Thứ Tư, 16/03/2022, 18:07 (GMT+7)
.

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam là Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023

Chiều 16-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chính thức tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Lễ tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Lễ tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023.

Lễ tiếp nhận có sự tham dự và chứng kiến của Tổng Thư ký ASEAN và các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế

Trước đó, vai trò Chủ tịch kênh Giáo dục ASEAN do Bộ Giáo dục Philippines đảm nhiệm.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chúc mừng Bộ Giáo dục Philippines, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Magtolis Briones, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN năm 2020 và 2021. Đây là một giai đoạn rất khó khăn do những tác động của Covid-19 gây ra. Vì vậy, những kết quả mà Bộ Giáo dục Philippines đạt được càng cần được ghi nhận và đánh giá cao.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tham dự buổi lễ.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tham dự buổi lễ.

Theo Bộ trưởng, trong hai năm qua, giáo dục đã phải chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19. Chúng ta đã cùng trải qua những khó khăn tương tự, như việc phải đóng cửa trường học; những khó khăn khi thực hiện dạy và học hoàn toàn trực tuyến và qua truyền hình; những vấn đề về sức khỏe và sự an toàn của học sinh phát sinh khi không được đến trường một thời gian dài; nguy cơ việc hổng kiến thức, kỹ năng của học sinh và việc bảo đảm an toàn cho học sinh quay trở lại trường học khi tình hình cho phép.

Dù khó khăn là vậy, thời gian qua, chúng ta đã cố gắng vượt qua những “cú sốc” chưa từng có tiền lệ đối với giáo dục, để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của đại dịch. Tiếp nối những nỗ lực đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam kêu gọi các nước trong khu vực tiếp tục tiếp tục chung tay để tái thiết giáo dục, gia tăng khả năng chống chịu của hệ thống giáo dục ASEAN trong bối cảnh mới.

Giai đoạn chuyển giao giữa trạng thái “giáo dục ứng phó với đại dịch Covid-19” sang trạng thái “giáo dục thích nghi với đại dịch Covid”, yêu cầu người học, nhà trường và phụ huynh phải sẵn sàng thích nghi với mọi hình thức học tập bao gồm trực tiếp, trực tuyến hay kết hợp cả hai. Bộ trưởng cho rằng, trong giai đoạn này sẽ có những ưu tiên cấp thiết nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục linh hoạt hơn để có thể chống chọi và tự phục hồi với những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Những ưu tiên này có thể kể đến như: Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vinh dự tiếp nhận nhiệm vụ Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023 trong bối cảnh mới. Như các báo cáo phân tích giáo dục thường đề cập: “giáo dục cần dựa trên những nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết”, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

(Theo giaoducthoidai.vn)


 

.
.
.