Thứ Tư, 28/07/2021, 08:34 (GMT+7)
.

Chuyện về nữ sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn ở Tiền Giang

(ABO) Bằng giọng văn nhẹ nhàng và sâu lắng, em Nguyễn Lê Thiên Nghi, học sinh lớp 12 chuyên Tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Tiền Giang đã xuất sắc đạt điểm 10 bài thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 và trở thành một trong ba thí sinh của cả nước đạt điểm tuyệt đối ở bài thi Ngữ văn. 
 
ĐỀ VĂN KHƠI MẠCH CẢM XÚC NGƯỜI TRẺ
 
Thiên Nghi cho rằng, đề văn đã khơi mạch cảm xúc người trẻ trong bối cảnh nước nhà đang gồng mình chống dịch Covid-19. Đề thi Ngữ văn cũng đã bám sát cấu trúc đề thi minh họa và đã khơi nguồn cảm xúc để thí sinh có thể thoải mái thể hiện. 
 
Em Nguyễn Lê Thiên Nghi.
Em Thiên Nghi, học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang, một trong ba thí sinh của cả nước đạt điểm tuyệt đối ở bài thi Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021. (Ảnh nhân vật cung cấp) 
 
Tuy nhiên, Thiên Nghi vẫn không quên cảm giác ban đầu khi nhìn thấy đề thi, em kể: “Thoạt đầu nhìn vào đề thi môn Ngữ văn, em hơi ngỡ ngàng, lo lắng vì bản thân ôn không đúng lắm vào trọng tâm của đề. Sau khi bình tâm lại, em đã kết nối các dữ kiện mà đề bài cho lại với nhau, rồi tìm ý chính của từng câu hỏi và viết ra giấy nháp; sau đó viết một mạch vào giấy thi từ phút thứ 10 đến phút 120 khá trọn vẹn. Khi nộp bài, em thấy rất hài lòng về những gì bản thân thể hiện trong bài thi”. 
 
Theo Thiên Nghi, phần đọc hiểu văn bản của đề thi năm nay khá mở, do đó chỉ mất thời gian khoảng 10 đến 15 phút là có thể giải quyết xong yêu cầu, tránh viết dài dòng, đề hỏi gì trả lời đó. Sau khi giải quyết xong phần đọc hiểu, thì dồn sức vào làm phần làm văn với hai câu hỏi nghị luận xã hội và nghị luận văn học. 
 
“Em thích nhất là câu nghị luận xã hội của đề thi môn Ngữ văn bàn về tinh thần cống hiến. Nội dung đề ra theo hướng mở và phù hợp với tinh thần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. Em viết về sự cống hiến của người trẻ xung phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch, với bài nghị luận xã hội liên hệ thực tế từ các anh chị sinh viên ngành Y ở các tỉnh phía Bắc xung phong tình nguyện vào miền Nam để hỗ trợ phòng, chống dịch.
 
Những câu chuyện về tinh thần cống hiến, hy sinh quên mình làm em rất cảm động như câu chuyện của chị sinh viên quê ở tỉnh Bắc Giang, bố mất trong khi bản thân đang làm nhiệm vụ ở TP. Hồ Chí Minh… Và còn rất nhiều câu chuyện cảm động khác, qua đó cho thấy dân tộc ta thời nào cũng vậy, tinh thần đoàn kết, cống hiến, lăn xả vì cộng đổng lúc nào cũng được đặt lên hàng đầu mỗi khi đất nước lâm nguy”, Thiên Nghi chia sẻ. 
 
Nếu bài nghị luận xã hội đã khơi trúng mạch cảm xúc của Thiên Nghi thì câu nghị luận văn học đã làm cho Nghi khá ngỡ ngàng vì chỉ ôn kỹ tác phẩm truyện hơn tác phẩm thơ, mà nội dung đề thi yêu cầu phân tích 3 đoạn thơ trong bài thơ Sóng để cảm nhận vẻ đẹp nữ tính trong thơ của tác giả Xuân Quỳnh.
 
Tuy nhiên, với Nghi để giải quyết câu nghị luận văn học này không khó, chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản để phân tích làm rõ các ý của yêu cầu đề. Thật ra đây là 3 đoạn thơ thể hiện được vẻ đẹp, phong cách trong thơ của Xuân Quỳnh ý nhị mà nồng nàn, hồn nhiên mà mãnh liệt, tất cả đã làm nên vẽ đẹp nữ tính và rất riêng trong thơ của nữ thi sĩ này. Qua việc phân tích thơ của Xuân Quỳnh, Thiên Nghi nhận ra rằng, người phụ nữ Việt Nam rất tinh tế và sâu sắc không chỉ trong tình cảm mà đó đã trở thành nét rất riêng, mang đậm tính truyền thống của phụ nữ Việt Nam. 
 
HỌC VĂN KHÔNG KHÓ 
 
"Dù là dân chuyên Tiếng Anh nhưng em vẫn học hết mình với môn Ngữ văn. Thật ra học văn không quá khó, chỉ cần chịu khó, kiên nhẫn quan sát, cảm nhận cuộc sống là sẽ thấy việc học môn văn sẽ trở nên dễ dàng hơn", Thiên Nghi chia sẻ.
 
Thiên Nghi cho biết, thật ra môn văn không quá ướt ác ở những tác phẩm thơ hay những kiến thức khô khan ở các tác phẩm văn học, mà đó chính là đời thực, là cuộc sống muôn màu của thế giới xung quanh được đưa vào trong sách giáo khoa. Học văn không chỉ là học thuộc lòng mà học văn là cách để chúng ta cảm nhận, rút ra nhiều bài học ý nghĩa để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
“Thiên Nghi là một học sinh giỏi của lớp, của trường. Việc Thiên Nghi đạt được điểm 10 môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiêp THPT đợt 1 năm 2021 làm cho các thầy cô, bạn bè rất vui, ngưỡng mộ và tự hào về em. Bên cạnh việc học tốt, Nghi còn là học sinh yêu thích nghệ thuật. Tại Cuộc thi Thiết kế thời trang bằng giấy để chào mừng Tết Nguyên đán 2020 do Trường THPT Chuyên Tiền Giang tổ chức, Nghi đã hăng hái tham gia và đoạt được giải Nhất”. 
 
CÔ NGUYỄN THỊ KIM THOA, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT CHUYÊN TIỀN GIANG

“Em ít khi học bài theo kiểu thuộc lòng, mà học theo phương pháp sơ đồ tư duy. Ở nhà, em thường luyện viết nên nhớ bài khá lâu. Do đó, khi kiểm tra hay thi cử gì em rất thoải mái, chỉ việc triển khai các ý có sẵn là làm được bài. Đặc biệt, điều mà em cảm thấy rất hay khi học văn là được bày tỏ chình kiến của mình và được các thầy cô ủng hộ, trân trọng. Bên cạnh đó, em hay xem chương trình thời sự trên truyền hình, đọc sách báo trau dồi thêm vốn sống và có nhiều góc nhìn mới mẻ về cuộc sống”, Thiên Nghi cho biết thêm.

Chia sẻ về định hướng sắp tới, Thiên Nghi cho rằng, bản thân yêu thích nghệ thuật và yêu cái đẹp, chính vì vậy em sẽ chọn ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang hoặc ngành Thiết kế thời trang để theo học trong những năm sắp tới. 

Sáng ngày 27-7, Phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Công Trực, giám khảo trực tiếp chấm điểm 10 cho bài làm Ngữ văn của em Nguyễn Lê Thiên Nghi.

Thầy Trực cho biết, thầy là người đầu tiên đọc bài viết của Thiên Nghi và đặt bút ghi cho bài viết 10 điểm. Đến giám khảo thứ 2 chấm cho bài viết của Thiên Nghi 9,5 điểm. Sau đó, bài viết của Thiên Nghi qua các thầy cô trong tổ chấm kiểm tra thảo luận, phân tích và đi đến thống nhất cho bài viết của em điểm 10.

Theo thầy Trực, bài viết của Thiên Nghi đã hội tụ rất nhiều yếu tố để thầy và các thầy cô khác trong tổ chấm thi quyết định cho em điểm 10. Thứ nhất, bài viết hoàn toàn làm bằng tri thức độc lập, không phải do học thuộc hay sao chép của ai. Bài làm của em là tri thức, vốn sống với cách cảm nhận riêng và mang phong cách hiện thực cuộc sống.

Thứ hai, đọc toàn bộ bài viết chỉ vọn vẻn hai đôi giấy nhưng cho thấy Thiên Nghi rất hiểu đề và triển khai rất mạch lạc, tư duy rất logic, các ý tứ được sắp xếp thận trọng và rất đáng khen là chữ viết rất đẹp, trình bày sạch sẽ. Thứ ba, chất văn thể hiện trong bài viết rất riêng, hồn nhiên, trong sáng phù hợp với lứa tuổi học trò và mang đậm hơi thở cuộc sống, đặc biệt là ở 2 câu nghị luận văn học và nghị luận xã hội. 

“Trong quá trình chấm thi, các bài viết của thí sinh đều đã được cắt phách và tôi cũng như các thầy cô khác đều không biết bài viết này là của thí sinh nào. Đáp án đề văn năm nay khá mở, tôi cũng như các giám khảo khác khi chấm thi đều rất trân trọng các ý trong bài làm của thí sinh. Bài làm của Thiên Nghi đã thuyết phục được mọi người và em hoàn toàn xứng đáng được điểm 10”, thầy Trực cho biết. 

Nhiều năm liền đi chấm thi, thầy Trực cho rằng, đa phần các giám khảo chấm thi môn Ngữ văn đếu rất ngại để chấm điểm 10 dù bài viết có xuất sắc. Khi chấm điểm 10 cho bài viết của Thiên Nghi sẽ có nhiều người vị nghị. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần mạnh dạn, thay đổi cách suy nghĩ và cho điểm tuyệt đối với các bài viết có chiều sâu, có sự đầu tư , có lối tư duy đột phá mới. “Với các tác phẩm văn chương, nghệ thuật chúng ta có thể đắn đo vì mang yếu tố cảm xúc, nhưng với những bài làm văn của học sinh, chúng ta hoàn toàn có thể trân trọng và cho điểm cao”, thầy Trực nhấn mạnh.

VIỆT PHƯƠNG
 

 
 
 
 
 
 

 

.
.
.