'Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi'
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi! Người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho học sinh để các em nỗ lực học tập tốt, rèn luyện tốt..."
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi! |
Sáng 18-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ Đại học Sư phạm Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2. Buổi lễ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Cách đây 70 năm, ngày 11-10-1951, Trường Sư phạm Cao cấp (tiền thân của Đại học Sư phạm Hà Nội) được thành lập tại huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) theo Nghị định số 276 của Bộ Quốc gia Giáo dục. Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp III phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển nền giáo dục mới. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội còn có nhiệm vụ là "pháo đài" chống Mỹ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất. Trong giai đoạn này, Trường tiếp tục là cơ sở chủ lực đào tạo cán bộ giảng dạy cho hệ thống các trường đại học trên toàn miền Bắc.
Qua 70 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo được khoảng 100.000 cử nhân, 23.000 thạc sĩ và trên 1.700 tiến sĩ. Các trường cấp 3, cấp 2 thuộc hệ thống Đại học Sư phạm cũng có nhiều thành tích xuất sắc trong đào tạo học sinh giỏi tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Truyền thống, thành tựu và di sản của Đại học Sư phạm Hà Nội 70 năm qua tiếp tù là bệ đỡ vững chắc cho Nhà trường trong quá trình xây dựng trường sư phạm Chuẩn mực, Sáng tạo, Tiên phong.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai cho lãnh đạo, thầy cô, cán bộ nhân viên, sinh viên của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng các thế hệ cán bộ, thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học viên, sinh viên, học sinh Đại học Sư phạm Hà Nội nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Ngày truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển.
Chủ tịch nước chia sẻ, tuổi thơ ai cũng từng có ước mơ và có lẽ ước mơ được nhiều người mơ ước nhất là lớn lên được làm thầy giáo, cô giáo. Hình ảnh người thầy, người cô hòa vào tâm hồn trẻ thơ ngay từ những ngày đầu tiên đến trường. Đó là hình ảnh thật bình dị mà cao quý, giản đơn mà thanh cao, không chói sáng nhưng lại lấp lánh.
Chủ tịch nước đánh giá, suốt 70 năm qua, Đại học Sư phạm Hà Nội đã đóng góp trọn vẹn cho đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Nhà trường đã được ngành giáo dục và xã hội ghi nhận vai trò là “máy cái” của ngành sư phạm, là cái nôi đào tạo ra lớp lớp thầy cô giáo mang tri thức truyền bá cho các thế hệ ở khắp mọi vùng miền của đất nước, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp giáo dục; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai cho lãnh đạo, thầy cô, cán bộ nhân viên, sinh viên của Đại học Sư phạm Hà Nội |
Chủ tịch nước cho rằng, với vai trò là cơ sở đầu tiên đề xuất và triển khai thành công một phương châm lớn, có giá trị lý luận và thực tiễn trong giáo dục đại học, đó là: "biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo" theo tư tưởng của Bác Hồ “lấy tự học làm cốt”, Trường đã tự đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đầu tiên trong nước, đi tiên phong trong đào tạo đại học theo học phần, đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học có trình độ đại học, đào tạo trẻ khuyết tật có trình độ đại học...
Trường là nơi khởi nguồn của phong trào "Ba sẵn sàng" (năm 1964), một phong trào thi đua yêu nước sôi nổi nhất, rộng lớn nhất của tuổi trẻ cả nước. Trường cũng là nơi đầu tiên phát động phong trào xây dựng các “Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa”. Nơi đây cũng là địa chỉ đỏ trên bản đồ giáo dục và đào tạo tài năng trẻ cho đất nước. Hàng chục học sinh trong hệ đào tạo chuyên của Trường đã mang về các giải thưởng cao quý, huy chương các loại trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, đánh dấu sự phát triển vượt trội về chất của Trường.
Theo Chủ tịch nước, thành công đó được hun đúc từ một tập thể đoàn kết, dù trong khó khăn gian khổ hay điều kiện thuận lợi, các thế hệ thầy cô giáo nhà trường luôn cống hiến hết mình vì sự nghiệp trồng người, nhờ có sự tâm huyết ấy mà góp phần đưa “con thuyền tri thức” đến được bến bờ vinh quang như hôm nay.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, con người, cán bộ, giảng viên là tài sản quý giá nhất của nhà trường chứ không phải trường to, lớp rộng, giảng đường đẹp, vì vậy, ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ then chốt, lâu dài và chiến lược của Đại học Sư phạm Hà Nội.
“Chúng ta sẽ có nhiều trò giỏi khi có nhiều thầy giỏi! Người thầy cần đi tiên phong thực hiện khát vọng vươn lên, truyền cảm hứng cho học sinh để các em nỗ lực học tập tốt, rèn luyện tốt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc 5 châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Trong quá trình giảng dạy, phải luôn đổi mới toàn diện về phương pháp và nội dung đào tạo nhằm đáp ứng với bối cảnh mới, yêu cầu mới hiện nay. Đổi mới phương thức đào tạo theo hướng tăng cường năng lực nghề nghiệp cho sinh viên bên cạnh chuyên môn vững vàng. Sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Sư phạm Hà Nội phải là những người vừa hồng vừa chuyên, giỏi chuyên môn, giỏi kỹ năng giáo dục và phẩm chất cao quý của người thầy; yêu nước, yêu nghề, yêu trẻ; sáng tạo và cống hiến cho công việc, cho cộng đồng trong môi trường hội nhập quốc tế.
Chủ tịch nước cũng lưu ý nhà trường chống dịch, nhưng cũng cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết để các em học sinh, sinh viên có thể đến trường được an toàn, học tập trực tuyến cũng được thuận lợi, hiệu quả.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan cần triển khai tốt công tác quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng, đặc biệt là mạng lưới các trường cao đẳng, đại học sư phạm. Bởi đây là mạng lưới các trường đặc thù, có ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Nhắn nhủ đến các học sinh, sinh viên, Chủ tịch nước cho rằng, việc học trực tuyến chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định nhưng đây chỉ là những khó khăn trong ngắn hạn, Chủ tịch nước mong muốn các em học tập, tu dưỡng tốt để lập thân, lập nghiệp, xứng đáng với nghề dạy học – “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
(Theo chinhphu.vn)