Thứ Tư, 15/09/2021, 10:41 (GMT+7)
.

Cần có giải pháp căn cơ, lâu dài cho dạy và học trực tuyến

Cùng với học sinh khối 9 và 12, các lớp còn lại ở các bậc học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đã bước vào đợt học trực tuyến thứ hai của năm học 2021 - 2022. Nhìn chung, trong 2 ngày đầu triển khai việc dạy học trực tuyến đã diễn ra cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, đây là đợt học với quy mô và số lượng học sinh tương đối lớn, nên tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng, gặp sự cố về đường truyền.

TRỤC TRẶC ĐƯỜNG TRUYỀN

Mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thế nhưng chị Trần Thị Bé, ngụ phường 1, TP. Mỹ Tho vẫn không khỏi lo lắng cho con gái khi học trực tuyến. Trong ngày đầu tiên, chị cùng con gái dậy khá sớm, chuẩn bị sách vở, máy tính… để có thể bắt đầu học trực tuyến.

“7 giờ 30 phút mới bắt đầu tiết học, thế nhưng để chủ động khắc phục sự cố nghẽn mạng, tôi và chồng tôi đã lắp đặt và truy cập cho con gái khoảng 20 phút trước đó. Vậy mà hệ thống vẫn cứ báo lỗi, không truy cập được. Sốt ruột vì không vào được phần mềm, tôi gọi các phụ huynh khác, gọi giáo viên chủ nhiệm, cũng nhận được câu trả lời: Đang bị nghẽn mạng. Mãi đến hơn 30 phút sau sự cố mới được khắc phục” - chị Bé kể về ngày đầu tiên chuẩn bị cho con học trực tuyến.

Học sinh Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho học trực tuyến.
Học sinh Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho học trực tuyến.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, không chỉ phần mềm K12 online gặp sự cố, mà các phần mềm khác cũng gặp sự cố tương tự, gây khó khăn cho việc đăng nhập, như Google Meet, Zoom… Theo hiệu trưởng nhiều trường học lý giải, những lần học trực tuyến trước đây không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, báo lỗi hệ thống là do các trường bố trí các khung giờ dạy học khác nhau…

Tuy nhiên, do ngày 13-9 khối lượng truy cập vào phần mềm khá lớn (trên 200 ngàn học sinh) nên đã xảy ra việc báo lỗi hệ thống của các phần mềm. Trước tình trạng trên, các trường đã báo cáo với lãnh đạo ngành Giáo dục, các đơn vị Viễn thông, và đã khắc phục sự cố tạm thời; một số trường đã linh hoạt chuyển đổi qua sử dụng phần mềm khác để buổi học đầu tiên có thể bắt đầu.

LỚP 1 - BỠ NGỠ NGÀY ĐẦU TIÊN

Ngày đầu tiên, học sinh lớp 1 học trực tuyến có quá nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm. Chính vì vậy áp lực đặt lên giáo viên dạy lớp 1 rất nặng nề. Không ít giáo viên cho rằng, ngày đầu tiên trẻ rất ồn, nhiều lúc giáo viên đành phải tắt âm thanh…

Em Nguyễn Phạm Duy Thiện, học lớp 11, Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho cũng đã trải qua ngày học đầu tiên với cảm giác bỡ ngỡ và lạ lẫm. “Con được học với cô giáo mới và nhiều bạn mới. Trong buổi học đầu tiên, con được giới thiệu tên cho cả lớp, được cô giáo khen. Cả lớp con hát bài “Tạm biệt búp bê thân yêu”, bởi vì nay con đã vào lớp 1 rồi” - Duy Thiện kể về ngày học đầu tiên của mình...

Giáo viên Trường Trung học cơ sở  Trung An, TP. Mỹ Tho dạy trực tuyến.
Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trung An, TP. Mỹ Tho dạy trực tuyến.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho Tô Thị Bảy cho biết, năm học 2021 - 2022 nhà trường có 57 lớp từ khối 1 đến khối 5, với 2.437 học sinh. Qua thống kê rà soát, hiện nhà trường có 2.084 học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến, đạt tỷ lệ 85,5%. Đối với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhà trường sẽ liên hệ với phụ huynh để có hình thức hướng dẫn học tập phù hợp, như gửi bài học, phiếu học tập cho các em…

“Đối với học sinh lớp 1, lớp 2, học trực tuyến sẽ không khỏi bỡ ngỡ trong cách học, chủ yếu chưa biết thao tác máy tính, nên khi học trực tuyến cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Sự hợp tác của phụ huynh trong việc giúp con mình học trực tuyến trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng” - cô Bảy nhấn mạnh.

CÙNG CHUNG TAY THÁO GỠ

Phương tiện, thiết bị, hệ thống đường truyền để dạy và học trực tuyến hiện nay vẫn đang là bài toán nan giải. Để giải quyết khó khăn này, lãnh đạo ngành Giáo dục đã  phối hợp với các doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn tỉnh: VNPT, Viettel, MobiFone, FPT, VTV Cab, SCTV Cab… có chính sách ưu đãi giảm giá cước, mở rộng dung lượng băng thông kết nối Internet, phủ sóng truyền hình đến tất cả các địa bàn phường, xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, VNPT Tiền Giang tiến hành khảo sát và hỗ trợ lắp đặt miễn phí bộ đầu thu giải mã tính hiệu Set-Top-Box MyTV cho học sinh không có thiết bị học trực tuyến (máy tính, điện thoại thông minh) để có thể học trực tuyến qua truyền hình.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, để đáp ứng yêu cầu dạy và học trực tuyến, đòi hỏi các trường tùy vào điều kiện của mình mà có các giải pháp sao cho phù hợp và hiệu quả. Trong giảng dạy trực tuyến, các trường phải rất linh hoạt từ việc sắp xếp thời khóa biểu,  đến xây dựng các chủ đề bài học; và điều đặc biệt là không được gây áp lực nặng nề cho cả giáo viên và học sinh.  

Chung sức vượt khó, hỗ trợ tối đa cho học sinh, bảo đảm mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” và tự tin bước vào năm học mới, không để những khó khăn của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy học là quyết tâm của các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn này. 

Để giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được trang bị các thiết bị học tập, ngành Giáo dục cũng đã triển khai Chương trình “Máy tính cho em” và Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Theo đó, VNPT Tiền Giang trang bị miễn phí khoảng 6.000 bộ giải mã Set-Top-Box (trị giá 950.000 đồng/bộ) để phục vụ học tập trên truyền hình MyTivi, tặng 5.000 sim 4G miễn phí, miễn phí học tập trực tuyến VNPT Elearning đến hết năm 2021 và thực hiện gói cước ưu đãi cho các em học sinh học tập trực tuyến...

MobiFone Tiền Giang cũng sẽ có Chương trình tặng 10.000 sim 4G (tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng) phục vụ truy cập học tập trực tuyến miễn phí, tặng 350 triệu đồng học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh khó khăn, miễn phí giải pháp mschool... Viettel Tiền Giang cũng tặng 100 triệu đồng học bổng, miễn giảm 50% gói cước K12 Online…

Còn đối với việc học trực tuyến ở các bậc học, phụ huynh cũng cần an tâm, bởi vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có những hướng dẫn rất cụ thể. Theo đó, với học sinh lớp 1, lớp 2 chưa đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ ưu tiên học qua truyền hình và không tiến hành kiểm tra, đánh giá định kỳ thời gian này. Đối với các bậc học còn lại, việc học chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, học qua truyền hình chỉ là hình thức bổ trợ. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã có hướng dẫn cụ thể trong việc giảm tải nội dung ở các môn học, trong đó nhiều phần không dạy, không thực hành.

Đ. PHI - N. NGỌC

.
.
.