Thứ Tư, 19/05/2021, 10:32 (GMT+7)
.

Kỹ năng mềm - sự cần thiết đối với sinh viên

Rời ghế giảng đường, cầm bằng tốt nghiệp trên tay, kiếm được việc làm ổn định được xem là niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên. Tuy nhiên, trước những đổi mới không ngừng của xã hội, yêu cầu của nhà tuyển dụng ngày càng gắt gao đòi hỏi sinh viên ngoài yếu tố chuyên môn còn phải có kỹ năng mềm.

TẠI SAO CẦN KỸ NĂNG MỀM?

Vừa trải qua buổi phỏng vấn ở một công ty nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh, em Trần Mạnh Nguyên, cựu sinh viên Trường Đại học Tiền Giang cho biết, trước ngày phỏng vấn, Nguyên đã chuẩn bị đầy đủ các kiến thức chuyên môn mà mình được trang bị trong suốt 4 năm đại học. Thế nhưng điều mà Nguyên khá bất ngờ là nhà tuyển dụng không hề hỏi về những kiến thức chuyên ngành đã học, mà đặt người được phỏng vấn vào các tình huống thực tế để yêu cầu giải quyết vấn đề.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Tiền Giang trong giờ học thực hành.
Sinh viên Trường Cao đẳng Tiền Giang trong giờ học thực hành.

Và tình huống thực tế đặt ra cho Nguyên trong lần phỏng vấn này là sau một vài câu hỏi sơ bộ, chị quản lý nhân sự công ty là người trực tiếp phỏng vấn Nguyên có điện thoại, vội bước ra ngoài và vô tình làm rơi quyển sổ trên bàn làm việc xuống đất. Do tâm trạng bối rối trước tình huống bất ngờ của người phỏng vấn nên Nguyên không để ý nhặt quyển sổ dưới đất để lại trên bàn.

Tầm khoảng 3 phút sau, người phỏng vấn bước vào và nói với Nguyên: “Đáng lẽ điều chị cần khi bước ra ngoài là em nên nhặt quyển sổ để lại ngay ngắn trên bàn làm việc. Chị rất tiếc, đây là việc làm rất nhỏ mà em không thể làm được thì khó mà làm được những việc lớn hơn trong cuộc sống”. Dù trượt phỏng vấn nhưng Nguyên đã có cho mình nhiều bài học bổ ích.

Không riêng gì Nguyên mà đó là thực trạng chung của nhiều sinh viên đang yếu về kỹ năng mềm. Kỹ năng mềm có thể được hiểu đơn giản là những kỹ năng được rèn luyện và tích lũy thông qua thực tiễn bao gồm những kỹ năng lãnh đạo, thuyết trình, làm việc nhóm, đàm phán, quản lý thời gian…

Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, so với khoảng 10 năm trước, chất lượng đào tạo sinh viên của Tiền Giang đã có sự vượt bậc. Chương trình đào tạo của các trường được kiểm định chất lượng trong và ngoài nước. Uy tín đào tạo của địa phương không ngừng nâng lên và có nhiều cải tiến phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Không ít sinh viên của tỉnh Tiền Giang đã được các cơ quan, doanh nghiệp trọng dụng, bổ nhiệm ở nhiều chức vụ cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP. Hồ Chí Minh Lâm Thúy Ái cho rằng, bà rất muốn tạo điều kiện cho sinh viên Tiền Giang được làm việc tại công ty của mình. Tuy nhiên, điều mà bà trăn trở hiện nay là các bạn sinh viên ngại đi xa, không muốn tìm hiểu cái mới, chủ yếu là muốn làm việc trong tỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay, sinh viên có vốn Tiếng Anh khá yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng cũng như xu thế hội nhập.

Còn Thạc sĩ Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang cho biết, những năm qua, nhà trường thực hiện công tác kết nối với doanh nghiệp, tạo đầu ra việc làm cho sinh viên. Qua nắm bắt thực tế từ nhận xét của các nhà tuyển dụng, thì trình độ kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên nhà trường rất tốt, thế nhưng vấn đề kỹ năng mềm của sinh viên cần được điều chỉnh và trang bị tốt hơn trong quá trình thực hiện công tác đào tạo.

Có thể thấy, môi trường làm việc hiện nay luôn đòi hỏi sự nhanh nhạy, sáng tạo, bên cạnh kiến thức, thì kỹ năng mềm là yếu tố khá quan trọng để mỗi người có thể thích nghi và tồn tại. Do đó, với sinh viên, kỹ năng mềm là một trong những yếu tố quan trọng, cần trang bị để bước vào đời.

RÈN LUYỆN VÀ TÍCH LŨY

Theo các nhà tâm lý học, kỹ năng mềm không tự nhiên mà có, đòi hỏi phải có quá trình rèn luyện và tích lũy của từng cá nhân thông qua thực tế cuộc sống và học tập. Tùy thuộc vào từng lĩnh vực mà có những kỹ năng mềm khác nhau để thích ứng với từng loại hình công việc. Với sinh viên, việc tích lũy kỹ năng mềm ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường là điều rất cần thiết.

Thực tế trong công tác đào tạo tại nhiều trường đại học, cao đẳng ở nước ta nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, trong suốt nhiều năm qua cho thấy, với những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, vững về chuyên môn nhưng chưa chắc thích ứng nhanh với công việc; ngược lại có không ít sinh viên có thành tích học tập không xuất sắc nhưng với bản lĩnh, tự tin, nhanh nhạy các bạn đã thích ứng rất tốt với môi trường công việc, đó chính là nhờ vào kỹ năng mềm.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Giang Lam, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang cho rằng, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, dựa vào chuyên ngành học, bản thân sinh viên cần xác định rõ đâu là kỹ năng mềm và kỹ năng cứng cho từng công việc. Việc xác định này sẽ giúp sinh viên phát hiện ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có sự điều chỉnh phù hợp. Với kỹ năng mềm, sinh viên cần phải có quá trình rèn luyện trong cuộc sống và học tập.

Theo Thạc sĩ Đinh Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Tiền Giang, để rèn luyện kỹ năng mềm, thì ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, ngoài học tập, sinh viên có thể tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa, văn nghệ, thể thao, thậm chí là đi làm thêm để có thể tích lũy vốn sống, kinh nghiệm… Có hoạt động trải nghiệm thì sinh viên mới thực hành tốt các kỹ năng và rất có ích trong quá trình làm việc sau này. Đặc biệt sinh viên cần phải trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ, một đòi hỏi thực tế trong xu thế hội nhập hiện nay mà hầu hết sinh viên cũng như các bạn trẻ đang gặp khó.

Môi trường làm việc ngày càng đòi hỏi sự năng động, sáng tạo và mang yếu tố cạnh tranh, bên cạnh năng lực chuyên môn, đòi hỏi mỗi người đặc biệt là đối với sinh viên mới ra trường cần trau dồi kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng mềm.

Đ. PHI

.
.
.