Thứ Hai, 13/12/2021, 15:32 (GMT+7)
.

Tuyển sinh đại học năm 2022: Nhiều điều chỉnh trong đề án tuyển sinh

Hiện các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đang ráo riết xây dựng đề án tuyển sinh năm 2022. Trong đó có nhiều đề án điều chỉnh và thay đổi các phương thức xét tuyển như tăng chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển riêng, giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, mở rộng các kỳ thi riêng để tăng tính tự chủ trong tuyển sinh.

Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ THPT năm 2021 tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ THPT năm 2021 tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.

Mở rộng các kỳ thi riêng

Điểm đáng chú ý nhất trong tuyển sinh năm 2022 là các trường ĐH, CĐ phát huy mạnh tính tự chủ trong tuyển sinh theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học (năm 2018). Nhiều trường mở rộng địa điểm, tăng các đợt tổ chức kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực - ĐGNL, đánh giá tư duy, thi năng khiếu). 

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức đánh giá các năng lực cơ bản của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Kỳ thi sẽ tổ chức thành 2 đợt và thí sinh chỉ cần làm 1 bài thi duy nhất. Đợt 1 dự kiến vào ngày 27-3-2022 và đợt 2 vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7-2022. Từ năm 2022, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước tham gia. Kết quả kỳ thi là một trong số các phương thức xét tuyển vào trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM và các trường ĐH, CĐ khác. 

Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó trưởng Ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho biết, tính đến nay đã có 30 trường ĐH chính thức đăng ký sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để xét tuyển năm 2022. Trung tâm sẽ kết hợp với nhiều trường ĐH trong cả nước tổ chức kỳ thi trên diện rộng với nhiều điểm thi ở Hà Nội, các tỉnh, thành phố phía Bắc, Bắc Trung bộ, Đà Nẵng và TPHCM. Theo ông Nguyễn Tiến Thảo, kỳ thi năm 2022 sẽ tiếp tục ứng dụng kỹ thuật kiểm tra đánh giá hiện đại và tối ưu hóa quá trình tổ chức thi trên máy tính, bổ sung 20% câu hỏi mới vào ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thi chuyên nghiệp. 

Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy có yếu tố phân loại cao hơn, nhiều thách thức hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện đã có 8 trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 để xét tuyển. Theo PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bài thi tổ hợp diễn ra trong 270 phút, gồm 3 phần: phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Kỳ thi sẽ tổ chức thi thử vào 2 đợt. 

Điều chỉnh chỉ tiêu ở các phương thức

Cùng với việc đăng ký sử dụng kết quả các kỳ thi riêng, trong cơ cấu chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển của nhiều trường cũng thay đổi. Theo PGS-TS Vũ Duy Hải, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm khác biệt lớn nhất thí sinh cần nắm rõ là kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 được dùng cho một phương thức xét riêng và tăng chỉ tiêu, chiếm đến 60-70% trong tổng số 7.500 chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Ngược lại, chỉ tiêu dành cho phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm xuống chỉ còn từ 10-20% (năm 2021 là 40-50%). 

Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, năm 2022, trường điều chỉnh chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển. Trong đó, dành đến 70% chỉ tiêu (nhiều hơn năm 2021 từ 10-20%) xét kết quả thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Trường cũng tăng chỉ tiêu ở phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và quy định của ĐH Quốc gia TPHCM từ 1-5%, phương thức xét tuyển thí sinh người nước ngoài 3% (năm 2021 chỉ 1%). Ngoài ra, trường dự kiến mở một số ngành, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội, như: Công nghệ điện tử và Tin học (ngành thử nghiệm), Kỹ thuật máy tính, Quản lý tài nguyên và môi trường. 

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), chia sẻ, trường giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2021. Điểm mới nhất trong năm 2022 là dự kiến bổ sung thêm phương thức tuyển sinh mới xét kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn. Trường ĐH Giao thông Vận tải sẽ duy trì 4 phương thức tuyển sinh như năm trước, gồm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT (40-50%), xét điểm học bạ THPT (20-30%), tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1-2%), xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5-10%)… 

Theo đại diện nhiều trường ĐH, CĐ, đến cuối tháng 12-2021, các trường sẽ hoàn tất công bố đề án tuyển sinh năm 2022. Với nhiều sự điều chỉnh, thí sinh cần nắm rõ, đặc biệt là chỉ tiêu thay đổi ở từng phương thức xét tuyển, để có sự chuẩn bị và tính toán. Với các kỳ thi riêng như thi ĐGNL, thi đánh giá tư duy, thi năng khiếu ở các ngành nghệ thuật, sư phạm… được mở rộng cả về địa điểm và số lần thi, thí sinh cân nhắc để đăng ký thi nhằm tăng thêm cơ hội xét tuyển trong năm 2022.

(Theo www.sggp.org.vn)

.
.
.