Thứ Hai, 15/11/2021, 13:54 (GMT+7)
.

Đảm bảo khách quan khi kiểm tra trực tuyến

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh bậc trung học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ được thực hiện bài kiểm tra giữa học kỳ I năm học 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến bắt đầu từ giữa tháng 11-2021 (trừ học sinh khối lớp 9 và 12 của huyện Tân Phú Đông vì đã đi học trực tiếp).

Không ít giáo viên cho rằng, dạy học trực tuyến đã khó thì việc ra đề kiểm tra đánh giá đối với học sinh bằng hình thức trực tuyến lại càng khó hơn. Thầy Nguyễn Thành Luân, giáo viên môn Ngữ văn bậc THPT ở huyện Cái Bè phân tích, một đề kiểm tra hoàn chỉnh phải đảm bảo hài hòa tỷ lệ các câu hỏi ở bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao mới có thể kiểm tra, đánh giá toàn diện chất lượng học tập của học sinh. Tuy nhiên, đó là vấn đề của việc học và đánh giá trực tiếp, còn với học trực tuyến đòi hỏi giáo viên ra đề phải tính toán làm sao để đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh, bởi trong quá trình học trực tuyến vẫn có em học trước và học sau.

“Nếu như trên lớp, giáo viên có thể bao quát toàn bộ lớp học, yêu cầu học sinh đem tài liệu ra khỏi phòng học thì với kiểm tra bằng hình thức trực tuyến, đặc biệt là mới tổ chức lần đầu nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quan sát các em khi kiểm tra qua màn hình nhỏ”, thầy Luân nói.

Học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân học trực tuyến.
Học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân học trực tuyến.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Tấn Phong, giáo viên dạy môn Toán bậc THCS ở huyện Gò Công Tây cho rằng: “Nếu kiểm tra bằng hình thức trực tuyến thì chắc chắn sẽ có tình trạng học sinh nhờ sự hỗ trợ của người thân trong gia đình, nhưng cũng phải chấp nhận vì không còn cách nào khác. Mặt khác, đường truyền mạng hiện nay bị chập chờn nên giáo viên, học sinh bị “văng ra” khỏi lớp học là chuyện thường xảy ra, nếu như yêu cầu học sinh bật camera suốt thời gian làm bài kiểm tra thì cũng rất khó khăn”.

Không chỉ có giáo viên băn khoăn, mà phụ huynh cũng lo lắng khi tổ chức cho học sinh kiểm tra giữa học kỳ I bằng hình thức trực tuyến. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) chia sẻ: “Con tôi năm nay học lớp 12, năm học có ý nghĩa quyết định để xét tuyển vào đại học, chính vì vậy, điểm số vô cùng quan trọng. Dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, học sinh vẫn chưa được tiêm vắc xin nên học trực tuyến vẫn là giải pháp an toàn, tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên, trong kiểm tra giữa kỳ, nếu giáo viên không giám sát chặt chẽ thì sẽ dẫn đến thiếu công bằng và ảnh hưởng đến cơ hội vào đại học không chỉ con tôi mà còn rất nhiều em học sinh khác”.

Để chuẩn bị cho việc kiểm tra giữa học kỳ I, Trường THCS Lê Ngọc Hân (TP. Mỹ Tho) đã chủ động họp trực tuyến các tổ bộ môn để ôn tập và thực hiện ra đề kiểm tra. Mỗi môn học ở các khối lớp ứng với mỗi đề kiểm tra ở các chủ điểm, mức độ đánh giá phù hợp. Đề thi sẽ ra theo tinh thần học gì thi đó, không ra đề kiểm tra ở các phần giảm tải, tự học. Để giám sát chặt chẽ học sinh trong quá trình làm bài, đảm bảo trung thực, khách quan, trường áp dụng quy trình giám sát kiểm tra qua phần mềm K12Online, yêu cầu học sinh bật camera suốt thời gian làm bài.

“Với đặc thù học sinh trường rất đông, trên 3.000 học sinh, để tránh trường hợp nghẽn mạng, trường quyết định chia nhỏ các khối, lớp theo tuần để kiểm tra, không dồn ép kiểm tra một lần. Trước khi làm kiểm tra, học sinh sẽ có thời gian khoảng 10 phút để kiểm tra các thiết bị trước khi làm bài”, thầy Lê Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Ngọc Hân cho biết.

Theo ngành Giáo dục, những băn khoăn về hình thức kiểm tra, thi trực tuyến của không ít thầy cô, phụ huynh, học sinh là hoàn toàn có cơ sở. Bởi qua hơn 2 tháng dạy học trực tuyến, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn có những khó khăn như: Tình trạng đường truyền không ổn định, học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến vẫn còn ở một vài địa phương…

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, dù bất cứ hình thức học tập nào cũng cần phải kiểm tra, đánh giá. Việc kiểm tra, đánh giá sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, hướng dẫn. Trước tình hình dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kiểm tra, đánh giá theo quan điểm của ngành Giáo dục là dạy tới đâu ra đề tới đó và đảm bảo công bằng, khách quan cho mọi đối tượng học sinh. Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc một đề kiểm tra được bố trí theo thang điểm 10, trong đó mức độ nhận biết 4 điểm, thông hiểu 3 điểm, vận dụng 2 điểm và vận dụng cao 1 điểm.

P. PHƯƠNG

 

.
.
.