Thứ Năm, 20/01/2022, 13:41 (GMT+7)
.

Không thể trì hoãn việc đưa học sinh trở lại trường!

Các chuyên gia giáo dục, y tế đều đồng nhất quan điểm cần có lộ trình đưa học sinh, sinh viên sớm quay lại trường học. Ngành giáo dục cần tăng cường các hoạt động tư vấn tâm lý để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn tâm lý cũng như tư vấn phụ huynh đồng ý để học sinh đến trường.

Các chuyên gia cho rằng thời gian vừa qua, trẻ đã nghỉ học quá dài, cần phải được đến trường. Ảnh minh họa
Các chuyên gia cho rằng thời gian vừa qua, trẻ đã nghỉ học quá dài, cần phải được đến trường. Ảnh minh họa

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, COVID-19 sẽ dần dần như virus cộng sinh và cũng giống như những virus khác gây bệnh về hô hấp. Đặc biệt, ở trẻ em, hệ miễn dịch và sức đề kháng tốt nên đa số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, chúng ta cần chữa bệnh cho trẻ như chữa bệnh hô hấp bình thường.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, trẻ đã nghỉ học quá dài, cần phải được đến trường. Nếu không được đến trường, trẻ sẽ rất dễ mắc các bệnh về tâm thần. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, tại các nước như Mỹ, Anh, trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành, nhiều trẻ em cũng không được đến trường. Thống kê cho thấy, có tới 40% trẻ bị trầm cảm hoặc mắc các bệnh về tâm thần như lo âu,thậm chí có ý định tử tự…

"Khi quyết định vấn đề gì chúng ta phải cân bằng lợi ích và nguy cơ. Trong giai đoạn dịch hiện nay, nếu không cho trẻ đến trường thì nguy cơ trẻ mắc các bệnh trầm cảm hoặc mắc các bệnh về tâm thần như lo âu, trầm cảm, thậm chí có ý định tự tử… sẽ gia tăng", PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cũng cho rằng, nếu không được tới trường trong một thời gian dài, các em không chỉ bị thiếu kiến thức, mà còn có thể mắc các bệnh không lây nhiễm như trầm cảm, nghiện trò chơi điện tử… Trẻ phải có sự tương tác với bạn bè và thầy cô giáo thì mới phát triển cả thể chất và tinh thần.

Dẫn chứng về sức ảnh hưởng nặng nề của việc học sinh không được đến trường mà ở nhà học trực tuyến, PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tỉ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khoẻ tâm thần tăng vọt, chiếm 30% (theo thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khoẻ tâm thần).

Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM cho thấy, 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

PGS.TS. Phạm Mạnh Hà cho rằng cần có lộ trình đưa học sinh, sinh viên sớm quay lại trường học; cần triệt để đổi mới phương thức học tập từ 100% học trực tiếp hoặc 100% học online sang hình thức dạy học kết hợp.

Cùng với đó, cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động giáo dục, vừa bảo đảm các nội dung chuyên môn, đồng thời bảo đảm phòng, chống dịch; xây dựng các kịch bản trong trường hợp phát hiện các ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học tập.

Cuối cùng, xây dựng lại hệ thống kiểm tra, đánh giá để bảo đảm đánh giá đúng năng lực người học trong cả phương thức học trực tiếp, trực tuyến hay học tập kết hợp, tránh được gian lận trong thi cử và các hình thức biến tướng khác. Tăng cường các hoạt động dịch vụ tâm lý, công tác xã hội học đường để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn tâm lý, tư vấn phụ huynh đồng ý để học sinh đến trường.

Hiện nay, tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở nước ta đạt cao với trên 171,6 triệu liều đã được tiêm. Trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 đã được tiêm 14.877.978 liều, trong đó mũi 1 là 8.123.717 liều (tương đương 91,6%); mũi 2 là 6.745.261 liều (tương đương 76,1%). Đến nay, 37 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này.

Bên cạnh đó, về cơ bản, tuy các ca nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng thời gian qua gia tăng nhưng đa số đều có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng, đặc biệt trẻ em mắc bệnh, phần lớn là biểu hiện nhẹ, không có chuyển biến nặng.

Năng lực phòng, chống dịch của chúng ta cũng đã tốt hơn, đặc biệt, nhiều nhà trường cũng đã có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, các em học sinh cũng đã có kinh nghiệm phòng bệnh, ý thức phòng bệnh cũng đã tốt hơn nhiều.

Từ tất cả những yếu tố vừa phân tích phía trên, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, việc cho trẻ tới trường, đi học trực tiếp là rất cần thiết.

Cũng theo vị chuyên gia này, khi trẻ đi học trực tiếp vẫn cần phải thực hiện 5K, có thể trong lớp không cần thiết đeo khẩu trang nhưng cần hạn chế tiếp xúc với học sinh lớp khác, chỉ nên tương tác với học sinh và cô giáo trong lớp…

Đối với nhà trường, phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh an toàn cho học sinh và giáo viên. Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh an toàn trong các nhà trường, quy định khi nào thì trường có thể cho trẻ học trực tuyến, khi nào vừa trực tuyến vừa trực tiếp. Bộ Y tế cũng đã ra hướng dẫn định nghĩa mới về F1, nếu xảy ra ổ dịch ở một lớp mà không liên quan lớp khác thì chỉ cần lớp đó nghỉ học, không nhất thiết phải cả trường nghỉ học…

Đồng thời, các nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh, cơ quan y tế địa phương để hỗ trợ trẻ đi học an toàn.

Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT nhận định: Việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm "Sống chung với COVID". Ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học như khuyến cáo của Quỹ Nhi đồng Liên  Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông nhằm chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích ứng cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.

(Theo baochinhphu.vn)

.
.
.