Vị trí giáo dục nghề nghiệp trong đột phá chiến lược về nguồn nhân lực
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đẩy mạnh đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng chuẩn mực quốc tế; đào tạo nhân lực cho các ngành nghề mới, kỹ năng mới, ngành nghề 4.0.
Sinh viên khoa Động lục Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc trong giờ thực hành. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN) |
2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; năm đầu tiên thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, phát triển giáo dục nghề nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là với đợt bùng phát lần thứ tư đã làm cho thị trường lao động có nhiều biến động. Sản xuất bị đình trệ khiến lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập ngày càng tăng.
Lao động di chuyển về quê hàng loạt, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, hiện hữu nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực nhất là những tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm.
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vốn gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp đứng trước nguy cơ dừng hoạt động dạy, học, thực hành sản xuất, tốt nghiệp.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, ban hành các chính sách, đưa ra các giải pháp thiết thực góp phần ổn định thị trường lao động, chủ động cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; đảm bảo cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp được duy trì, kết nối với doanh nghiệp, thị trường lao động.
Với sự sáng tạo, đổi mới, linh hoạt, bằng các chính sách, giải pháp phù hợp hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, duy trì mọi hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả, tạo nên những hoạt động nổi bật.
Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam
Kỹ năng lao động luôn có vai trò rất quan trọng, góp phần tăng năng suất, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh công nghệ số, tự động hóa, toàn cầu hóa.
Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4-10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động, vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng.
Trong thư, Chủ tịch nước khẳng định "Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia".
Với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho nâng cao kỹ năng lao động. Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách, hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên.
Cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Giảng viên Khoa Cơ khí-Động lực, trường Cao đẳng Nghề Thái Bình truyền đạt kiến thức cho sinh viên trong giờ học. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN) |
Lan tỏa thông điệp từ lời kêu gọi của Chủ tịch nước đối với công tác phát triển kỹ năng lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã cụ thể hóa nội dung thư kêu gọi của Chủ tịch nước trong các hoạt động, chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch nước, nhằm ưu tiên nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách, hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên.
Linh hoạt, sáng tạo, thích ứng trong tuyển sinh, đào tạo
Hướng ứng lời kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã chỉ đạo hệ thống giáo dục nghề nghiệp chủ động, linh hoạt, sáng tạo, ứng phó với dịch bệnh.
Tổng cục cũng cho phép các trường điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tổ chức thi kiểm tra đánh giá bằng hình thức trực tuyến đối với những môn học, những nội dung phù hợp; duy trì gắn kết với doanh nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVI-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh đào tạo lao động có tay nghề đáp ứng chuẩn mực quốc tế; đào tạo nhân lực cho các ngành nghề mới, kỹ năng mới, ngành nghề 4.0.
Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, của công nghệ 4.0, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp.
Các diễn đàn trong nước và quốc tế với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng nội dung về chất lượng nguồn nhân lực luôn là vấn đề được thảo luận sâu sắc.
Với vai trò là cơ sở đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát huy nội lực chủ động triển khai các biện pháp duy trì hoạt động.
Ứng dụng công nghệ thông tin được các nhà trường áp dụng hiệu quả vào các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả, khai giảng, bế giảng năm học bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, và trực tuyến thông qua các nên tảng công nghệ thông tin, nền tảng xã hội…
Hoạt động dạy và học được duy trì thông qua việc chuyển đổi thích ứng với mô hình trường học an toàn, trường học “3 tại chỗ” được một số trường áp dụng hiệu quả, đảm bảo để người học có thể hoàn thành chương trình học tập, tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động.
Đào tạo thông qua thực tế, thực hành sản xuất sản phẩm đã thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tham gia phòng chống dịch.
Bằng năng lực, kiến thức các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khối ngành y dược đã cử hàng ngàn cán bộ quản lý, nhà giáo, sinh viên tham gia lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia làm khu cách ly, chế tạo, sản xuất các thiết bị, dụng cụ, đồ dùng y tế như: sản xuất buồng khử khuẩn, buồng lấy mẫu xét nghiệm an toàn, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn…
Các hoạt động cộng đồng, quyên góp Quỹ vaccine phòng COVID-19, ủng hộ người bị cách ly, người gặp khó khăn do dịch bệnh đã được hệ thống giáo dục nghề nghiệp chung tay, góp sức.
Bằng sự chủ động, linh hoạt, thích ứng, kết nối an toàn và quyết tâm cao của cả hệ thống, hoạt động giáo dục nghề nghiệp năm 2021 tiếp tục khẳng định thành công, hòa chung với nhịp sống của nền kinh tế - xã hội, góp phần vào việc cung ứng nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp và thị trường lao động.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động dạy-học nghề
Trước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp tích cực vào phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã chỉ đạo, triển khai các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thực hiện thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, đặc biệt là đảm bảo kết nối hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học.
Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp trong việc triển khai ứng dựng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Từ đầu năm, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã kết hợp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng, ban hành bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức về quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Thông qua hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp đã mời các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới tham gia tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp.
Các lớp tập huấn về nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tập trung chỉ đạo xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; ban hành Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; xây dựng, đưa vào hoạt động 18 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 liên thông với trục liên thông quốc gia; nâng cấp hệ điều hành điện tử của cơ quan Tổng cục, vận hành phần mềm kết nối chia sẻ dữ liệu giáo dục nghề nghiệp, và các phần mềm ứng dụng dạy và học đối với môn học chung, chương trình giáo dục giới tính và sức khỏe tình dục toàn diện cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thành tựu mới của công nghệ 4.0 thông qua các siêu máy tính, công nghệ điện toán đám mây, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai đồng bộ, an toàn bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến các hoạt động chuyên môn sâu như: Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2021, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021, Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp toàn quốc, Hoạt động xây dựng văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp và biểu dương mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu năm 2021…
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bằng sự chủ động đầu tư, nâng cấp, xây dựng các phần mềm quản lý, quản trị nhà trường, xây dựng nền tảng trực tuyến riêng phục vụ cho hoạt động dạy và học, xây dựng kho tài nguyên mở dùng chung, các nhà giáo đã sáng tạo xây dựng các học liệu số đưa vào bài giảng để nâng cao chất lượng dạy và học…
Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện từng bước chuyển đổi số, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tạo ra sự kết nối, gắn kết, duy trì mọi hoạt động, thể hiện cùng chung tay vượt qua đại dịch COVID-19.
Đây là điều có ý nghĩa quan trọng và khẳng định thành công bước đầu quá trình chuyển đổi số, thích ứng của giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới.
Hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược, quy hoạch, đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã đề ra định hướng: “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động. Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.”
Học sinh tham gia thực hành tại trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN phát) |
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tập thể cán bộ, công chức, người lao động của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia, cùng toàn hệ thống đã đoàn kết, tập trung trí lực để xây Chiến lược mới, những chương trình, đề án mới trình Bộ, trình Chính phủ với mục tiêu tạo nền tảng, động lực, nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, việc thu hút các nguồn lực đầu tư, học hỏi kinh nghiệp quốc tế là một kênh được chú trọng. Trong năm 2021, với trên 100 chương trình hội thảo, hội nghị quốc tế được tổ chức, đã thu hút được nhiều dự án, tăng thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp từ các nước phát triển...
Với nền tảng mới, nguồn lực mới là những yếu tố quan trọng thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp thực hiện sứ mạng góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn; phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực vào năm 2030, bắt kịp trình độ các nước tiên tiến vào năm 2045.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp
Với sứ mạng là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, kể từ khi được thành lập tới nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động, hoạt động giáo dục nghề nghiệp có những chuyển biến tích cực về quy mô tuyển sinh, chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay với 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 409 trường cao đẳng, 442 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, với quy mô tuyển sinh trên 2,2 triệu người học mỗi năm.
Tuyển sinh giai đoạn 2016-2020 tăng hơn 21% so với giai đoạn 2011-2015; Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt trên 85%, một số ngành nghề đạt 100%, với mức thu nhập bình quân tăng cao.
Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao. Điều này đã được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ khẳng định giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến.
Ghi nhận những thành tích đó, năm 2021 Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất cho Tổng cục giáo dục nghề nghiệp vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2022, với sự quyết tâm, đồng lòng, với sức mạnh truyền thống, tin tưởng rằng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ đạt được những thành công mới, góp phần phát triển một Việt Nam phồn vinh và thịnh vượng.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/vi-tri-giao-duc-nghe-nghiep-trong-dot-pha-chien-luoc-ve-nguon-nhan-luc/766417.vnp)