Thứ Tư, 17/11/2021, 10:58 (GMT+7)
.

Điều kiện an toàn khi học sinh trở lại trường

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hơn 2 năm qua, đa số học sinh phải chuyển sang học trực tuyến để phòng tránh dịch, tránh rủi ro lây lan trong nhà trường. Dù học trực tuyến có lợi, nhưng lại có nhiều hạn chế, đặc biệt là làm mất đi khả năng giao tiếp xã hội của học sinh cũng như cơ hội hòa nhập của trẻ khuyết tật, nhất là trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển, dị tật bẩm sinh... Đặc biệt với trẻ bị mất người thân trong “cơn bão” Covid-19, các em rất cần sự động viên, chia sẻ, gần gũi của bạn bè, thầy cô trực tiếp hằng ngày.

Trường học là môi trường an toàn, phong phú trong tương tác xã hội, giúp trẻ phát triển các kỹ năng mềm như ứng xử cân bằng trong quan hệ bạn bè, tự tin trong thi đua học tập, kích thích sáng tạo, biết tranh luận trước đám đông, biết làm việc nhóm. Trường học cũng là nơi nâng cao thể chất cho học sinh bằng các môn thể dục thể thao, hoạt động ngoài trời, các môn năng khiếu, mà ở nhà không thể có được.

Giáo viên Trường THCS Phú Đông, huyện Tân Phú Đông trong giờ dạy trực tiếp trên lớp.
Giáo viên Trường THCS Phú Đông, huyện Tân Phú Đông trong giờ dạy trực tiếp trên lớp.

Đối với thầy, cô giáo đứng lớp thì giảng dạy trước mặt học sinh rất quan trọng. Bởi thầy cô sẽ trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học sinh bằng sự ân cần, từ đó các em có thể dễ dàng cảm nhận được “ngọn lửa” cảm hứng từ người thầy truyền sang và cảm thấy yêu thích, say mê môn học của các thầy, cô. Nhiều học sinh giỏi tâm sự, em thích môn này, giỏi môn kia vì môn đó thầy cô dạy hay, dễ hiểu. Học trực tuyến thì không thể truyền tải được các yếu tố tinh tế như dạy học trực tiếp. Đối với phụ huynh học sinh, khi gửi con tới trường, họ an tâm làm việc, công tác, không còn nỗi lo phải kèm cặp con trong những giờ học trực tuyến.

Học trực tiếp quan trọng, nhưng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì học trực tiếp phải thật sự an toàn, đảm bảo ít nhất hai điều kiện:

Thứ nhất, trẻ phải được tiêm ngừa. Dù trẻ em thường ít có khả năng bị bệnh nặng hơn người lớn khi mắc Covid-19, nhưng vẫn có thể xảy ra nếu chúng ta không cẩn thận. Nếu mắc Covid-19, thì các em vẫn lây nhiễm cho người khác, cho các bạn cùng lớp. Vì vậy, học sinh rất cần được tiêm vắc xin Covid-19. Hiện nay, Chính phủ đã cho phép trẻ em trên 12 tuổi được tiêm ngừa Covid-19, sắp tới là trẻ trên 5 tuổi được tiêm ngừa.

Thứ hai, thực hiện 5K, dù tiêm ngừa hay không thì phải thực hiện 5K cho thật tốt khi đến trường. Khẩu trang và giữ khoảng cách 2 m là yêu cầu bắt buộc khi học sinh đến trường.

Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành quy định các biện pháp đảm bảo an toàn trong trường học khi học sinh học trực tiếp. Nhưng trước khi học sinh quay trở lại trường học thì phải vệ sinh môi trường, khử khuẩn; đảm bảo cơ sở vật chất hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp với nhau...; tập huấn cho cán bộ, giáo viên về công tác phòng, chống dịch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, cách phát hiện các trường hợp nghi mắc Covid-19.

Thông qua sổ liên lạc điện tử, hệ thống thông tin liên lạc sẵn có để tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh theo dõi sức khỏe, biện pháp phòng, chống dịch. Khi học sinh quay trở lại trường học phải bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không được vào trong trường; quy định, hướng dẫn học sinh rửa tay, đeo khẩu trang theo quy định...

Đối với những trường hợp học sinh bị sốt, ho, khó thở… tại trường học thì triển khai ngay các biện pháp, như: Đưa học sinh đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi, cách ly; phối hợp với cha mẹ học sinh khai thác tiền sử tiếp xúc của học sinh, tham vấn ý kiến của y tế địa phương. Các trường học thực hiện xử trí những trường hợp nghi mắc, mắc Covid-19, phong tỏa dập dịch theo đúng quy định.

Việc đưa học sinh trở lại trường học là rất quan trọng cho sự giáo dục toàn diện của thế hệ tương lai, nên càng thực hiện sớm càng tốt. Tuy nhiên phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh của các địa phương, mức độ dịch từng thời điểm, tỷ lệ tiêm chủng, mà các địa phương quyết định cho học sinh đến trường, không nóng vội nhưng cũng không nên chậm trễ.

BÁC SĨ NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.