Thanh tra, kiểm tra để tổ chức kỳ thi minh bạch, khách quan
Để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra công tác thi, Bộ GD&ĐT yêu cầu huy động sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cơ sở giáo dục.
Ảnh minh hoạ |
Ngày 20-5-2021, Thanh tra Chính phủ có Công văn số 805 về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trong đó yêu cầu thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, để nâng cao chất lượng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho các đơn vị, thành viên tham gia trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo thi quốc gia đã có nhiều phương án để kịp thời và chủ động ứng phó.
Thanh tra, kiểm tra là công tác rất quan trọng để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trong Luật Giáo dục cũng như các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 26 năm 2020 và Chỉ thị 11 năm 2021) đã phân cấp rõ cho UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ thực hiện triệt để công tác quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT.
Chuẩn bị bước vào kỳ thi năm 2021, Bộ GD&ĐT yêu cầu 100% cán bộ công chức, viên chức tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi phải được tập huấn, đánh giá và nắm chắc tất cả các nội dung, quy trình, kỹ năng, nghiệp vụ của công tác thanh tra, kiểm tra.
Việc tập huấn phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; các quy trình, nghiệp vụ phải được phổ biến, hướng dẫn chi tiết, rõ ràng đến các cán bộ tham gia thanh tra, kiểm tra.
Các Sở GD&ĐT cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho kỳ thi tại địa bàn và tham mưu cho Ban Chỉ đạo kỳ thi của địa phương để tổ chức thực hiện. “Tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT đều phải được thanh tra, kiểm tra, không bỏ sót khâu nào, không có điểm mờ, không có điểm trống để tổ chức kỳ thi công khai, minh bạch, khách quan, đạt kết quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh tham gia”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn manh: “Nếu kỷ luật trường thi không nghiêm, để lộ đề… thì công tác chấm thi có nghiêm đến đâu cũng không phản ánh trung thực kết quả”.
Với kỷ luật trường thi, cán bộ giáo dục cốt cán khi về các điểm thi của các Sở GD&ĐT địa phương cần thực hiện đúng quy định của đoàn thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cán bộ làm công tác coi thi, thanh tra, kiểm tra thi nắm chắc về quy chế, quy trình và thống nhất cách làm việc. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện tối đa cho thí sinh làm bài cũng như tạo điều kiện tối đa cho các hội đồng thi làm việc.
(Theo baochinhphu.vn)