Thứ Hai, 21/02/2022, 09:57 (GMT+7)
.
HỌC SINH MẦM NON, TIỂU HỌC, LỚP 6 TRỞ LẠI TRƯỜNG:

An toàn phòng dịch được đặt lên hàng đầu

Hôm nay (21-2), học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến trường học trực tiếp sau hơn 1 học kỳ học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thấu hiểu nỗi lo của phụ huynh trước việc học sinh đến trường chưa được tiêm vắc xin, các cơ sở giáo dục đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đảm bảo an toàn trong trường học, trong đó ưu tiên phòng, chống dịch lên hàng đầu.

TRƯỜNG, LỚP ĐÃ SẴN SÀNG

Trong tuần vừa qua, tại 11 huyện, thành, thị, các Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đồng loạt tổ chức cho giáo viên, học sinh tập dượt các phương án phòng, chống dịch, phổ biến quy chế cho học sinh, họp phụ huynh… để sẵn sàng đón học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6 trở lại trường.

Trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm diễn tập đưa trẻ đến trường.
Trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm diễn tập đưa trẻ đến trường.

Theo đó, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP. Mỹ Tho) đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp liên tục trong nhiều ngày qua; đồng thời, tổ chức diễn tập các phương án đón học sinh trở lại trường, bao gồm: Giáo viên điều tiết giao thông trước cổng trường; hướng dẫn học sinh đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn; đón và hướng dẫn học sinh các hoạt động tại lớp, tổ chức giờ chơi; cách xử lý khi có F0 tại trường học; hướng dẫn học sinh ra về trật tự, an toàn...

Thầy Phan Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết: “Nhà trường cũng đưa ra các trường hợp giả định, chẳng hạn như với trường hợp học sinh có dấu hiệu bất thường ngay từ cổng trường sẽ được đưa vào phòng cách ly, để nhân viên y tế kiểm tra, sàng lọc.

Trong quá trình học, học sinh thuộc đối tượng nghi nhiễm hoặc nhiễm sẽ được phân luồng đưa tới phòng cách ly, nhân viên y tế sẽ kiểm tra, sàng lọc; đồng thời, nhà trường sẽ báo cho người thân và cơ sở y tế địa phương để phối hợp xử trí theo đúng quy trình của phương án đã phê duyệt”.

Trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm (TP. Mỹ Tho) cũng đã sẵn sàng các điều kiện đón trẻ đến trường. Cô Văn Thị Kim Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, những ngày qua, các cô của trường đã tất bật chuẩn bị dọn dẹp vệ sinh, trang trí lớp, tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch, bố trí, phân luồng khu vực đón trẻ, trả trẻ để tránh việc tập trung đông người.

“Hiện tại, các cô giáo của trường vừa vui mừng, vừa hồi hộp chờ đến ngày được dắt tay trẻ vào lớp. Do đặc thù bậc học mầm non, trẻ đến trường sẽ tháo khẩu trang nên các cô sẽ là người hướng dẫn, giáo dục trẻ thực hiện các biện pháp phòng dịch”, cô Nguyên nói.

Theo lãnh đạo của nhiều trường học, đặc biệt là khối tiểu học và mầm non ngoài việc khử khuẩn, vệ sinh, diễn tập các phương án phòng, chống dịch, xử lý ca nghi nhiễm… ổn định nền nếp, thì các trường sẽ nhanh chóng tiến hành các hoạt động bán trú để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh và học sinh.

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG

Theo thống kê thăm dò ý kiến sơ bộ của ngành GD-ĐT tỉnh cho thấy, ở mỗi bậc học có khoảng 70% - 80% phụ huynh đồng ý cho trẻ, học sinh đến trường học trực tiếp từ ngày 21-2. Toàn tỉnh hiện có trên 52 ngàn trẻ mầm non ở các độ tuổi, trên 137 ngàn học sinh ở bậc tiểu học và trên 15 ngàn học sinh lớp 6.

Theo Hiệu trưởng của nhiều trường tiểu học, trong tuần đầu tiên trở lại trường học, các trường không tổ chức ngay các hoạt động học tập, mà học sinh sẽ được giáo viên hướng dẫn các kỹ năng cần thiết ở trường học để các em có thể thích nghi với trường lớp, thầy cô và bạn bè sau thời gian dài học trực tuyến.

Cô Tô Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho) cho biết: “Trong tuần đầu học sinh trở lại trường, nhà trường sẽ dành cho các hoạt động ổn định nền nếp, hướng dẫn học sinh những kỹ năng phòng, chống dịch như mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, không đùa giỡn,… Đặc biệt với học sinh lớp 1, các em sẽ được làm quen với thầy cô, bạn bè và cách học mới. Sau đó, trường sẽ tổ chức các hoạt động củng cố kiến thức, phân loại học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp, giúp các em theo kịp chương trình học”.

Còn với bậc học mầm non, đặc biệt là đối với trẻ 5 tuổi, trong thời gian còn lại của học kỳ II, năm học 2021 - 2022, các trường sẽ tập trung bồi dưỡng, xây dựng cho trẻ các kỹ năng cần thiết, làm hành trang vững chắc cho trẻ vào tiểu học.

Cô Nguyễn Thị Thùy Lan , Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Mỹ Tho) cho biết: “Khác với các bậc học khác, trẻ mầm non vừa học, vừa chơi. Do đó, trong thời gian còn lại của năm học, giáo viên sẽ cố gắng củng cố, tạo dựng kỹ năng cho trẻ. Và một trong những kỹ năng cần thiết trong giai đoạn hiện nay đó là giáo dục trẻ kỹ năng bảo vệ sức khỏe, phòng dịch Covid-19 như không đưa tay lên mũi, miệng, biết rửa tay đúng cách, rửa tay khi đi vệ sinh và biết thông báo cho người lớn khi có các biểu hiện về sức khỏe như nóng, đau họng…”.  

HƯỚNG ĐẾN “GIA ĐÌNH XANH - TRƯỜNG HỌC XANH”

So với các lần đến trường khác, hơn bao giờ hết, phụ huynh sẽ vô cùng lo lắng, không an tâm khi trẻ, học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học và trẻ mầm non còn quá nhỏ mà vẫn chưa được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm vì các trường đã chuẩn bị rất chu đáo, nghiêm túc những điều kiện dạy học trực tiếp; đặc biệt nếu tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch thì tỷ lệ lây nhiễm trong các trường học là rất thấp.

Theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, qua kinh nghiệm của nhiều lần tổ chức cho học sinh đến trường, có thể thấy để trường học thật sự an toàn thì vai trò phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh là rất quan trọng. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho rằng: “Nếu nhà trường và gia đình có sự phối hợp tốt thì chúng ta sẽ tạo ra rất nhiều “gia đình xanh” và “trường học xanh”, khi đó việc đến trường của học sinh sẽ vô cùng thuận lợi.

Việc tạo ra nhiều “gia đình xanh” và “trường học xanh là không quá khó. Theo đó, trước khi đến trường, phụ huynh cần quan tâm kiểm tra sức khỏe của con em mình. Nếu có bất kỳ biểu hiện sốt, ho, khó thở… nghi vấn nhiễm bệnh, thì phụ huynh không nên cho con đến trường và báo ngay với trường.

Còn khi đến trường, học sinh cần mang khẩu trang, rửa tay, kiểm tra thân nhiệt khi vào trường, giữ khoảng cách khi giao tiếp với bạn bè và thầy cô. Nếu có các biểu hiện về sức khỏe thì nhà trường cần thông báo với phụ huynh cũng như cơ sở y tế địa phương để phối hợp xử trí”.

Với mục tiêu không để bất kỳ học sinh nào bị bỏ lại phía sau, đối với những học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện để các em có thể tham gia học tập như học trực tuyến, học qua truyền hình, giao nhiệm vụ học tập,… Trong quá trình học tập, học sinh có thể liên hệ với giáo viên để được giải đáp, hướng dẫn trả lời các bài học hay giải đáp các thắc mắc.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, với lộ trình, kịch bản phù hợp, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã từng bước mở cửa lại các trường học. Đây được xem là lần mở cửa cuối cùng, tuy nhiên vẫn còn khó khăn vì hầu hết trẻ dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, các trường đã có sự chuẩn bị rất chu đáo kịch bản, phương án diễn tập, xử trí các tình huống, chính vì vậy phụ huynh hoàn toàn an tâm cho học sinh đến trường.  

Tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng các điều kiện cũng như phương án đón học sinh trở lại trường. Hơn bao giờ hết, đi học trực tiếp trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Hy vọng toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà sẽ thực hiện đợt mở cửa trường học lần này an toàn, nghiêm túc, tạo được sự đồng thuận của phụ huynh.

Đ. PHI

.
.
.