Thứ Hai, 14/06/2021, 14:51 (GMT+7)
.

Giáo viên mùa dịch: Tạm dừng dạy, không dừng học

Công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên đảm nhiệm Chương trình giáo dục phổ thông mới, vẫn bảo đảm tiến độ dù dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Giáo viên mùa dịch: Tạm dừng dạy học, không dừng bồi dưỡng nâng cao trình độ
Giáo viên mùa dịch: Tạm dừng dạy học, không dừng bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông vẫn không ngưng trệ. Từ 3 năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai mô hình bồi dưỡng mới thông qua Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) với phương thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, đội ngũ giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thời gian qua đã bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu, có nhiều điểm mới: mô hình bồi dưỡng kết hợp trực tiếp và trực tuyến; tổ chức bồi dưỡng có sự tham gia sâu, hiệu quả của các trường ĐH sư phạm chủ chốt và học viện quản lý giáo dục, giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt; Chương trình bồi dưỡng cũng có đội ngũ cốt cán để hỗ trợ đồng nghiệp chứ không phải là dạy lại; Chuyển quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng của giáo viên, lấy động lực học tập từ bên trong; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức sinh hoạt tổ chuyên môn, hỗ trợ tập huấn đại trà thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn, trong đó giáo viên cốt cán hỗ trợ, trả lời những thắc mắc của giáo viên đại trà.

Theo mô hình bồi dưỡng mới, chỉ có giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán tham gia bồi dưỡng trực tiếp kết hợp trực tuyến với công thức 5-3-7. Nghĩa là học viên có 5 ngày nghiên cứu tài liệu, sau đó có 3 ngày tập huấn trực tiếp bởi giảng viên của các trường ĐH sư phạm và học viện quản lý giáo dục tham gia ETEP. Sau đó, giáo viên sẽ có 7 ngày tự nghiên cứu và làm bài kiểm tra đánh giá.

Đội ngũ cốt cán sau khi được bồi dưỡng sẽ hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp của mình tự bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS), hỗ trợ đồng nghiệp trong sinh hoạt chuyên môn để phát triển năng lực nghề nghiệp liên tục, tại chỗ. Giảng viên sư phạm sẽ giúp giáo viên cốt cán tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hướng dẫn đồng nghiệp tự bồi dưỡng cũng như trong hoạt động nghề nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Trước đây, chương trình bồi dưỡng giáo viên ở cấp trung ương, sau đó về chuyển giao cho giáo viên cấp tỉnh, rồi cấp tỉnh chuyển giao cho cấp quận, huyện. Và cứ mỗi lần chuyển giao như vậy sẽ có tình trạng "hao hụt" kiến thức. Với mô hình bồi dưỡng mới này, giáo viên cốt cán hay đại trà đều được bình đẳng tiếp cận tài liệu có chất lượng trên Hệ thống LMS. Và phương châm là bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng, biến quá trình học thành tự học".

TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh chia sẻ: “Việc bồi dưỡng trong thời gian qua phát huy hiệu quả nhờ nhiều giải pháp đổi mới phương thức hoạt động, cụ thể là từ trực tiếp sang bồi dưỡng trực tuyến, bảo đảm đạt mục tiêu vừa bồi dưỡng thường xuyên, vừa liên tục, tại chỗ; vừa có sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên cốt cán, vừa ứng dụng CNTT qua Hệ thống LMS của Chương trình ETEP”.

PGS. TS Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhận định, chương trình bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu phát triển nghề nghiệp thường xuyên của cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp ở mức độ cao hơn. Đồng thời, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học. Hình thức bồi dưỡng qua mạng internet với đường truyền khá ổn định nên dễ dàng thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi… Các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá các bài tập thực hành, bài tập cuối khóa cần được biên soạn phù hợp, cân đối giữa trắc nghiệm và tự luận.

Theo số liệu của Chương trình ETEP, tính đến ngày 3/6/2021, trong cả nước có 513.852 giáo viên đại trà đã tham gia bồi dưỡng “Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực”, trên Hệ thống LMS và có 374.154 giáo viên hoàn thành, (chiếm hơn 70%).

Đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà, trong cả nước có 48.145 thầy cô tham gia bồi dưỡng “Quản trị tài chính trường tiểu học/THCS/THPT theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình” trên Hệ thống LMS và đã có 22.119 thầy cô hoàn thành bồi dưỡng (chiếm hơn 70%).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm học 2021-2022 bắt đầu triển khai chương trình mới với lớp 6. So với lớp 1 thì việc triển khai ở lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn. Ngoài các môn học mới, đầu vào của học sinh lớp 6 năm tới không được học trọn Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 bậc tiểu học. Giáo viên giảng dạy lớp 6 phải hiểu về chương trình, làm chủ chương trình và dạy học bằng cả tâm huyết của mình thì mới vượt qua những khó khăn. Vì thế, các địa phương cần tăng tốc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý để thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

(Theo baochinhphu.vn)

.
.
.