Tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Toàn ngành GD phải bắt tay vào việc sớm để đáp ứng kỳ vọng
Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, dù là việc nóng, cấp bách hay việc lớn, lâu dài, toàn ngành giáo dục cũng phải bắt tay vào việc sớm để đáp ứng sự kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân và xã hội.
Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngày 8/4, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Bên lề hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, có rất nhiều công việc đang chờ ở phía trước và ông tạm chia 3 nhóm công việc để ưu tiên thực hiện.
Thứ nhất là nhóm việc “nóng”, cấp bách như kỳ thi THPT quốc gia, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới...
Thứ hai là những việc dài hơi hơn, mang ý nghĩa trung hạn. Đó là công cuộc chuyển đổi số, thích ứng cách mạng công nghiệp lần thứ 4; sự nghiệp chuyển đổi số cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; triển khai Luật Giáo dục, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; quy hoạch mạng lưới các trường đại học, nhấtt là các trường đại học sư phạm trọng điểm...
Thứ ba là những việc phải thực hiện lâu dài, như chương trình hành động của ngành giáo dục để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó phát triển giáo dục và đào tạo phải nhằm mục tiêu lớn như phát triển toàn diện về con người, văn hóa gắn với khoa học công nghệ, để tạo ra bước đột phá về năng suất lao động, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, tham gia vào việc khơi dậy khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường...
Tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, dù là việc nóng, cấp bách hay việc lớn, lâu dài, toàn ngành giáo dục cũng phải bắt tay vào việc sớm vì luôn có sự kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân và xã hội: “Về tư tưởng, định hướng, quan điểm chỉ đạo thì các đại hội gần đây của Đảng đã nêu đầy đủ, nhất quán, việc của chúng ta là tập trung triển khai. Nhưng nếu nói về triết lý giáo dục, tôi nghĩ đây là vấn đề lớn và khó, không thể nói đôi lời mà xong, không thể nói thoáng qua, mà cần sự tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng”.
Chia sẻ về triết lý giáo dục của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gói gọn vào hai chữ "nhân bản". Theo ông, yếu tố "nhân bản" phải thể hiện, chi phối trong mọi tinh thần, chỉ đạo, chính sách, hành động, cử chỉ, phương pháp, tài liệu. Tinh thần "nhân bản" làm nền cho tất cả, từ xây dựng trường học, từng cuốn sách, hệ thống học liệu cho đến kết quả của quá trình giáo dục.
“Từ dụng cụ nhỏ, đến toàn bộ hệ thống thiết bị giáo dục đều phải lấy việc phụng sự con người, cho con người, phát triển con người làm gốc rễ”, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.
Theo quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, điều quan trọng của giáo dục thời đại công nghiệp lần thứ 4 là đạt đến yếu tố từng cá nhân, từng đối tượng, đạt được mục tiêu giáo dục cho từng người. Công nghệ luôn luôn thay đổi, tri thức thì gia tăng nhanh chóng theo thời gian. Vì vậy, giáo dục phải chọn cho mình điểm tựa, chỗ đứng để trong bất kỳ sự biến đổi nào, giáo dục cũng phải lấy đó làm chỗ căn bản để vun đắp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, những thuận lợi của công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay là ngành giáo dục luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặt là mối quan tâm chỉ đạo hàng đầu, là quốc sách, là phần quan trọng của các đột phá chiến lược. Bên cạnh đó, Việt Nam có truyền thống hiếu học sâu sắc, mỗi gia đình đều mong muốn đầu tư giáo dục cho thế hệ tương lai phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là thuận lợi mà nhiều nền giáo dục trên thế giới khó có được. “Quan trọng là làm sao chúng ta huy động được sự quan tâm của xã hội, tạo thành lực đồng hướng, để giáo dục đào tạo phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, Bộ trưởng kỳ vọng.
Tuy nhiên, tân Bộ trưởng GD&ĐT cũng nhận thấy những khó khăn, thách thức rất lớn mà mình phải đối mặt, với nhiều thách thức lớn đặt ra. Ông nhấn mạnh, đổi mới giáo dục và đào tạo là tất yếu, “để quốc gia bứt phá, trở thành nước phát triển thì việc cung cấp nguồn nhân lực, nhân tố con người phải gia tăng về chất lượng. Yêu cầu này đặt ngành giáo dục đào tạo phải có giải pháp mạnh, có đổi mới để chất lượng nguồn nhân lực ngày càng tốt hơn”.
Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục-đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chia sẻ rằng ông và tất cả những người làm giáo dục mong muốn nhận được sự đồng hành, hậu thuẫn lớn từ phía người dân: “Thực tiễn, có rất nhiều việc không chỉ ngành giáo dục giải quyết được mà cần sự chung tay, chia sẻ từ gia đình và xã hội”.
(Theo chinhphu.vn)