.

Linh hoạt, thích ứng với dạy và học trực tuyến

Cập nhật: 10:14, 22/10/2021 (GMT+7)

Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, với phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã khắc phục khó khăn, đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, kịp thời từng bước đưa dạy và học trực tuyến đi vào nền nếp ổn định.

KHÓ KHĂN LÀ KHÓ KHĂN CHUNG

Cùng với tỉnh, năm học 2021 - 2022 trên địa bàn huyện Châu Thành cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dưới sự chỉ đạo, quan tâm, giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các cấp, các ngành trên địa bàn, ngành Giáo dục huyện Châu Thành từng bước tháo gỡ khó khăn cho năm học mới.

Thống kê của ngành Giáo dục huyện Châu Thành cho thấy, để chủ động cho việc dạy học trực tuyến, 100% giáo viên bậc tiểu học và THCS của huyện đã chuẩn bị đầy đủ về trang thiết bị, được tập huấn, thao giảng trực tuyến, chuẩn bị tốt bài giảng điện tử để tổ chức dạy trực tuyến. Tuy nhiên, trang thiết bị của học sinh vẫn là vấn đề khó khăn khi huyện tổ chức dạy học trực tuyến.

Học sinh Trường THCS Dưỡng Điềm học  trực tuyến.
Học sinh Trường THCS Dưỡng Điềm học trực tuyến.

Với bậc tiểu học, toàn huyện có 23 trường, 539 lớp với 19.200 học sinh. Nếu như thống kê đầu tháng 9 cho thấy, toàn huyện chỉ có 86% học sinh tham gia học trực tuyến, còn tới 2.282 học sinh (11,9%) chưa có thiết bị học trực tuyến, thì hiện nay số học sinh học trực tuyến đã tăng lên 17.791 học sinh (92,6%), chỉ còn khoảng 1.000 học sinh chưa có thiết bị (5,2%). Còn với bậc THCS, toàn huyện có 16 trường, 296 lớp với 12.535 học sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, số học sinh học trực tuyến là 11.889 học sinh (94,8%), chỉ còn 277 học sinh chưa có thiết bị (2,1%).

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết: “Để chuẩn bị cho năm học mới trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phòng GD-ĐT huyện tập trung rà soát đội ngũ cán bộ, giáo viên; rà soát cơ sở vật chất cho việc triển khai dạy và học trực tuyến, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Hơn 1,5 tháng qua, khó khăn, thách thức thì có nhiều, như: Học sinh thiếu trang bị học trực tuyến, một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm sâu sát con em mình trong việc học, việc mua sách giáo khoa của học sinh còn một số khó khăn do dịch Covid-19.

LINH HOẠT GỠ KHÓ

Trước những khó khăn, thách thức trong công tác dạy và học trực tuyến, ngành Giáo dục huyện Châu Thành đã linh hoạt đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả trên tinh thần không để thiệt thòi trong học tập đối với học sinh chưa có đủ điều kiện, không để bất kỳ học sinh bị bỏ lại phía sau.

Thứ nhất, ngành đã xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến phải có sự đồng thuận của toàn xã hội, nhất là đối với cha mẹ học sinh và học sinh. Chính vì vậy, trước khi vào dạy học trực tuyến, các trường đã tổ chức lấy ý kiến của cha mẹ học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau; kiên trì vận động, thuyết phục để cha mẹ học sinh thông suốt, cùng chia sẻ khó khăn với ngành, chung tay cùng với ngành hỗ trợ, hướng dẫn học sinh học trực tuyến.

Thứ hai, các trường thường xuyên khảo sát, thống kê, rà soát tình hình học trực tuyến của học sinh. Trên cơ sở các số liệu thống kê, kết quả khảo sát, định kỳ hằng tuần, ngành tổ chức họp trực tuyến với hiệu trưởng các trường để phân tích, đánh giá tình hình dạy học trực tuyến; lắng nghe những ý kiến phản hồi từ cha mẹ học sinh, từ học sinh, từ giáo viên; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế phát sinh trong tổ chức dạy học, trong phân công chuyên môn, phân phối chương trình… để có sự điều chỉnh phù hợp, định hướng chung cho các trường triển khai thực hiện.

Thứ ba, ngành cũng đã triển khai thực hiện, hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào “Máy tính cho em” của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp Hội Khuyến học tỉnh đã trao tặng 27 máy tính bảng cho 27 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Long Hưng, mỗi em nhận 1 máy tính bảng trị giá 2,5 triệu đồng và 1 sim data truy cập Internet miễn phí; phối hợp với Mobifone Tiền Giang tặng đợt 1 cho giáo viên, học sinh 750 sim 4G của 30 trường; phối hợp với VNPT Châu Thành tặng 134 sim data  miễn phí cho học sinh nghèo, hỗ trợ 224 modem hòa mạng wifi...

Và cuối cùng, đối với học sinh không có điều kiện học trực tuyến, học sinh đang ở khu cách ly, khu phong tỏa hoặc không có trang thiết bị học tập; ngành Giáo dục đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường tăng cường phối hợp với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương, tình nguyện viên, Ban Chỉ đạo Phổ cập - Xóa mù chữ… thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các em được tham gia học tập bằng hình thức chuyển giao tài liệu học tập, phiếu hướng dẫn học tập cho học sinh; hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng sách giáo khoa, các video clip bài học, nguồn học liệu… để tránh tâm lý bị bỏ rơi, phát huy tính tích cực học tập của học sinh trong mọi hoàn cảnh.

Đồng chí Võ Văn Dũng đánh giá, đến thời điểm này, tình hình dạy và học trực tuyến trên địa bàn huyện đã cơ bản đi vào ổn định. Trong thời gian tới đây, ngành Giáo dục huyện sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, đặc biệt là trang thiết bị, để học sinh có thể học trực tuyến đầy đủ, tiếp thu bài một cách tốt hơn.

Đ.PHI

 

.
.
.