Thứ Năm, 13/05/2021, 08:09 (GMT+7)
.

Giáo viên "mách nước" giai đoạn nước rút

Để học sinh (HS) lớp 9 có phương pháp, kinh nghiệm ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm bài thi tuyển sinh lớp 10, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với các giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy 3 bộ môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh ở Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

THẦY VÕ TẤN HOÀNG VIỆT, GIÁO VIÊN TOÁN:

Thuộc công thức mới làm được bài

Những năm qua, cấu trúc đề thi môn Toán, phần Đại số chiếm khoảng 60% cơ cấu số điểm, phần Hình học chiếm khoảng 40% số điểm. Cấu trúc đề thi những năm gần đây thường ít thay đổi, đề thi năm trước cũng được xem là tài liệu vô cùng quý giá. Các em nên theo dõi đề thi trong 3 năm trở lại đây để ôn tập, đồng thời nắm bắt xu hướng đổi mới của đề thi những năm gần đây. Học sinh ôn tập môn Toán thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ trải qua 2 giai đoạn chính là ôn kiến thức và luyện đề. Giai đoạn ôn kiến thức đã được kéo dài trước đó ở các chuyên đề, như hệ phương trình, tam thức bậc hai, hình học… Giai đoạn giải đề là giai đoạn nước rút hiện nay.

Vấn đề cốt yếu ở môn Toán để giải được tất cả các bài tập đòi hỏi các em phải thuộc công thức. Trong quá trình làm bài, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Trong quá trình làm bài, các em làm xong câu nào thì nên kiểm tra lại cho kỹ, rồi làm câu khác. Để tránh bị mất điểm đáng tiếc, tuyệt đối không được phạm phải những sai lầm sau: Tính toán sai, vẽ hình sai, hình vẽ thiếu nét, trình bày quá vắn tắt… Một bài toán có thể giải bằng nhiều cách, thế nhưng đây là hình thức thi tự luận, chính vì vậy các em hãy chú ý thật kỹ cách trình bày, vì từng bước triển khai đều có điểm số.

PHẠM ÁNH NGA, GIÁO VIÊN NGỮ VĂN:

Học sinh cần nắm chắc kiến thức căn bản

Ngữ văn là môn thi tự luận. Vì vậy việc trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản là điều rất quan trọng, đây là giai đoạn được thực hiện trong suốt năm học, có thể coi là cái gốc kiến thức. Đề thi Ngữ văn thường có 2 phần chính là phần đọc hiểu và phần làm văn. Phần đọc hiểu sẽ kiểm tra các kiến thức về từ ngữ, ngữ pháp, liên kết câu; đề thi hỏi gì, học sinh đáp đó, không trả lời dài dòng, mà phải trả lời vào đúng trọng tâm. Phần làm văn sẽ yêu cầu viết đoạn văn nghị luận và làm một bài nghị luận văn học. Với phần làm văn, các em cần đáp ứng các nội dung kiến thức cơ bản mà giáo viên đã dạy, liên hệ, đánh giá và chốt lại vấn đề mà đề thi yêu cầu. Thời điểm hiện tại, các em cần hệ thống hóa kiến thức bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, hệ thống hóa kiến thức theo 3 phân môn Văn, Tiếng Việt và tập làm văn là rất cần thiết. Trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn khác với các môn khác, đây là môn thực hiện phương pháp tự luận. Học sinh cần kết hợp việc ôn luyện của giáo viên trên lớp với việc tự học ở nhà, nhất là trong giai đoạn này.

THẦY TRẦN HỒNG CẢNH, GIÁO VIÊN TIẾNG ANH:

Ôn tập và rèn luyện giải đề thi thử

Tiếng Anh là môn được triển khai thi tuyển sinh lớp 10 ở tỉnh Tiền Giang trong rất nhiều năm qua và cũng là môn khó đối với nhiều học sinh. Thế nhưng, trên thực tế, nếu học sinh có phương pháp ôn tập đúng thì việc lấy điểm môn Tiếng Anh sẽ khá dễ dàng. Đề thi sẽ có tất cả 40 câu trắc nghiệm, bao gồm phần phát âm, từ đồng nghĩa, trái nghĩa, câu hỏi giao tiếp, điền từ, bài đọc, các cấu trúc ngữ pháp... Việc hệ thống lại các kiến thức ngữ pháp, xem lại cấu trúc câu… ở thời điểm này là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh việc ôn tập kiến thức, học sinh cũng nên thực hành việc giải đề để rèn luyện kỹ năng cho mình. Học sinh cũng nên xem lại, dịch lại các bài đọc trong sách giáo khoa. Khi làm bài, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, không được bỏ trống. Với các phương án trắc nghiệm, học sinh cần phải có phương án loại suy, chú ý các câu hỏi hóc múa, mang tính chất bẫy thí sinh để có thể tìm ra đáp án tối ưu nhất.

P. CÔNG (Lược ghi)

.
.
.