.
ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2021:

Không được chủ quan với đề thi minh họa

Cập nhật: 08:11, 07/04/2021 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố đề thi minh họa Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021. Nhiều giáo viên, học sinh cho rằng, đề thi minh họa năm nay được đánh giá tương đối dễ, bám sát chương trình học theo quy định; tuy nhiên vẫn có phần để phân loại thí sinh.

ĐỀ KHÔNG QUÁ KHÓ

Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh họa vào cuối tháng 3 vừa qua. Nhìn ở góc độ tương quan so với các đề thi năm trước, đề thi năm nay an toàn cho học sinh. Bởi cấu trúc các đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, vừa sức. Mỗi đề thi được phân bổ theo 50% nội dung nhận biết, 25% nội dung thông hiểu và 25% nội dung vận dụng và vận dụng cao. Như vậy, nếu tập trung ôn tập, học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm trung bình để tốt nghiệp THPT. Bên cạnh những nội dung được cho là dễ, đề thi của các bài thi vẫn có nhiều câu hóc búa để phân loại học sinh xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trong giờ học trên lớp.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) trong giờ học trên lớp.

Cũng giống như mọi năm, bài thi Ngữ văn năm nay vẫn thi theo hình thức tự luận. Nội dung đề thi không thay đổi nhiều so với các năm trước, tập trung vào hai phần chính là đọc hiểu và làm văn. Với nội dung của phần đọc hiểu cho 1 bài thơ ngoài chương trình, đặt ra 4 câu hỏi yêu cầu học sinh giải quyết, được đánh giá là gần gũi, đơn giản, hỏi gì trả lời đó, tránh lan man, dài dòng. Với phần đọc làm văn, có 2 câu hỏi yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội và 1 bài nghị luận văn học cũng được đánh giá rất cơ bản, chủ yếu tái hiện kiến thức mà học sinh được học trên lớp.

Với đề thi minh họa môn Toán, được giáo viên và học sinh đánh giá mang tính phân hóa cao, với cấu trúc đề đã dành 7 điểm cho học sinh trung bình và 3 điểm cho học sinh khá, giỏi. Các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, để giải quyết các nội dung trong đề thi, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tích hợp chương trình Toán lớp 10 và lớp 11.

Theo cô Lê Thị Loan, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Giáo dục Thường xuyên (Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang), đề thi minh họa của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) cũng được đánh giá tương đối dễ, các kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Trong mỗi đề thi phân hóa có khoảng 6 - 8 câu hỏi khó. Đề thi có rất nhiều câu hỏi bám sát thực tế đời sống, các hiện tượng tự nhiên, học sinh và giáo viên thích thú.

Với bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), được nhiều học sinh đánh giá không chỉ đơn thuần là học thuộc bài, mà đòi hỏi học sinh phải có tư duy, khái quát cao mới làm được bài. Nhiều câu hỏi trong bài thi Lịch sử được đánh giá rất khó, mang tính đánh đố học sinh. Các câu hỏi trong đề Địa lý mang tính chất vận dụng Alat, suy luận, tính toán nhiều. Đề Giáo dục công dân yêu cầu học sinh phải biết vận dụng lý thuyết để giải các bài tập tình huống.

Khó nhất đối với học sinh vẫn là đề thi Tiếng Anh; tuy nhiên,  đề thi minh họa năm nay cũng được đánh giá là “dễ thở” so với các năm trước. Các nội dung về từ vựng, ngữ pháp bám sát chương trình học. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, để làm được các câu hỏi trong chương trình lớp 12 đòi hỏi học sinh phải có kiến thức Tiếng Anh lớp 10 và lớp 11.

NHƯNG CHỚ VỘI MỪNG

Có thể thấy, với những nội dung mà Bộ GD-ĐT công bố qua đề thi minh họa cho Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay được đánh giá là khá cơ bản, an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế ở các kỳ thi những năm qua cho thấy, ở nội dung các đề thi đã có những độ lệch nhất định, bằng chứng rõ nhất là đề Tiếng Anh năm 2020 khó hơn so với nội dung của đề thi minh họa.

Theo nhiều giáo viên kinh nghiệm dạy lớp 12, việc Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa trước kỳ thi tốt nghiệp chủ yếu mang tính chất tham khảo về cấu trúc, việc ôn tập cho học sinh cần phải thực hiện toàn diện, tránh hiện tượng cắt xén nội dung hay học lệch, học  tủ.

Thầy Huỳnh Tấn Trãi, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phước, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, cho biết, nhà trường có 7 lớp 12, mỗi lớp khoảng 40  học sinh. Thời điểm này, nhà trường đã tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa học kỳ II. Việc ôn tập của nhà trường theo nguyên tắc tuy chậm mà chắc, kiến thức nào phải chắc kiến thức đó. Nhà trường cho rằng, đề thi minh họa chủ yếu để tham khảo về mặt cấu trúc đề thi. Ví dụ như, với đề Ngữ văn, là môn đặc thù, đề thi minh họa chủ yếu để minh họa về mặt cấu trúc, vấn đề cốt lõi là học sinh cần bám sát các chủ đề ôn tập của giáo viên. Học sinh không được ỷ lại đề thi mẫu ra tác phẩm văn học này thì kỳ thi sắp đến không ra tác phẩm đó.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Võ Văn Hiếu cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa, sở sẽ tiến hành họp mạng lưới chuyên môn để phân tích đề thi, định hướng ôn tập cho học sinh. Một vấn đề học sinh cần chú ý là, đề thi minh họa dễ nhưng không được chủ quan, bởi trong đề vẫn có câu hỏi phân loại. Điều cốt yếu là, giáo viên và học sinh cần bám sát sách giáo khoa dựa trên các hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT để vừa học, vừa ôn tập sao cho hiệu quả.

Đ. PHI

.
.
.