Thứ Tư, 25/08/2021, 09:50 (GMT+7)
.
DẠY VÀ HỌC TRỰC TUYẾN:

Lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động đến toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Do đó, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai cho học sinh học trực tuyến khi bước vào năm học mới 2021 - 2022.

Tuy hình thức học này còn nhiều hạn chế nhất định nhưng đây được xem là lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

KHÓ KHĂN

Một trong những khó khăn lớn nhất đặt ra cho ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang trong việc dạy và học trực tuyến là sự chênh lệch rất lớn về các điều kiện tiếp cận máy móc, công nghệ thông tin của học sinh vùng thành thị với vùng nông thôn. Bên cạnh đó, việc cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, dịch vụ Internet ở một số địa phương còn yếu, nhất là vùng sâu, vùng xa. Những địa phương kết nối được Internet thì chất lượng đường truyền cũng có những hạn chế nên việc truy cập, phục vụ việc dạy và học trực tuyến gặp khó khăn.

Giáo viên Trường THPT Lê Thanh Hiền dạy trực tuyến.
Giáo viên Trường THPT Lê Thanh Hiền, huyện Cái Bè, đang chuẩn bị cho việc dạy học trực tuyến khi bước vào năm học 2021 - 2022.

Từ những thực tế triển khai việc dạy học trực tuyến vừa qua, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho rằng, một trong những bất cập trong phương thức học này là các trường chưa giám sát được chất lượng học trực tuyến, trong khi đó lại quan tâm đến vấn đề số lượng học sinh đăng ký vào học. Nếu trong giờ học trực tiếp trên lớp, giáo viên có thể bao quát đến từng học sinh, còn với học trực tuyến thì giáo viên không thể làm được điều này. Chưa nói đến việc nhiều học sinh vẫn còn tâm lý chểnh mảng, làm việc riêng trong giờ học, thậm chí sử dụng tài liệu trong kiểm tra.

Là một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến, cô Trần Thủy Tiên, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho rằng, trước mỗi buổi học, giáo viên cần chuẩn bị từ 10 đến 15 phút để kiểm tra các vấn đề kỹ thuật của máy tính, mạng, đường truyền trước khi vào giờ học. Thay vì điểm danh học sinh theo phương pháp gọi tên thì hãy điểm danh bằng cách gọi các em làm bài tập, như vậy vừa kiểm tra số lượng, vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả học tập của học sinh.

Có thể thấy, dạy và học trực tuyến sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, do đây là sự lựa chọn tối ưu, không còn hình thức dạy học nào để thay thế trong bối cảnh dịch bệnh nên việc cần có kế hoạch, phương án dạy học trực tuyến như thế nào hiệu quả ở từng bậc học là vấn đế quan trọng đặt ra cho ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang trước thềm năm học mới 2021 - 2022.

CẦN SỰ PHỐI HỢP CỦA PHỤ HUYNH

Theo ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, để dạy và học trực tuyến hiệu quả thì cần có 3 yếu tố then chốt cần thực hiện, đó là công tác chuẩn bị, giáo án và sự phối hợp. Về công tác chuẩn bị, hiện tại, ngành GD-ĐT đang chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát những điều kiện, công cụ triển khai dạy và học trực tuyến, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa để có những điều chỉnh kịp thời. Trong đó, các trường cần chú ý lên thời khóa biểu phải được tính toán hợp lý thời gian giữa các môn học, thời gian nghỉ giữa giờ…

Triển khai dạy và học trực tuyến được xem là nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT trong năm học 2021 - 2022.
Triển khai dạy và học trực tuyến được xem là nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT trong năm học 2021 - 2022.

Về giáo án, đây được xem là trách nhiệm rất lớn của giáo viên. Để thực hiện tốt yếu tố này, nhà trường và giáo viên mà đặc biệt là vai trò của tổ chuyên môn trong việc xác định kiến thức quan trọng để truyền đạt cho học sinh; sắp xếp thời khóa biểu phù hợp tránh để học sinh bị quá tải kiến thức. Bên cạnh đó, trong dạy học trực tuyến, giáo viên cần tăng cường phương tiện nghe nhìn, video, hình ảnh…, để tạo sự chú ý, kích thích năng lượng học tập của học sinh, tránh sự nhàm chán trong dạy học.

Cuối cùng sự phối hợp được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc triển khai dạy học trực tuyến, trong đó nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa ba thành phần là giáo viên, học sinh và phụ huynh. Theo đó, nhà trường rất cần sự chung tay phối hợp của phụ huynh để chất lượng học tập trực tuyến được hiệu quả hơn. Phụ huynh học sinh cần quan tâm, nhắc nhở thời gian học tập của con em mình, tránh trường hợp các em bỏ học.

Theo thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, dạy học trực tuyến sẽ rất khó đạt được kết quả như dạy học trực tiếp, nhưng vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường, thì buộc các trường phải dạy học trực tuyến. Do đó, rất cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh để có thể đạt được kết quả học tập như mong muốn.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho biết, hiện tại, ngành GD-ĐT tỉnh đang thực hiện kế hoạch dạy và học trực tuyến. Tùy thuộc vào đặc thù của từng bậc học sẽ có những phương pháp dạy học trực tuyến khác nhau. Nhưng điều cốt lõi là giáo viên cần xác định được kiến thức quan trọng để truyền đạt đến học sinh.

Từ ngày 23 đến 27-8, Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm Quản lý học tập và thi trực tuyến cho các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các trường được tập huấn những kỹ năng, thao tác để sử dụng phần mềm và sẽ triển khai lại cho giáo viên để có thể thực hiện tốt việc dạy và học trực tuyến trong thời gian tới.

THẢO PHƯƠNG

.
.
.