Thứ Ba, 08/06/2021, 08:45 (GMT+7)
.
Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII, năm 2020 - 2021

Khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong học sinh

Nhằm khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn Tiền Giang đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích học sinh phát triển tư duy sáng tạo, vận dụng những kiến thức đã học được để sáng chế ra các sản phẩm, mô hình hữu ích phục vụ cuộc sống.

Một trong những hoạt động thúc đẩy sự sáng tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) trong học sinh là Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hằng năm đã và đang được phát huy hiệu quả tại các cấp học trên địa bàn tỉnh.

CẢM HỨNG TỪ THỰC TIỄN

Thích quan sát cuộc sống, đam mê nghiên cứu, sáng tạo, nhiều học sinh đã vận dụng kiến thức học được vào thực tế và phục vụ thiết thực cho cuộc sống. Điển hình là em Phạm Hải Yến (lớp 71 Trường THCS Quơn Long, huyện Chợ Gạo) với mô hình “Thu hoạch thanh long”.

Với mô hình này, em sử dụng sợi dây kim loại đủ tải và dài kết hợp với 2 ròng rọc ở 2 đầu làm thiết bị di chuyển những chiếc giỏ chứa đầy trái thanh long nặng hàng chục kg từ vườn ra ngoài thay cho sức người. Hải Yến cho biết, ý tưởng này xuất phát từ việc thu hoạch thanh long của cha mẹ ở nhà. Em thấy mỗi lần thu hoạch tốn rất nhiều công sức và thời gian. Mô hình góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian vận chuyển.

Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2020 - 2021 tại huyện Châu Thành chấm các sản phẩm gửi về dự thi.
Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2020 - 2021 tại huyện Châu Thành chấm các sản phẩm gửi về dự thi.

Sáng kiến này, Hải Yến tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng năm 2020 - 2021 tại huyện Châu Thành. “Cuộc thi đối với em là một sân chơi bổ ích. Cuộc thi không chỉ giúp em tiếp cận nhiều ứng dụng bổ ích áp dụng trong học tập, mà còn giúp thỏa niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo” - Hải Yến chia sẻ.

Năm nay, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tại huyện Châu Thành rất ấn tượng với một sản phẩm mang tính mới phục vụ cho nhiều hộ chăn nuôi dê trong thời đại công nghệ. Đó là mô hình “Chăn nuôi dê ứng dụng IOT” của em Trần Đăng Khoa và Nguyễn Thiên Tú (học sinh Trường THCS Tam Hiệp).

Xuất phát từ việc chăn nuôi dê cần thường xuyên cung cấp thức ăn, nước rất vất vả, mất thời gian, nhất là trong mùa nắng nóng, nên 2 em nghĩ ra ứng dụng IOT vào chăn nuôi dê. Việc ứng dụng mô hình vào chăn nuôi dê giúp người muôi giảm thời gian chăm sóc, chủ động trong khâu chuẩn bị thức ăn, vệ sinh chuồng trại…

Hàng loạt sản phẩm, mô hình đã và đang dự thi tại 11 huyện, thị, thành mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Cuộc thi sáng tạo dành cho học sinh đã và đang khuyến khích các em NCKH, sáng tạo kỹ thuật và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

KHƠI DẬY ĐAM MÊ

Nhận thấy tầm quan trọng của sáng tạo khoa học kỹ thuật đối với nâng cao chất lượng giáo dục, Trường THCS Long Định đã triển khai nhiều hoạt động khuyến khích khả năng sáng tạo, NCKH trong học sinh. Hằng năm, trường động viên, khuyến khích các em có ý tưởng hình thành trong quá trình học tập, vui chơi tham gia làm các mô hình, NCKH. Cùng với đó, mỗi giáo viên tăng cường trao đổi, thảo luận những vấn đề thời sự, vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong giờ sinh hoạt lớp, chào cờ, ngoại khóa để định hướng, hình thành ý tưởng về mô hình nghiên cứu cho học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Bé, Hiệu trưởng Trường THCS Long Định cho biết: “Ngoài phát động các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường để lựa chọn những sản phẩm, ý tưởng tiêu biểu, nhà trường cũng khuyến khích thành lập các nhóm tác giả, đồng hành cùng nhóm là các thầy, cô giáo có kinh nghiệm để cùng hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp tục tham dự các cuộc thi cấp huyện và cấp tỉnh”.

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hiệu, sau 13 lần tổ chức, Ban Tổ chức cấp tỉnh luôn đánh giá cao đơn vị huyện từ khâu tổ chức đến quy mô và chất lượng sản phẩm dự thi. Đó là do thời gian qua, đơn vị luôn xác định cuộc thi là sân chơi bổ ích, có tính sáng tạo mang lại tư duy lớn cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Đơn vị luôn xây dựng kế hoạch, phát động rộng khắp các cấp, bậc học trên địa bàn huyện và được học sinh nhiệt tình tham gia. Đơn cử, cuộc thi năm nay nhận 364 sản phẩm cấp trường, trong đó có 132 sản phẩm cấp huyện của các học sinh.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đồng Thị Bạch Tuyết đánh giá, cuộc thi là sân chơi hữu ích cho các em trong độ tuổi đi học và kể cả mầm non. Với tiêu chí rộng rãi, sản phẩm các em tham gia được sự hỗ trợ của thầy, cô và gia đình góp phần giúp các em phát huy và hình thành tư duy sáng tạo vừa học, vừa chơi. Đồng thời, thông qua các sản phẩm đoạt giải, các em cũng học hỏi nhiều điều bổ ích và có thể ứng dụng những sản phẩm đó trong việc học, trò chơi và cả cuộc sống.

Gần 100 mô hình, sản phẩm tham dự Cuộc thi cấp tỉnh

Theo Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII, năm 2020 - 2021 (gọi tắt là Cuộc thi cấp tỉnh), tính đến ngày 4-6, Ban Tổ chức đã nhận được 99 mô hình, sản phẩm của 11 huyện, thị, thành đăng ký tham dự Cuộc thi cấp tỉnh.
Các mô hình, sản phẩm dự thi thuộc 5 lĩnh vực; trong đó, các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế có số lượng dự thi nhiều nhất. Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng giám khảo, phân công các thành viên chấm giải các mô hình, sản phẩm theo lĩnh vực dự thi và giám khảo bắt đầu chấm giải từ ngày 15-6.

HUỲNH VĂN XĨ

TUẤN LÂM

.
.
Liên kết hữu ích
.