Thứ Hai, 28/03/2022, 18:11 (GMT+7)
.

Đổi mới thi và tuyển sinh đại học - Bài 1: Loay hoay với phương thức tổ chức

LTS: Trong hơn 20 năm qua, ngành giáo dục có nhiều nỗ lực đổi mới kỳ thi và tuyển sinh đại học, đã có những chuyển biến tích cực, song còn đó nhiều vấn đề chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Nếu vấn đề đổi mới, nói đúng hơn là cải tiến, được hoạch định một cách bài bản, dài hơi và tầm nhìn xa hơn thì chắc rằng sẽ không vấp phải những sự cố đáng tiếc. Trong bối cảnh hiện nay, khi chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai đồng bộ trên cả nước, tất cả sự kỳ vọng về những điều đổi thay tương xứng cho kỳ tuyển sinh tiếp tục đặt lên vai Bộ GD-ĐT.  

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trúng tuyển năm 2021 bổ sung hồ sơ khi đi học tập trung từ ngày 14-2 .
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM trúng tuyển năm 2021 bổ sung hồ sơ khi đi học tập trung từ ngày 14-2 .

Nếu lấy mốc thời gian từ năm 2002, khi Bộ GD-ĐT chính thức chủ trì kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) “3 chung” (chung đợt thi, chung đề thi, chung kết quả thi) thì đến nay đã tròn 20 năm thực hiện đổi mới thi và tuyển sinh ĐH. Có 3 lần thay đổi lớn cho việc thi cử, nhưng ở mỗi lần thay đổi luôn xảy ra sự cố, để lại những bài học đắt giá. Dường như giữa mục tiêu đặt ra và cách thực hiện có độ vênh nhất định.  

3 lần thay đổi lớn

Là người theo suốt quá trình tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: Dù chỉ là một khâu ban đầu của quá trình đào tạo, nhưng tuyển sinh luôn là vấn đề sống còn của trường ĐH. Trước năm 2002, dù vẫn có 3 đợt thi, nhưng các trường ĐH, CĐ tự tổ chức thi, tự ra đề và tự xét tuyển. Đề thi không thống nhất nên điểm thi và điểm trúng tuyển của các trường rất khác nhau, và thí sinh không thể dùng điểm thi của trường này để xét tuyển sang trường khác, nếu không trúng tuyển. Trong giai đoạn này, ĐH Quốc gia TPHCM và một số ĐH lớn khác cũng đã tổ chức ra đề thi, chấm thi cho nhiều trường ĐH, CĐ tại TPHCM và một số tỉnh lân cận.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ “3 chung” kéo dài được 13 năm, từ năm 2002-2014. Nền tảng của kỳ thi “3 chung” dựa trên trụ cột là chung đề thi. Trong giai đoạn này đã hình thành một nhóm những trường ĐH không tổ chức thi, thường là các trường ĐH tư  và một số trường ĐH địa phương, và họ dùng kết quả thí sinh rớt từ các trường ĐH tổ chức thi. Nhiều trường ĐH lớn trở thành các trung tâm in sao đề thi như ĐH Quốc gia TPHCM, trong suốt 13 năm thi “3 chung”, trung bình mỗi năm Trung tâm In sao đề thi của đại học này đảm nhận in sao đề cho khoảng 300.000 lượt thí sinh, có năm đến gần 500.000 lượt thí sinh.

Điểm đen nhất trong lịch sử thi cử của nước nhà chính là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 khi 11 cán bộ ngành giáo dục của 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vướng vòng lao lý vì liên quan đến việc gian lận, chỉnh sửa, nâng điểm thi cho 347 bài thi. Có những thí sinh điểm được nâng lên từ 26,8-29,95 điểm so với điểm thực tế.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, kể lại: “Năm 2015 có một dấu ấn lớn trong lịch sử thi cử và tuyển sinh, khi lần đầu tiên 2 kỳ thi song hành hàng chục năm trước là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ “3 chung” được thống nhất thành một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, hay còn gọi là kỳ thi “2 trong 1” - vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp và dùng kết quả để xét tuyển ĐH, CĐ. Với sự thống nhất này, 2 khâu thi và khâu tuyển được tách riêng. Tuy nhiên, bản thân kỳ thi này cũng được tiếp tục đổi mới trong khâu tổ chức”.

Giai đoạn 2015-2016, kỳ thi này do các trường ĐH, CĐ tổ chức. Các trường ĐH, CĐ trên cả nước chủ yếu dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để thực hiện công tác xét tuyển. Giai đoạn 2017-2019 tương tự giai đoạn 2015-2016, tuy nhiên công tác tổ chức kỳ thi được giao cho địa phương thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia lại được đổi thành kỳ thi THPT với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Công tác tổ chức thi vẫn do các địa phương thực hiện.

Liên tiếp gặp sự cố  

Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Chuyên viên tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, nhớ lại: “Kỳ thi “3 chung” là một áp lực kinh khủng với thí sinh cũng như các trường và TPHCM thời điểm ấy. Hồi đó, cứ đến tháng 3 là thí sinh tự do (thí sinh rớt ĐH những năm trước) làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH và nộp tại phòng tuyển sinh do tôi phụ trách. Có thời điểm nhiều nhất, chúng tôi xử lý đến 80.000 hồ sơ của thí sinh (đến bây giờ hiện chỉ có TPHCM và Hà Nội mới có số lượng thí sinh bằng thời ấy). Đến gần ngày thi, khi TPHCM có hàng trăm ngàn thí sinh đến dự thi, tôi kiêm luôn trực đường dây nóng để xử lý những tình huống cấp bách cho thí sinh ở tỉnh lên dự thi. Còn trong những ngày thi, điện thoại của tôi muốn “cháy máy” khi phải trực và báo cáo các tình huống như kẹt xe thí sinh không đến được điểm thi, nhầm đề thi, xe vận chuyển đề thi gặp sự cố…”.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 3-2021.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 3-2021.

GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhận định: Kỳ thi tuyển sinh “3 chung” hạn chế được chuyện tiêu cực của giai đoạn trước đó là thầy ra đề thi lại tổ chức luyện thi, trung tâm luyện thi mọc lên như nấm. Ai luyện thi thì cơ hội đậu vào trường đó sẽ rất cao. Tuy nhiên, kỳ thi “3 chung” lại trở thành áp lực thi cử rất căng thẳng. Nếu tính cả kỳ thi tốt nghiệp thì thí sinh phải trải qua 4 kỳ thi để tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Không chỉ thí sinh áp lực, những thành phố lớn cũng bị áp lực kinh khủng về khâu tổ chức, khi có hàng trăm ngàn thí sinh đổ về dự thi, gây tốn kém cho cả thí sinh và xã hội.

Trong khi đó, Th.S Trần Văn Thanh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phan Thiết, nhìn nhận: Thời đó, các trường ĐH tư không tổ chức thi mà xét tuyển những thí sinh rớt ở các trường ĐH lớn. Các trường bị giới hạn ở khâu xét tuyển bởi điểm sàn (từ năm 2004, các khối A, B, C, D có điểm sàn thường ở mức 13-15 điểm). Tuy nhiên, hầu như trường nào cũng vơ vét, tuyển thí sinh dưới cả điểm sàn. Đó là chưa nói đến việc các trường ĐH địa phương, các trường ĐH tư vận dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh cộng điểm ưu tiên khu vực sai quy định rất nhiều. Thậm chí có trường tuyển vượt vài ngàn chỉ tiêu, rồi đem sinh viên qua cho các trường CĐ khác…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã trở thành một kỳ thi kỳ lạ nhất khi điểm thi nhiều môn thi cao bất ngờ so với năm 2020. Đơn cử như môn Tiếng Anh, từ chỗ đội sổ năm 2020 đã nhảy lên thành môn có số lượng điểm 10 nhiều nhất… Từ kết quả thi này đã dẫn đến mùa tuyển sinh ĐH năm 2021 có nhiều điểm nghịch lý, đó là điểm chuẩn vào nhiều trường cao chót vót, trong đó nhiều ngành có điểm chuẩn tăng đến 11 điểm, có ngành lấy điểm chuẩn trên 30 điểm, hàng trăm thí sinh dù đạt 29,5 điểm, 30 điểm vẫn không trúng tuyển. Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đã phải làm một việc chưa từng có tiền lệ là trao đổi với một số trường ĐH lớn để “cứu” các thí sinh có điểm từ 27 trở lên bị trượt. Động thái này của Bộ GD-ĐT nhận nhiều ý kiến phản ứng là sai Quy chế tuyển sinh.

 

Chưa xây dựng được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về giám sát kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018: Về đề thi, dù Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi dựa trên cơ sở ngân hàng đề thi được xây dựng “theo hướng chuẩn hóa”, mô phỏng quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới, tuy nhiên, trên thực tế, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi của bộ chưa đảm bảo các tiêu chí về chuẩn hóa (quy trình triển khai thực tế chưa được thẩm định, giám sát và đánh giá độc lập về tính khách quan, khoa học, khi đây là những yêu cầu với việc ra đề thi cấp quốc gia). Phần lớn ngân hàng câu hỏi dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường THPT trên cả nước, vì vậy, khó đáp ứng yêu cầu đặt ra, vì đây chưa phải là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa.

Việc thực hiện một kỳ thi chung với 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ là một việc rất khó đối với khâu biên soạn đề thi. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi đòi hỏi thời gian chuẩn bị công phu với các quy trình và nội dung chặt chẽ, căn cơ, nhưng việc thực hiện đã nóng vội. Các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ cho kỳ thi nhiều địa phương còn hạn chế, đặc biệt là phần mềm chấm thi trắc nghiệm có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng.

(Theo sggp.org.vn)
 

 

.
.
.