Thứ Hai, 11/10/2021, 10:23 (GMT+7)
.

Giáo viên chủ nhiệm thời online

Làm giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trực tiếp trên lớp vốn đã khó, nay với học trực tuyến thì các thầy cô chủ nhiệm lại càng vất vả và áp lực hơn rất nhiều. Chính GVCN là cầu nối quan trọng kết nối giữa nhà trường và phụ huynh hướng đến mục tiêu giúp học sinh học trực tuyến an toàn, nghiêm túc và đạt chất  lượng.

Một GVCN ở Trường Tiểu học Phú Mỹ trong giờ dạy trực tuyến.
Một GVCN ở Trường Tiểu học Phú Mỹ trong giờ dạy trực tuyến.

NỖI LÒNG VÀ TRÁCH NHIỆM

Hơn 1 tháng dạy học trực tuyến cũng là khoảng thời gian điện thoại của cô Nguyễn Thị Minh Hằng, GVCN lớp 9 tại một trường THCS ở TP. Mỹ Tho hoạt động liên tục. Tầm khoảng 7 giờ 15 phút mỗi buổi sáng, cô Hằng phải liên lạc với lớp: “Alô, các em vào đủ hết chưa. Còn bạn nào chưa vào được, báo cô liền nhé, nhanh lên, sắp đến giờ học rồi!”.

Cô Hằng chia sẻ, nếu như học trực tiếp thì lúc nào cũng có thể ghé lớp để nhắc nhở các em giữ gìn vệ sinh, nền nếp… Còn với học trực tuyến thì tất cả các group từ Zalo đến Facebook đều được xem là kênh liên lạc hữu hiệu nhất với học sinh. “Với group nhóm lớp chủ nhiệm, tôi đều có quy định hẳn hoi cho các em được viết gì, tham gia bình luận hay báo cáo sự việc gì trong nhóm, tránh đăng tải hình ảnh cá nhân.

Bên cạnh nhóm chung, lớp 40 học sinh, tôi còn lập 4 nhóm nhỏ, mỗi nhóm sẽ có 1 nhóm trưởng. Thông qua các group này, GVCN sẽ nắm tình hình từng ngày học, em nào học chăm chỉ hay cúp tiết, hoặc bị sự cố gì đều được lớp trưởng, lớp phó học tập và các nhóm trưởng báo cáo”, cô Hằng cho biết.

Với GVCN cấp THCS và THPT thì việc tương tác với học sinh khá dễ dàng, nhưng với GVCN bậc tiểu học lại hoàn toàn lệ thuộc từ kênh liên lạc với phụ huynh. Tuy nhiên, điều khó khăn là không phải bất cứ phụ huynh nào cũng đều sử dụng điện thoại thông minh, đặc biệt là ở các trường vùng sâu, vùng xa. Tại Trường Tiểu học Phú Mỹ (huyện Tân Phước) trong năm học mới này có 22 lớp với 779 học sinh, với khoảng 80% học sinh đủ điều kiện học trực tuyến.

Cô Dương Thị Cẩm Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Mỹ cho biết: “GVCN của trường ở các khối lớp đều cố gắng thông tin liên lạc giữa nhà trường với gia đình trong điều kiện ở vùng sâu không phải phụ huynh nào cũng sử dụng mạng xã hội. GVCN chỉ còn biết điện thoại, liên hệ nắm bắt tình hình học tập mỗi ngày của các em”.

Không ít giáo viên tại các trường cho rằng, dù công tác chủ nhiệm được giảm trừ định mức từ 3 đến 4 tiết/tuần tùy vào các bậc học nhưng rất áp lực.

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên tại một trường THCS ở huyện Cái Bè chia sẻ: “GVCN ngoài làm hồ sơ sổ sách chủ nhiệm, còn gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm với ban giám hiệu, học trò và cả với phụ huynh. Khi có bất trắc gì xảy ra với học sinh thì GVCN là người trước tiên phải chịu trách nhiệm.

Chưa kể là khi dạy học trực tuyến, GVCN còn phải chịu những câu hỏi chất vấn không thuộc trách nhiệm của mình từ phụ huynh, nhất là về đường truyền Internet, hay có phụ huynh không kiềm chế khi con em mình không vào lớp học được cũng gọi điện thoại cho GVCN…”.

THAY ĐỔI ĐỂ THÍCH NGHI

Tuy nhiên, trong thời điểm học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh đòi hỏi giáo viên, trong đó có GVCN phải thay đổi để thích nghi với hình thức dạy học trực tuyến. Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo Nguyễn Phúc Viễn cho rằng, chính GVCN là những người đồng hành, hướng dẫn cho học trò trong mỗi chặng đường học tập. So với cách dạy học trực tiếp, thì phương pháp dạy  trực tuyến đã có nhiều thay đổi, chính vì vậy các thầy cô cũng phải thay đổi để thích nghi, ngay trong cách chủ nhiệm.

Theo thầy Nguyễn Phúc Viễn, GVCN phải là cầu nối để gửi đi những thông báo, thời khóa biểu, kế hoạch học tập cho phụ huynh và học sinh nắm rõ. GVCN phải cùng với giáo viên bộ môn theo dõi sâu sát ở từng tiết học; đôn đốc học sinh vào lớp học, kịp thời liên hệ với học sinh, phụ huynh nếu các em vắng mặt không lý do.

Trên cơ sở nắm bắt tình hình, GVCN sẽ có những báo cáo kịp thời đến Ban giám hiệu nhà trường, thông tin đến phụ huynh để có hướng xử lý. Ngoài ra, trong giai đoạn dạy học trực tuyến, điện thoại của GVCN phải luôn đặt ở chế độ hoạt động sẵn sàng để có thể giải quyết mọi tình huống.

Dạy học trực tuyến là giải pháp cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và làm GVCN ở mỗi cấp học có những đặc trưng, phương pháp riêng. Nhưng hơn ai hết, GVCN phải thật sự là người đồng hành, giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn trong giai đoạn học trực tuyến.

THẢO PHƯƠNG

.
.
Liên kết hữu ích
.