Dành thời gian ôn tập, bổ trợ kiến thức khi học sinh đi học trở lại
Sơ bộ tình hình thực hiện các nhiệm vụ nửa đầu học kỳ I năm học 2020-2021, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, cơ bản các tỉnh thành đã chủ động, linh hoạt và nỗ lực triển khai trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ảnh minh họa. Nguồn: VA |
Linh hoạt kế hoạch dạy học để ứng phó dịch COVID-19
Theo ông Nguyễn Thế Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh, sau thời gian ảnh hưởng của dịch, từ ngày 24-9-2021, học sinh phổ thông của toàn tỉnh đã được học trực tiếp trở lại; các khối phân chia lịch học sáng, chiều để đảm bảo giãn cách. Khi dịch vẫn diễn biến khó lường, Sở GDĐT đã chỉ đạo các nhà trường căn cứ cấp độ dịch của địa bàn xã/phường/huyện, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Các đơn vị xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt ứng phó với từng cấp độ dịch; củng cố điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị… để sẵn sàng chuyển trạng thái khi cần thiết.
Với tinh thần “chủ động, linh hoạt thích ứng”, tương ứng với các cấp độ dịch trên địa bàn, hiện 84/336 cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên của Bắc Ninh đang dạy học trực tuyến; 13 cơ sở dạy kết hợp trực tiếp với trực tuyến. Số đông trường còn lại tổ chức dạy học trực tiếp. Tranh thủ thời gian “vàng” học sinh được học trực tiếp, các cơ sở giáo dục tập trung giảng dạy nội dung cơ bản, cốt lõi; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học cho học sinh, nhất là các em gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến/qua truyền hình trong thời gian phải tạm dừng đến trường.
Ông Cao Xuân Hùng cho hay, trong điều kiện dịch COVID-19 ở địa phương tiếp tục lan rộng khiến hàng trăm giáo viên, học sinh thành F0, hàng nghìn là F1, nhưng các hoạt động giáo dục vẫn được nhà trường duy trì ổn định. Lý do là từ đầu năm, ngành Giáo dục của tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học để linh hoạt ứng phó với tình huống bất thường; chuẩn bị nền tảng công nghệ, tập huấn giáo viên, tập duyệt cho học sinh làm quen với dạy học trực tuyến. Những vấn đề, tình huống xấu có thể xảy ra khi dạy học online được lường trước để có giải pháp hạn chế và xử lý.
Hiện Nam Định có 5/10 huyện, thành phố dạy trực tuyến. Những cơ sở dạy học trực tiếp đang ưu tiên thời gian “vàng” để hoàn thành nội dung kiến thức cốt lõi; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình mỗi học kỳ 1 tháng, phòng khi có tình huống bất thường thì chất lượng dạy học không bị ảnh hưởng. Việc tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học và học sinh từ 12 đến 17 tuổi đang được ngành Giáo dục phối hợp với Y tế tích cực triển khai, Dự kiến cuối tháng 11 sẽ hoàn thành tiêm 2 mũi cho 100% cán bộ nhà giáo.
Chỉ cách ly ca nhiễm, không đóng cửa trường học
“Mặc dù một số cơ sở giáo dục vẫn xuất hiện F0, F1 nhưng việc tổ chức dạy học của Quảng Nam vẫn diễn ra bình thường” – ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết. Cụ thể, khi trường học có F0, F1, Quảng Nam chỉ tổ chức cách ly lớp học có ca nhiễm chứ không đóng cửa cả trường. Việc xét nghiệm, sàng lọc, vệ sinh khử khuẩn được nhanh chóng triển khai để sớm đưa hoạt động dạy học tại lớp học đó trở lại bình thường. Đối với những cơ sở giáo dục tổ chức nội trú, bán trú, hàng tuần địa phương tổ chức test nhanh cho học sinh; khu vực “điểm nóng” thì xét nghiệm 2 lần/tuần để sớm phát hiện ca nhiễm và kịp thời xử lý.
Khoanh vùng hẹp, truy vết nhanh, khử khuẩn khẩn trương, để học sinh trường có ca nhiễm chỉ học trực tuyến 2-3 rồi trở lại trực tiếp, cũng là cách mà ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa đang triển khai. Song song với đó là linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học khi chia đôi lớp và luân phiên mỗi nửa học trực tuyến, trực tiếp vào buổi sáng, chiều.
Đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai địa phương lớn suốt thời gian vừa qua phải dạy học trực tuyến và mới dần mở cửa cho số ít trường học, lãnh đạo Sở GD&ĐT 2 địa phương cho biết, về chuyên môn, việc dạy học và kiểm tra đánh giá trực tuyến cơ bản thuận lợi. Thậm chí trong khó khăn của dạy học ứng phó dịch bệnh, các nhà trường, giáo viên còn sáng tạo được nhiều nhiều mô hình, cách làm hay, giúp học sinh hào hứng học tập.
Tuy nhiên, vấn đề thiếu thiết bị dạy học trực tuyến của học sinh khó khăn; giáo viên và cơ sở giáo dục mầm non tư thục kiệt quệ vì dịch bệnh; và hàng nghìn thầy cô là bệnh nhân COVID-19 chưa thể tham gia đứng lớp nếu dạy học trực tiếp, vẫn là bài toán hai thành phố, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh cần nỗ lực giải quyết.
Duy trì và giữ ổn định chất lượng giáo dục
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các tỉnh/thành tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện, Sở GD&ĐT cần tích cực tham mưu, đề xuất để sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học và học sinh.
Trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, các địa phương linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến, cố gắng hoàn thành chương trình đúng kế hoạch. Tuy nhiên, dù thực hiện hình thức nào thì “kiên trì mục tiêu chất lượng” vẫn phải được cơ sở giáo dục đặt lên hàng đầu; trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng dạy học của các lớp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. “Việc hoàn thành chương trình là quan trọng nhưng duy trì và giữ ổn định chất lượng giáo dục còn quan trọng hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Thứ trưởng lưu ý khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, các trường cần phân loại học sinh và dành thời gian ôn tập, bổ trợ kiến thức cho các em trước khi tiến hành kiểm tra, đánh giá. Với những địa phương chưa thể dạy học trực tiếp trở lại, việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể linh hoạt áp dụng các hình thức được quy định trong Thông tư về đánh giá học sinh Tiểu học, THCS, THPT và Thông tư 09 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến./.
(Theo dangcongsan.vn)