào tạo theo từng môn riêng biệt trước đây sẽ được đào tạo bổ sung các chuyên ngành để tiếp cận giảng dạy bộ môn tích hợp sau này, bởi việc thực hiện chương trình SGK mới sẽ được kéo dài không chỉ khối lớp 6 mà còn cả các khối lớp 7, 8 và 9.

* PV: Trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ có chương trình giáo dục địa phương cho các khối lớp. Việc biên soạn chương trình này đã được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Phương Toàn: Đến thời điểm này, việc biên soạn chương trình giáo dục địa phương cho khối lớp 1 và lớp 6 đã hoàn tất; sau khi thẩm định và được UBND tỉnh phê duyệt sẽ tiến hành áp dụng, các khối lớp còn lại sẽ tiếp tục triển khai biên soạn.

Nội dung chương trình giáo dục địa phương là những vấn đề được đề cập về văn hóa, lịch sử, địa lý, con người, môi trường… của tỉnh Tiền Giang. Chương trình giáo dục địa phương sẽ được áp dụng ở một số môn bậc trung học cơ sở: Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý… Đối với  bậc tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm của học sinh.

* PV: Để thực hiện tốt chương trình GDPT năm 2018 cho năm học 2021 - 2022 sắp tới, ngành GD-ĐT Tiền Giang cần chuẩn bị những gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Phương Toàn: Có thể nói, với tâm thế cùng với kinh nghiệm triển khai từ năm học 2020 - 2021, ngành GD-ĐT Tiền Giang đã thực hiện tốt mục tiêu đề ra trong lộ trình thực hiện “cuốn chiếu” chương trình GDPT mới.

Đối với năm học 2021 - 2022, về cơ sở vật chất, toàn ngành GD-ĐT Tiền Giang cơ bản đáp ứng tốt số lượng phòng học 2 buổi/ngày. Trong thời gian tới, ngành sẽ rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học để bổ sung; tập huấn việc sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học mới để giáo viên phát huy tốt nhất hiệu quả thiết bị, đồ dùng dạy học khi áp dụng chương trình GDPT mới.

Về đội ngũ giáo viên, ngành GD-ĐT Tiền Giang đã thực hiện bồi dưỡng đại trà cho giáo viên đứng lớp, trong đó chú trọng các mô đun 2 về phương pháp giảng dạy và mô đun 3, 4 về kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Điều đặc biệt quan trọng cần lưu ý ở giáo viên là, phải nắm chắc chương trình, được tập huấn bài bản, kỹ lưỡng về những điểm mới trong nội dung, mục tiêu của việc thực hiện chương trình GDPT mới.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

P. PHƯƠNG (thực hiện)

 

.
.
.