Lần đầu tiên có quy định về chuẩn chương trình đào tạo đại học
Chiều 23-6, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Bộ vừa ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy định về Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, Thông tư là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học ban hành các quy định về mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, liên thông trong đào tạo, các tiêu chuẩn đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo.
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội học trực tuyến tại ký túc xá. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Các cơ sở giáo dục đại học xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo; xây dựng các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ cho người học, công nhận chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo khác; thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng chương trình đào tạo. Đồng thời, là căn cứ để các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về chương trình đào tạo và bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo; các bên liên quan và toàn xã hội giám sát hoạt động và kết quả đào tạo của cơ sở đào tạo.
Quy định mới này cũng giúp các trường xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành của từng lĩnh vực đối với từng trình độ. Điều này góp phần không nhỏ trong tiến trình xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Với tiếp cận quản lý chất lượng đầu ra, Thông tư này được xem như một công cụ quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo. Các quy định của Thông tư đã cập nhật những kinh nghiệm tốt về quản lý chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiệm cận với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, Thông tư đưa ra 6 điểm mới về Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học, đó là:
Yêu cầu việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo phải đảm bảo phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng như chuẩn chương trình theo nhóm ngành, lĩnh vực. Điều này giúp quản lý được chất lượng đào tạo đồng bộ, tránh tình trạng cùng một ngành ở cùng một trình độ được đào tạo ở các trường khác nhau nhưng không đảm bảo những chuẩn mực chung tối thiểu để đào tạo ra nhân lực của ngành nghề đào tạo đó.
Do chuẩn chương trình đào tạo là những yêu cầu tối thiểu, cốt lõi mà tất cả chương trình đào tạo cần phải đáp ứng nên các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn tự chủ và linh hoạt trong quá trình xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo để khẳng định uy tín, thương hiệu của trường mình. Với cách tiếp cận xuyên suốt theo hướng quản lý chất lượng đầu ra, việc “đánh giá đạt chuẩn đầu ra chương trình đào tạo” được xem là một yêu cầu mới đối với quản lý chất lượng đào tạo.
Cách tiếp cận quản lý chất lượng này yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học không chỉ minh bạch chuẩn đầu ra cho các bên liên quan mà còn phải cung cấp được minh chứng người tốt nghiệp đạt được những chuẩn đầu ra mà cơ sở giáo dục đại học đã tuyên bố với người học và các bên liên quan cũng như toàn xã hội.
Để đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, Thông tư không quy định cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc” mà quy định những yêu cầu cơ sở giáo dục đại học cũng như các bên liên quan cần thực hiện trong mỗi nội dung công việc liên quan đến chất lượng các chương trình đào tạo.
Các nội dung quy định về chuẩn chương trình đào tạo đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành để phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đối với chương trình đào tạo, làm cơ sở đối sánh trong quá trình kiểm định chương trình đào tạo. Cách tiếp cận này hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học có cơ chế “tự bảo vệ sức khỏe” bền vững cho các chương trình đào tạo và tạo tiền đề quan trọng để các chương trình đào tạo đạt được tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước cũng như của quốc tế.
Thông tư cũng giúp các trường quản lý chuẩn đầu ra không chỉ dừng lại ở việc minh bạch chất lượng chương trình đào tạo cho các bên liên quan mà còn phải “sử dụng kết quả đánh giá chương trình đào tạo để cải tiến chất lượng liên tục”. Đây chính là triết lý chính của bảo đảm chất lượng mà các nhà giáo dục trên thế giới vẫn đang hướng đến và cũng là một thực hành tốt hiện các nước có nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng.
Theo Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, với cách tiếp cận sử dụng kết quả đánh giá để cải tiến chất lượng liên tục sẽ là “cú hích” để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cải tiến chất lượng liên tục các chương trình đào tạo. Các yêu cầu về quản lý chất lượng đầu ra trong quy định này cũng hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học xây dựng “hệ thống” bảo đảm chất lượng đồng bộ trong toàn trường để các chương trình đào tạo đều cùng hưởng lợi trong mô hình sinh thái đó.
(Theo https://baotintuc.vn/giao-duc/lan-dau-tien-viet-nam-co-quy-dinh-ve-chuan-chuong-trinh-dao-tao-20210623182731339.htm)