.
PHIÊN GIẢI TRÌNH KỲ HỌP THỨ 3 - HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA X

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa dạy học vừa chống dịch

Cập nhật: 18:21, 17/09/2021 (GMT+7)

 (ABO) Tại phiên giải trình - Kỳ họp thứ 3 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa X, vào sáng 17-9, nhiều vấn đề “nóng”, bức xúc cử tri quan tâm trong thời gian qua như: Những bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc chuẩn bị nguồn lực, vật lực, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề bất cập khi thay đổi phương thức dạy và học trực tuyến... được đại biểu HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành giải trình. Đây cũng là nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

TỪNG BƯỚC LÀM QUEN VỚI HÌNH THỨC DẠY VÀ HỌC TRỰC TUYẾN

Tại phiên giải trình, các đại biểu đặt vấn đề liên quan đến việc dạy và học trưc tuyến. Đại biểu cho rằng, hình thức dạy và học trực tuyến có hàng loạt những khó khăn, bất cập như: Gia đình khó khăn không thể trang bị phương tiện (máy tính, điện thoại,..); vấn đề phủ sóng Internet, chất lượng đường truyền và phần mềm học trực tuyến chưa đảm bảo, học sinh không truy cập được do quá tải, mất kết nối trong quá trình học; gia đình có từ 2 con trở lên học khác lớp thì sẽ học như thế nào; việc theo dõi, quản lý con em học tập ra sao (nhất là bậc tiểu học) khi phần lớn phụ huynh phải đi làm việc; việc phối hợp xử lý sự cố về đường truyền, hư hỏng thiết bị (máy tính, điện thoại...) gây gián đoạn việc học của học sinh...

Đại biểu đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết ngành có những phương án, giải pháp gì để khắc phục những vấn đề nêu trên, giúp cho công tác dạy và học theo hình thức trực tuyến đạt chất lượng, hiệu quả trong năm học 2021 - 2022 và những năm học tiếp theo?

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Quang Trí,
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Quang Trí giải trình tại kỳ họp.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Quang Trí giải trình: Năm học 2021 - 2022, trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24-8-2021 của Bộ GD-ĐT và Quyết định phê duyệt Kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 của UBND tỉnh, ngành GD-ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch và phương án để tổ chức dạy học trực tuyến.

Cụ thể, 350 trường phổ thông đồng loạt tổ chức khai giảng vào ngày 5-9-2021 dưới hình thức trực tuyến theo phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”. Đối với khối lớp 9 và khối lớp 12, từ ngày 6-9-2021, giáo viên và học sinh ổn định lớp, làm quen với hình thức học tập trực tuyến, chuẩn bị các điều kiện về trang thiết bị, đường truyền Internet, phần mềm dạy và học, sách vở, kỹ năng học tập. Chỉ học chính thức khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện học tập và được sự thống nhất, đồng thuận của phụ huynh.

Đối với giáo dục mầm non, chỉ tổ chức đến trường khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Đối với khối lớp 1, từ ngày 13-9-2021, giáo viên phối hợp với phụ huynh tổ chức ổn định lớp, thực hiện các hoạt động giúp các bé làm quen với môi trường học tập trên truyền hình - Kênh truyền hình VTV7, do Bộ GĐ-ĐT hướng dẫn. Không tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ thời gian này.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại kỳ họp
Đại biểu đóng góp ý kiến tại kỳ họp.

Đối với các khối lớp còn lại, từ ngày 13-9-2021, giáo viên và học sinh ổn định lớp, làm quen với hình thức học tập trực tuyến, chuẩn bị các điều kiện về trang thiết bị, đường truyền Internet, phần mềm dạy và học, sách vở, kỹ năng học tập. Chỉ học chính thức khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện học tập và được sự thống nhất, đồng thuận của phụ huynh.

NHIỀU GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Quang Trí cho biết, để tiếp tục triển khai kế hoạch dạy và học trực tuyến có hiệu quả, ngành GD-ĐT đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

Cụ thể, tăng cường bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Từ tháng 1-2021, ngành đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trực truyến cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, kỹ năng dạy học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học cho 13.500 cán bộ quản lý và giáo viên các trường phổ thông.

Đồng thời, tổ chức rà soát, đầu tư cơ sở vật chất: Từ tháng 7-2021, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cùng các doanh nghiệp để tổ chức rà soát trang thiết bị, sách giáo khoa, nâng cấp đường truyền Internet, hệ thống phần mềm, các giải pháp quản lý, dạy và học trực tuyến.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tặng học bổng trị giá 640 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động tặng trên 1.000 bộ sách giáo khoa cho học sinh thuộc diện hộ nghèo. Viễn thông (VNPT) Tiền Giang hỗ trợ lắp đặt bộ giải mã cho toàn bộ học sinh không có thiết bị học tập trực tuyến. Các nhà mạng Vinaphone, MobiFone và Viettel Tiền Giang tặng sim 3G, 4G cho các em học sinh truy cập miễn phí mạng Internet để học tập trực tuyến.

Kết quả, đến ngày 13-9-2021, có 100% học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đã đủ điều kiện và học tập trực tuyến; có 98% học sinh trung học phổ thông và 93% học sinh trung học cơ sở đã đủ điều kiện học tập trực tuyến. 100% học sinh có sách giáo khoa để học tập trong năm học mới. Chất lượng đường truyền, hệ thống các phần mềm giảng dạy trực tuyến từng bước đi vào ổn định.

Cùng với đó, Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên phương pháp, kỹ năng dạy và học trực tuyến; hướng dẫn học sinh phương pháp học tập trực tuyến, bảo đảm an toàn khi học tập trên không gian Internet; triển khai thực hiện giảm tải một số nội dung chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021 - 2022. Các cơ sở giáo dục linh hoạt, chủ động bố trí nội dung và thời gian học tập phù hợp để tạo tâm lý thoải mái cho các em, không ngồi học lâu trước màn hình, bảo đảm sức khỏe và tinh thần cho học sinh.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Quang Trí,
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Quang Trí giải thích thêm các chính sách cũng như các giải pháp của ngành Giáo dục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới.

Đối với nhóm học sinh có cha mẹ không thể kèm cặp, hỗ trợ do bận công việc, nhà trường sẽ đề xuất với chính quyền địa phương để huy động sự tham gia của các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, các hội ở địa phương để giúp đỡ, hỗ trợ học sinh…

Đối với học sinh ở địa bàn “vùng xanh” không thực hiện giãn cách thì phụ huynh có thể hỗ trợ kèm cặp, giúp đỡ 2 - 3 em học sinh cùng lớp, gần nhà để chia sẻ thiết bị học tập, cũng như thuận lợi trong quản lý các em.

Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, học sinh trở lại trường học tập trực tiếp, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức phụ đạo, bổ sung, ôn tập kiến thức cho các em, đảm bảo phương châm “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Quang Trí cho rằng, năm học 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, nên việc triển khai việc dạy và học của ngành sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn. Do đó, toàn thể đội ngũ thầy, cô giáo của ngành cố gắng nỗ lực hơn và đồng lòng vượt qua những khó khăn để tổ chức giảng dạy cho các em học sinh trong điều kiện tốt nhất có thể.

Ngành GD-ĐT mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; sự ủng hộ, đồng hành của quý phụ huynh, các tổ chức và cá nhân để giúp ngành hoàn thành mục tiêu kép vừa dạy học vừa chống dịch.

THU HOÀI - CAO THẮNG

 

 

 

 

 

.
.
.