Tiền Giang: Trẻ mầm non, học sinh tiểu học hân hoan trở lại trường
Nhờ thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sau 2 ngày tổ chức cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh các lớp 1, 2, 5 và 6 học trực tiếp, tỷ lệ học sinh các bậc học này ở Tiền Giang đến trường đạt khá cao, trên 75% đối với trẻ mầm non 5 tuổi và trên 95% học sinh tiểu học, lớp 6.
Học sinh Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân (TP. Mỹ Tho) đến trường học trực tiếp vào sáng ngày 21-2. |
Các trường học đang tiếp tục siết chặt các phương án phòng, chống dịch, đặc biệt là kịp thời xử trí tốt các tình huống khi có F0 xảy ra trong các cơ sở giáo dục.
AN TOÀN, NGHIÊM TÚC
Hiệu trưởng của nhiều trường tiểu học và mầm non cho rằng, thật sự các trường đã làm tốt công tác chuẩn bị, tuy nhiên cũng rất hồi hộp trong tổ chức cho trẻ và học sinh đến trường lần này vì đa phần các em vẫn chưa được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, qua 2 ngày trở lại trường, kết quả rất phấn khởi khi nhiều phụ huynh đã mạnh dạn cho con em đến trường học trực tiếp.
Từ sáng sớm của ngày đầu tiên trở lại trường, ngay tại cổng Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân (TP. Mỹ Tho), đã có nhiều phụ huynh đưa con đến trường. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường thông báo cho phụ huynh dừng xe và để con em trước cổng trường để giáo viên đưa vào, tránh tình trạng tụ tập đông người. Thầy Lê Văn Triêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong thời gian đầu, trường sẽ bố trí học sinh lớp 1 học buổi sáng; còn học sinh khối lớp 2 và 5 học buổi chiều. Đối với học sinh lớp 1, sẽ được giáo viên ra tận cổng trường đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và hướng dẫn các em vào lớp học”.
"Cho đến nay, qua 4 đợt mở cửa trường học, toàn tỉnh Tiền Giang có 532 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THPT đã trở lại hoạt động bình thường. Đây thật sự là sự cố gắng rất lớn của toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và hơn bao giờ hết đó là niềm tin, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân". TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT
|
Còn tại Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Mỹ Tho), tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt trên 70% ngay trong buổi đầu tiên học trực tiếp. Để tạo không khí vui tươi, nhà trường đã bố trí các chú gấu ngộ nghĩnh, bong bóng… chào đón trẻ quay trở lại trường.
Theo cô Nguyễn Thị Thùy Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, bên cạnh rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, phụ huynh sẽ tiến hành khai báo y tế khi đưa con đến trường. Nhìn chung, do trẻ 5 tuổi nên cũng không quấy khóc. Mặt khác, trong thời gian trẻ nghỉ ở nhà, các giáo viên có làm những clip hướng dẫn các em rửa tay, thực hiện những kỹ năng cần thiết trong mùa dịch. Vì vậy, ngày đầu tiên đi học trở lại, trẻ không bỡ ngỡ mà rất vui vẻ.
Huyện Cai Lậy là địa phương có tỷ lệ trẻ mầm non đến trường khá cao, trên 88% và trên 96% học sinh tiểu học các khối lớp 1, 2, 5 đã đến trường trong ngày đầu tiên. Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Cai Lậy Huỳnh Văn Chẳng cho biết: “Chúng tôi đã quán triệt và căn dặn rất kỹ lưỡng các trường học là bên cạnh thực hiện tốt các khâu phòng, chống dịch thì cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe của các em tại trường cũng như tại nhà để kịp thời xử trí các tình huống, tránh tình trạng bị động, lúng túng”.
TẬP TRUNG CỦNG CỐ KIẾN THỨC
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Được mở cửa trường học, được tổ chức dạy học trực tiếp thật sự là niềm vui, hạnh phúc, nhưng đó cũng là trọng trách lớn lao của mỗi thầy cô. Chúng ta phải thật sự cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ còn lại của năm học 2021 - 2022. Trong thời gian đầu khi trở lại trường, giáo viên cần dành thời gian hướng dẫn cho học sinh các thói quen phòng dịch tại trường học; xây dựng nền nếp học tập, tổ chức ôn tập, hệ thống lại kiến thức cho học sinh, đặc biệt là đối với các em học sinh lớp 1, 2 trên tinh thần nhẹ nhàng, tạo không khí vui tươi, hứng thú học tập cho các em”.
Chiều ngày 21-2, Sở GD-ĐT đã tổ chức buổi tập huấn trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp. Tại buổi tập huấn, đại biểu được nghe các báo cáo viên ngành Y tế tỉnh hướng dẫn các nội dung, gồm: Hướng dẫn trẻ, học sinh vào trường, vào lớp học, quá trình học tập tại các lớp học và ra về đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn xử trí khi phát hiện học sinh mắc Covid-19 tại trường học; xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết và tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp. |
Theo lãnh đạo các trường học, đặc biệt là các trường tiểu học, trong thời gian dài học trực tuyến, thực tế vẫn còn nhiều học sinh bị hổng kiến thức, không ít học sinh lớp 1 vẫn chưa biết đọc, biết viết.
Cô Tô Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường THPT Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho) cho rằng, giải pháp hiện nay để củng cố kiến thức cho học sinh là các trường nên tập trung phân nhóm, củng cố lại các nội dung tập đọc, tập viết cho các em lớp 1, lớp 2 với phương châm học tới đâu chắc tới đó, không nên chạy theo chương trình; đồng thời, giúp các em nắm chắc kiến thức căn bản để có thể tiếp tục học ở các bậc học tiếp theo.
Tiến sĩ Lê Quang Trí cho biết, ngày 24-2 tới đây, học sinh khối lớp 3, 4 và trẻ mầm non dưới 5 tuổi sẽ tiếp tục đến trường. Với công tác phòng dịch Covid-19, các trường không được chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, sợ hãi mà phải hết sức bình tĩnh. Đặc biệt chú ý đến công tác phòng, chống dịch bệnh với học sinh tiểu học, trẻ mầm non, các nhóm trẻ tư thục, bởi các em chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 và ý thức, kỹ năng phòng bệnh của các em chưa cao. Do đó, các trường phải thường xuyên nhắc nhở, giáo dục các em những kỹ năng phòng, chống dịch bệnh.
ĐỖ PHI