Thứ Bảy, 04/09/2021, 08:18 (GMT+7)
.

Chủ động ứng phó với khó khăn trong năm học mới

Dù năm học 2021 - 2022 bắt đầu với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng cùng với sự chung tay của toàn xã hội, ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã chủ động ứng phó với dịch Covid-19 để chuẩn bị tốt các điểu kiện cho năm học mới.

* TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN CHÂU THÀNH VÕ VĂN DŨNG:

Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương của tỉnh Tiền Giang có tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục huyện Châu Thành đã đầu tư sửa chữa các hạng mục cơ sở vật chất ở nhiều trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện.

Thực hiện chủ trương của Sở GD-ĐT, ngành Giáo dục huyện Châu Thành sẽ triển khai dạy và học trực tuyến cho học sinh tiểu học và THCS. Tuy nhiên, qua rà soát các điều kiện, trang thiết bị dạy học cho thấy, 100% giáo viên của huyện đáp ứng đầy đủ cho dạy trực tuyến.

Còn đối với học sinh, ở bậc THCS có khoảng 65,9% học sinh có thiết bị học trực tuyến; riêng học sinh lớp 9 thì còn khoảng 600 em chưa có thiết bị để học theo hình thức này. Từ nay cho đến trước khi tổ chức học, ngành Giáo dục huyện sẽ chỉ đạo các trường tiếp tục rà soát, tìm giải pháp hỗ trợ học sinh để không có bất cứ học sinh nào của huyện phải chịu thiệt thòi và bị bỏ lại phía sau trong học tập.

* HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TIỂU HỌC LONG AN, HUYỆN CHÂU THÀNH, LÊ THỊ LAN:

Quyết tâm vượt khó

Nhà trường vừa kết thúc tập huấn 2 phần mềm gồm khai giảng trực tuyến và dạy học trực tuyến cho năm học mới 2021 - 2022. Khó khăn hiện nay của trường là thiếu giáo viên Tin học, do đó trường phải liên hệ với các đơn vị trường khác để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, giáo viên của trường chưa có nhiều kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến, đa số tự tìm hiểu, tự trang bị thiết bị dạy học.

Riêng về phía học sinh, qua rà soát cho thấy, số lượng học sinh của trường trang bị đủ điều kiện học trực tuyến chỉ khoảng 12%, nếu tính luôn các em có sử dụng điện thoại thông minh thì được khoảng 60%. Nhà trường đã chỉ đạo cho giáo viên sâu sát đến phụ huynh và tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ chủ trương của ngành Giáo dục trong đầu năm học mới để chuẩn bị tâm thế cho học sinh sẵn sàng bước vào học tập.

* EM NGUYỄN THÀNH TIẾN, HỌC SINH TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU:

Mong các tiết học sẽ không nhàm chán

Bản thân em đã sẵn sàng cho việc học trực tuyến trong năm học mới này. Dẫu biết rằng, học trực tuyến sẽ có nhiều hạn chế so với học trực tiếp nhưng em và các bạn sẽ cùng cố gắng.

Mong rằng các thầy cô sẽ có phương pháp linh hoạt để học trực tuyến không bị nhàm chán, chẳng hạn như tương tác nhiều với học sinh, cho học sinh xem nhiều ví dụ bằng các clip, video…

Để học trực tuyến hiệu quả, ngoài việc nghe thầy cô giảng bài, em và các bạn sẽ còn phải thường xuyên truy cập vào các trang web để tìm hiểu thêm bài tập, trao đổi các phương pháp giải đề kiểm tra qua mạng xã hội như Zalo, Facebook…

* ANH PHAN VĂN BÌNH, PHỤ HUYNH HỌC SINH Ở XÃ LONG AN, HUYỆN CHÂU THÀNH:

Cần hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Sẽ có rất nhiều khó khăn cho việc học trực tuyến sắp tới của các em học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng trang bị thiết bị để học trực tuyến hoặc có những em hiện nay đang sống trong khu vực cách ly, phong tỏa.

Do đó, điều tôi muốn gửi gắm đến các trường học, quý thầy cô là trong dạy và học trực tuyến nên sắp xếp, cân đối thời khóa biểu, tránh việc dạy dồn ép, gây áp lực cho học sinh.

Riêng đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có trang thiết bị học trực tuyến thì cần có những giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả nhất để các em cũng được học tập như các bạn khác trong giai đoạn khó khăn này.

ĐỖ PHI (lược ghi)

.
.
.