Đổi mới thi và tuyển sinh đại học: Kỳ tuyển sinh kỳ lạ
Mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2021 có nhiều điểm nghịch lý: điểm chuẩn vào nhiều trường cao chót vót, trong đó nhiều ngành có điểm chuẩn tăng đến 11 điểm, có ngành lấy điểm chuẩn trên 30 điểm, hàng trăm thí sinh dù đạt 29,5 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1… Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi: kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có còn phù hợp để làm căn cứ tuyển sinh?
Thí sinh dự thi đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tại Hội đồng thi Trường THPT Trưng Vương, quận 1, sáng 7-7-2021. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
LTS: Đổi mới thi cử và tuyển sinh đại học là câu chuyện luôn thời sự, vì liên quan đến tương lai của hàng triệu thí sinh. Trong gần 20 năm ngành GD-ĐT nỗ lực đổi mới đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội.
Chỉ tính riêng kỳ tuyển sinh đại học, sau phương thức “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả), đến “2 trong 1” - vừa xét tốt nghiệp, vừa phục vụ tuyển sinh, những sai sót và tiêu cực vẫn lộ ra từng năm. Từ năm 2020 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia cho dù đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, vẫn không ngừng nảy sinh bất cập... Vì lẽ đó, vấn đề thi cử và tuyển sinh cần được đặt ra ở tầm quốc gia, với tầm nhìn và những bước đi thật chắc chắn, để hành trình “đổi mới giáo dục” theo Nghị quyết số 29-NQ/TW cán đích.
“Cứu” thí sinh điểm cao
Năm 2019, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và bổ sung (Luật số 34) đã trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH. Từ năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, thiên về mục đích để xét công nhận tốt nghiệp, nhưng đồng thời vẫn là căn cứ để các trường ĐH-CĐ có thể tuyển sinh. Mức độ đề thi vì thế cũng được điều chỉnh tương ứng theo hướng giảm độ khó để phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp của kỳ thi. Đó là lý do khiến cho tính phân hóa của đề thi giảm xuống, điểm thi cao hơn. Có thể thấy rõ trong năm 2021, điểm thi cao chót vót, đặc biệt là môn tiếng Anh; số điểm 10 lên tới hơn 24.000, gấp hơn 4 lần so với năm 2020.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay không phải là kỳ thi cạnh tranh sàng lọc vào đại học, muốn bỏ kỳ thi tốt nghiệp phải sửa Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và bổ sung. Thực tế rất khó để tổ chức 1 kỳ thi thỏa mãn cả 2 mục đích, do đó việc điều chỉnh sẽ thực hiện trong thời gian tới" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT HOÀNG MINH SƠN |
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong đợt 1 xét tuyển sinh ĐH năm nay, số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành). Có 265 ngành có mức điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên, chiếm 8%. Trong số đó, nhiều nhất là khối Kỹ thuật - Công nghệ với 70 ngành, khối Sư phạm có 64 ngành, khối Kinh doanh và Quản lý (42 ngành), Xã hội và Nhân văn (32 ngành), Pháp luật (10 ngành)…
Đặc biệt, có 30 ngành học có mức điểm chuẩn tăng 9-11 điểm. Các trường như ĐH Hồng Đức, Học viện Chính trị Công an nhân dân, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) xuất hiện mức chuẩn từ 30 điểm trở lên. Điểm chuẩn cao chót vót với hàng trăm ngành có biên độ tăng 5-11 điểm đã vượt dự kiến, tính toán của nhiều thí sinh, nhiều em bị trượt hết nguyện vọng.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có tới 165 em đạt 27 điểm trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên) bị trượt ĐH, trong đó 114 em đăng ký vào trường công an, quân đội. Những em này chủ yếu đăng ký một nguyện vọng.
Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đã phải làm một việc chưa từng có tiền lệ là trao đổi với một số trường ĐH lớn để “cứu” các thí sinh có điểm từ 27 trở lên bị trượt. Các trường cho biết sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi cao, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể. Động thái này của Bộ GD-ĐT nhận nhiều ý kiến phản ứng là sai quy chế tuyển sinh.
Xét điểm thi tốt nghiệp vẫn là chủ yếu
Với kết quả thi năm 2021, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển ĐH, nhất là với các ngành “hot”, trường “hot”. GS Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm, việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH chỉ là phương án tạm thời trong thời điểm giao thời, khi nhiều trường ĐH chưa tổ chức được kỳ thi tuyển sinh riêng.
Theo đề án tuyển sinh năm 2021 do các trường công bố, đa số trường đều có nhiều phương thức tuyển sinh khác bên cạnh xét tuyển theo điểm kỳ thi tốt nghiệp như xét điểm học bạ, xét các chứng chỉ quốc tế, xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên, tuyển thẳng thí sinh từ các cuộc thi uy tín như Đường lên đỉnh Olympia…; nhiều trường có thêm kỳ thi tuyển sinh riêng như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Việt - Đức…
Dù đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, nhưng hầu hết trường vẫn phụ thuộc rất lớn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi đây là cách tiết kiệm, hiệu quả và chưa thể thay thế. Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, dù có 3 phương thức tuyển sinh thì chỉ tiêu từ xét kết quả thi tốt nghiệp vẫn chiếm khoảng 50%. PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhà trường, cho biết: “Kỳ thi riêng tốt cho tuyển sinh ĐH hơn, nhưng không thể quay lại vì tăng áp lực cho thí sinh, xã hội. Do đó, hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn cơ bản gánh vác trọng trách tuyển sinh ĐH, tuy nhiên, khâu đề thi phải làm tốt hơn”.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và phương thức tuyển sinh của các trường. PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội), cho rằng, với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, tới đây các trường ĐH sẽ phải thay đổi phương thức tuyển sinh. Theo đó, các trường sẽ phải liên kết để có kỳ thi chung, hoặc sử dụng chung kết quả của một kỳ thi được đảm bảo chất lượng.
Phổ điểm một số môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021
- Môn Tiếng Anh từ chỗ đội sổ năm 2020 đã nhảy lên thành môn số lượng điểm 10 nhiều nhất (ảnh). Cụ thể, môn Tiếng Anh có 866.993 thí sinh dự thi, điểm trung bình là 5,84, điểm trung vị là 5,6. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 4 điểm. Số thí sinh có điểm từ 1 trở xuống là 144, chiếm tỷ lệ 0,02%. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 349.175 (40,27%). Có 4.345 thi sinh đạt điểm 10 (gấp gần 20 lần so với năm 2020).
- Môn Toán có 980.876 thí sinh tham gia bài thi, điểm trung bình là 6,61 điểm, điểm trung vị là 7,0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,8 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 119 (tỷ lệ 0,01%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 170.802 (17,41%).
- Môn Ngữ văn có 978.027 thí sinh dự thi với điểm trung bình là 6,47 điểm, điểm trung vị là 6,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 172 (0,02%); thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 117.915 (12,06%).
(Theo sggp.org.vn)