Thứ Hai, 13/09/2021, 15:19 (GMT+7)
.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong dạy và học trực tuyến

Học sinh khối lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã trải qua tuần học trực tuyến đầu tiên của năm học 2021 - 2022 với những khó khăn nhất định, để lại nhiều kinh nghiệm cho ngành Giáo dục triển khai tốt các hoạt động dạy và học trực tuyến ở các khối lớp còn lại.

Dù có sự chuẩn bị nhưng trong tuần đầu tiên triển khai dạy học trực tuyến ở khối lớp 9 và lớp 12 đã khiến không ít giáo viên và học sinh bỡ ngỡ, lúng túng. Việc dạy học trực tuyến cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn cho ngành Giáo dục của tỉnh.

NHỮNG KHÓ KHĂN

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là yếu tố kỹ thuật bao gồm thiết bị học tập trực tuyến và hệ thống mạng. Trong tuần học trực tuyến đầu tiên, toàn tỉnh có 1.873 học sinh lớp 9 và 50 học sinh lớp 12 chưa có thiết bị học tập trực tuyến, đó là chưa kể số học sinh không liên hệ được vì dịch Covid-19.

Trong đó, Cái Bè là địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dạy và học trực tuyến khi có đến 389/4.072 học sinh lớp 9 chưa có thiết bị học trực tuyến cũng như chưa liên lạc được.

Thêm một trở ngại mà hiện nhiều trường học đang gặp phải đó là hệ thống đường truyền của một số nhà mạng quá yếu hay thường gặp trục trặc chưa đáp ứng tốt yêu cầu của việc dạy và học trực tuyến.

Cùng với học sinh khối lớp 9 và lớp 12, học sinh các khối lớp khác của tỉnh Tiền Giang sẽ tiến hành học trực tuyến trong tuần thứ hai của tháng 9.
Cùng với học sinh khối lớp 9 và lớp 12, học sinh các khối lớp khác của tỉnh Tiền Giang sẽ tiến hành học trực tuyến trong tuần thứ hai của tháng 9.

Vấn đề khó khăn thứ hai được đông đảo giáo viên cho rằng là do sĩ số lớp quá đông nên việc bao quát học sinh chưa cặn kẽ làm cho hiệu quả dạy và học trực truyến chưa đạt yêu cầu.

Áp lực của giáo viên hiện nay quá lớn khi cùng lúc đảm đương hai việc là dạy học và quản lý học sinh chỉ với màn hình máy tính kích thước nhỏ.

Muốn quản lý xem học sinh có làm việc riêng hay không để nhắc nhở thì giáo viên phải kéo tràn màn hình và khi đó lại mất bài giảng, đó là chưa kể đến các tình huống học sinh nghịch ngợm, phá phách lớp học…

Vấn đề thứ ba được không ít giáo viên bày tỏ sự quan ngại đó là ai sẽ cùng nhà trường quản lý chặt chẽ việc học trực tuyến cũng như học qua truyền hình của học sinh ngay tại nhà.

Qua một tuần học trực tuyến của học sinh khối lớp 9 và lớp 12, không ít giáo viên nhận xét, vẫn còn nhiều em có ý thức học tập chưa tốt như bỏ tiết giữa chừng, nhưng khi liên lạc với gia đình để tìm hiểu thì vẫn chưa nhận được câu trả lời cũng như sự hợp tác thỏa đáng.

Có thể thấy, việc học trực tuyến không chỉ dừng lại theo kiểu nghe nhìn, đọc chép qua tương tác màn hình máy tính hay điện thoại mà vấn đề đặt ra là làm sao rèn cho học sinh tính tự học, tự thực hành, tự ôn luyện trong bối cảnh không được đến trường như hiện nay. Sau khối lớp 9, lớp 12 thì việc dạy và học trực tuyến sẽ được tiếp tục triển khai đối với các khối lớp còn lại.

GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Về vấn đề trục trặc đường truyền, ngành Giáo dục cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) các địa phương đang rà soát, làm việc với các trường học để nắm tình hình thực tế việc dạy học trực tuyến, thống kê đầy đủ các phát sinh về thiết bị, phần mềm, đường truyền…

Qua đó, đánh giá tổng thể và có hướng giải quyết, khắc phục. Để tránh tình trạng nghẽn mạng, các trường không nên bố trí thời khóa biểu cứng nhắc như dạy học trực tiếp trên lớp, mà sắp xếp theo các khung giờ khác nhau, để giảm mật độ truy cập vào cùng một thời điểm.

 

Về vấn đề quản lý học sinh trong mỗi tiết học, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, từng thầy cô giáo phải có trách nhiệm, cách thức hướng dẫn học sinh ngay khi trước mỗi buổi học. Giữa giáo viên và học sinh cần có các giao ước với nhau như một lớp học trực tiếp về giờ ra chơi, quy định phát ngôn, ăn mặc trong giờ học…

“Khi dạy và học trực tuyến chúng ta phải hết sức linh hoạt, sáng tạo vào từng điều kiện của mỗi trường và mỗi địa phương, tránh gây áp lực; cần tăng cường tính tương tác, gợi mở để học sinh giải quyết vấn đề bài học. Các trường nên linh động thực hiện các video, bài trình chiếu sinh động hoặc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh qua Zalo, Facebook,…

Riêng với các trường hợp không có thiết bị học trực tuyến, các trường cần photo bài học, giao nhiệm vụ học tập cho các em. Với những em này sẽ được củng cố kiến thức khi học chính thức. Còn với học sinh lớp 1, lớp 2, giáo viên chủ nhiệm cần trao đổi cụ thể với cha mẹ học sinh để thống nhất tổ chức dạy và học cho học sinh phù hợp. Trong đó, việc dạy học trên kênh truyền hình đã được triển khai hơn 1 tuần qua”, Tiến sĩ Lê Quang Trí cho biết thêm.

Với tinh thần linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tin rằng với sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo và các em học sinh, toàn ngành Giáo dục Tiền Giang sẽ đưa việc dạy và học trực tuyến đi vào nền nếp, ổn định.

ĐỖ PHI

.
.
.