Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh 'vùng xanh' được đi học trực tiếp
Bộ GD&ĐT yêu cầu những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2 cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non, được đi học trực tiếp.
Các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh khi đi học trực tiếp - Ảnh minh họa |
34 tỉnh, thành phố còn lại vẫn đang kết hợp giữa dạy trực tiếp và trực tuyến, dạy qua truyền hình.
Hiện có 20 tỉnh hoàn toàn tổ chức dạy học trực tuyến hoặc qua truyền hình là: An Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Nam, Gia Lai.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, các địa phương cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đối với những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non, được đi học trực tiếp. Khi học sinh quay trở lại trường học thì phải bảo đảm an toàn nhất cho các em.
Bộ cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, học qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tại địa phương. Khi học sinh trở lại trường học, nhà trường cần tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lí, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.
Ngoài ra, nhà trường cần tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Sử dụng hiệu quả thời gian học sinh được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
(Theo baochinhphu.vn)