Thứ Ba, 04/01/2022, 07:50 (GMT+7)
.

Đảm bảo các điều kiện mở cửa lại trường học

Vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế…  là những việc làm mà các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khẩn trương thực hiện trong suốt những ngày qua để đón học sinh (HS) trở lại trường. Bên cạnh đó, các trường đã nỗ lực tư vấn, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận từ phụ huynh khi cho HS đi học trực tiếp.

NỖ LỰC CỦA CÁC TRƯỜNG

Do có kinh nghiệm trong nhiều lần ứng phó với dịch Covid-19, nên khi có chủ trương cho HS đi học trở lại, 119/123 trường THCS và 37/38 trường THPT đã nỗ lực thực hiện tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm an toàn cho HS. Cô Nguyễn Thị Thu Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo cho biết, sau khi có kế hoạch đi học trở lại, trường đã huy động cán bộ, giáo viên và nhân viên dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp; đồng thời, tiến hành lắp màn hình tivi, các thiết bị kết nối trực tuyến với HS ở nhà.

Trường THCS Bình Phục Nhứt trang thiết bị máy móc phục vụ cho dạy học trực tiếp.
Trường THCS Bình Phục Nhứt trang thiết bị máy móc phục vụ cho dạy học trực tiếp.

Theo cô Vân, việc HS khối 9 được đi học trở lại là rất phấn khởi, nhưng vẫn có những khó khăn cho một số giáo viên bộ môn. Bởi một giáo viên bộ môn không chỉ dạy khối 9, mà còn dạy khối lớp khác, chính vì vậy sau khi kết thúc giờ dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên phải tiếp tục giờ dạy trực tuyến. “Chủ động trước tình huống khó khăn này, nhà trường đã bố trí phòng máy dạy trực tuyến cho giáo viên. Ngay sau khi hết tiết dạy trực tiếp ở lớp 9, giáo viên có thể đến phòng máy ở trường để tiếp tục dạy trực tuyến các khối 6, 7 hoặc 8 mà không phải chạy về nhà, mất thời gian”.

Còn tại Trường THPT Nguyễn Văn Thìn (huyện Gò Công Tây) thực hiện hoàn tất các công việc và đã đón HS lớp 12 trở lại trường. Sau khi rà soát các tiêu chí, nhà trường đạt 95 điểm, tương ứng với  mức độ an toàn rất cao. Bên cạnh vệ sinh trường lớp sạch sẽ, trang bị thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nhà trường còn thận trọng phân luồng ngay từ cổng theo nguyên tắc một chiều, gồm luồng dành cho HS, khách ở cổng chính và luồng dành cho giáo viên ở cổng phụ để hạn chế tiếp xúc. Các lớp học đảm bảo phòng cách phòng, được vệ sinh khử khuẩn sạch sẽ sau mỗi giờ học.

LINH HOẠT XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG

Đón HS trở lại trường học trực tiếp trong tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng các trường THCS và THPT quyết tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho HS; trong đó chú trọng đến việc xây dựng phương án cụ thể để có thể dự báo và xử lý tốt các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, đặc biệt là nếu không may xảy ra F0 trong các cơ sở giáo dục.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chợ Gạo, toàn huyện có khoảng 2.500 HS khối 9, khi đi học trở lại các lớp được tách ra thành hai lớp học với sĩ số mỗi lớp không quá 24 HS. Đón HS đi học trở lại, phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, đặc biệt là phải có giải pháp ứng phó với tình huống F0 xảy ra trong trường học, để không gây hoang mang cho HS và giáo viên.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng cho biết, ngành Giáo dục cũng như ngành Y tế đã có hướng dẫn phương án xử lý khi phát hiện F0 trong trường học. Theo đó, khi có HS hay cán bộ, giáo viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở… phải đưa ngay đến phòng y tế theo một lối đi riêng để test kháng nguyên SARS-CoV-2 và cách ly tạm thời.

Nếu trường học xuất hiện ca dương tính Covid-19, việc đầu tiên trường cần làm là liên hệ với bộ phận y tế để có hướng dẫn xử lý chuyên môn y tế. Tiếp theo, nhà trường lập tức phong tỏa tạm thời theo phạm vi hẹp nhất có thể tùy theo mức độ di chuyển, tiếp xúc của ca bệnh, tiến hành phân luồng theo lối đi riêng đến phòng cách ly.

Bên cạnh đó, Tổ Covid trường học phối hợp y tế rà soát, điều tra quy mô, tính chất ổ dịch. Nếu F0 ở một lớp học sẽ xử lý quy mô của lớp học, F0 từ 2 lớp học trở lên trong cùng 1 tầng thì xử lý quy mô 1 tầng; nếu F0 từ 2 tầng trở lên và các tầng không có mối liên quan dịch tễ với nhau thì chỉ xử lý quy mô từng tầng; tuy nhiên nếu quy mô từ 2 tầng trở lên và có mối liên hệ dịch tễ với nhau thì xử lý theo quy mô toàn trường.

“Không phải khi xuất hiện F0 là chúng ta phải đóng cửa toàn bộ trường học, mà vấn đề cốt lõi ở đây là chúng ta thật sự bình tĩnh để xử lý, không gây hoang mang lo lắng, ưu tiên đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên, HS”, đồng chí Huỳnh Thị Phượng cho biết thêm.

TUYÊN TRUYỀN, TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN

Qua thăm dò ý kiến từ phụ huynh về việc HS đi học trở lại thì hiện tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho HS đi học trực tiếp ở một số trường vẫn chưa đạt 50%. Theo lãnh đạo ngành Giáo dục, sở dĩ vẫn còn nhiều phụ huynh mang nặng tâm lý khi cho con đi học trở lại chính là vì họ chưa được cung cấp đủ thông tin cụ thể về độ an toàn khi mở cửa trường học trở lại. Do đó, hơn bao giờ hết công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cho phụ huynh hiện nay là rất quan trọng.

Hiệu trưởng Trường THCS Bình Phục Nhứt Nguyễn Thị Thu Vân cho biết, để tạo được sự đồng thuận của phụ huynh cho HS đến trường thì ngoài việc tổ chức họp trực tuyến với cha mẹ học sinh để thông tin về việc mở cửa trường học trở lại, nhà trường còn phối hợp các đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức hoạt động dạy học linh hoạt trong tình hình mới; kịp thời chấn chỉnh những thông tin sai lệch gây tâm lý hoang mang trong đội ngũ giáo viên và HS.

Theo đồng chí Huỳnh Thị Phượng, sau khi mở cửa trường học, nếu tỷ lệ HS đi học vẫn chưa cao, thì các trường vẫn tiếp tục tư vấn, tuyên truyền thật tốt công tác chuẩn bị các biện pháp an toàn để tạo sự đồng thuận của phụ huynh cho con em đi học trực tiếp.

“Làm công tác tư vấn, tuyên truyền phải thật sự thuyết phục. Chúng ta phải nói làm sao cho phụ huynh biết được những việc chuẩn bị của nhà trường khi mở cửa trở lại và ngay cả phương án xử lý nếu F0 xảy ra trong trường học. Có tư vấn, truyền thông tốt thì mới tạo được sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình, HS với nhà trường và ngành Y tế khi cho HS đến lớp. Chúng ta cần xác định tuyên truyền, hướng dẫn HS các biện pháp phòng tránh dịch bệnh một cách tích cực, tránh gây hoang mang, lo lắng cho các em”, đồng chí Huỳnh Thị Phượng nhấn mạnh.

Thay vì hoang mang, lo lắng, phụ huynh cũng như HS cần bình tĩnh lắng nghe những hướng dẫn từ phía nhà trường để chuẩn bị hành trang thật tốt cho việc trở lại trường trong thời gian dài học trực tuyến.

Đ.PHI

.
.
Liên kết hữu ích
.