Thứ Tư, 23/06/2021, 14:18 (GMT+7)
.

Cạnh tranh kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Bộ GD-ĐT vừa quyết định cho phép 3 tổ chức kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh 7 tổ chức KĐCL giáo dục của Việt Nam, việc có thêm 3 tổ chức KĐCL giáo dục nước ngoài tại Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học.  

Sinh viên ngành Kinh tế Trường ĐH Mở dự báo cáo chuyên đề về PR làm việc cho doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sinh viên ngành Kinh tế Trường ĐH Mở dự báo cáo chuyên đề về PR làm việc cho doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Kiểm định đa lĩnh vực

Các tổ chức KĐCL vừa được Bộ GD-ĐT cấp phép hoạt động tại Việt Nam gồm FIBAA, AQAS và ASIIN. Thời gian được công nhận và hoạt động tại Việt Nam là 5 năm. Cả 3 tổ chức này đều có trụ sở tại Đức.

Theo đó, FIBAA được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận tại Việt Nam đối với cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH thuộc các lĩnh vực: Pháp luật, Kinh doanh và quản lý, Khoa học xã hội và hành vi. Hiện có 9 chương trình đào tạo bậc ĐH, thạc sĩ của các trường ĐH tại Việt Nam được FIBAA kiểm định, công nhận đạt chuẩn.

ASIIN được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận tại Việt Nam đối với cơ sở giáo dục ĐH và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên. Còn AQAS được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận tại Việt Nam đối với cơ sở giáo dục ĐH và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH theo quy định của Việt Nam.

Hiện Việt Nam đã có 5 tổ chức KĐCL giáo dục được thành lập, gồm: Trung tâm KĐCL giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trung tâm KĐCL giáo dục (ĐH Quốc gia TPHCM), Trung tâm KĐCL giáo dục (ĐH Đà Nẵng), Trung tâm KĐCL giáo dục (Trường ĐH Vinh), Trung tâm KĐCL giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Hai tổ chức KĐCL giáo dục tư nhân được cho phép thành lập gồm: Trung tâm KĐCL giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục TPHCM; Trung tâm KĐCL giáo dục Thăng Long trực thuộc Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục Hà Nội.

Thúc đẩy hội nhập chất lượng giáo dục

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng: “Việc có thêm 3 tổ chức KĐCL giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là tín hiệu tích cực. Thứ nhất là tạo thuận lợi cho các trường trong việc lựa chọn tổ chức kiểm định để đánh giá chương trình đào tạo cũng như kiểm định cấp trường. Chi phí cho kiểm định, nhất là kiểm định theo chuẩn quốc tế cũng được cạnh tranh. Ngoài ra, chất lượng kiểm định của các tổ chức kiểm định cũng sẽ được cạnh tranh và nâng lên. Bên cạnh đó, chương trình đạt chuẩn kiểm định quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho trường lẫn người học. Người học theo học chương trình được kiểm định sẽ được các trường nước ngoài công nhận, khi tiếp tục học cao hơn sẽ không phải học lại một số môn. Đây là quyết định tích cực của Bộ GD-ĐT trong bối cảnh hội nhập với giáo dục khu vực cũng như quốc tế. Muốn nói đến chất lượng thì phải có thước đo, tiêu chí đánh giá rõ ràng chứ không thể nói suông”.  

Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết, các tổ chức kiểm định này thường kiểm định các ngành nghề trong các lĩnh vực thế mạnh của mình. Điều đó sẽ làm cho các trường ĐH được minh bạch, khách quan hơn khi được kiểm định; đồng thời, sinh viên tốt nghiệp có nhiều lợi thế hơn vì đã được kiểm định qua những tiêu chuẩn của châu Âu. Mặt khác, khi có sự cạnh tranh, các tổ chức kiểm định của Việt Nam học hỏi cách thức, tác phong kiểm định và sẽ dần nâng cao khả năng của mình.

Một cán bộ phụ trách công tác khảo thí và KĐCL giáo dục Trường ĐH Kinh tế TPHCM chia sẻ: Quyết định của Bộ GD-ĐT sẽ thúc đẩy thị trường KĐCL giáo dục của Việt Nam tốt hơn về chất lượng. Mỗi tổ chức kiểm định đều có những tiêu chí, phong cách làm việc khác nhau. Tuy nhiên, khi một chương trình đào tạo, một trường đạt chuẩn kiểm định khu vực Đông Nam Á hay của các tổ chức kiểm định uy tín của quốc tế (châu Âu) thì uy tín và thương hiệu sẽ được nâng lên ở một đẳng cấp khác. Về những lợi ích khi đạt các chuẩn kiểm định của quốc tế, thì trước tiên người học sẽ có nhiều thuận lợi hơn như bằng cấp được công nhận quốc tế, thuận lợi khi học cao hơn ở các trường quốc tế. Còn về phía nhà trường thì sẽ tạo thuận lợi trong hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, nghiên cứu…

Hiện nay, nhiều trường ĐH Việt Nam đạt chuẩn kiểm định cấp trường và cấp chương trình theo chuẩn quốc tế, như chuẩn AUN-QA (Tổ chức kiểm định của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á), FIBAA (châu Âu), ABEC (Hoa Kỳ), HCERES (Hội đồng cấp cao về kiểm định nghiên cứu và giáo dục Cộng hòa Pháp…). Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến hết ngày 30-4-2021, cả nước có 192 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định trong nước, 212 chương trình đạt chuẩn kiểm định khu vực và quốc tế. Trong số này, phần lớn chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận bởi AUA-QA.


(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
.