Thứ Tư, 30/03/2022, 09:22 (GMT+7)
.

Đổi mới thi và tuyển sinh đại học - Bài 3: Chiến lược đổi mới phải ở tầm quốc gia

Sau khi Báo SGGP khởi đăng loạt bài Đổi mới thi và tuyển sinh đại học (đăng các ngày 28 và 29-3), đã nhận được ý kiến phản hồi từ lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng như các chuyên gia quản lý giáo dục, chuyên gia tuyển sinh.

Thí sinh Trường THPT Minh Đức (quận Tân Phú, TPHCM) trước giờ thi đánh giá năng lực đợt 1 ngày 27-3.
Thí sinh Trường THPT Minh Đức (quận Tân Phú, TPHCM) trước giờ thi đánh giá năng lực đợt 1 ngày 27-3.

Theo các chuyên gia, công tác tổ chức thi, tuyển sinh ĐH cần được đối chiếu, so sánh với tư duy chiến lược và cách làm của các nước tiên tiến trên thế giới để có cái nhìn toàn diện, phạm vi rộng và chốt lại những gì phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Trả kỳ thi tốt nghiệp cho địa phương

Xu hướng hiện nay được các chuyên gia đưa ra là trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các địa phương tự tổ chức, không kéo các trường ĐH, CĐ tham gia. Việc xét tốt nghiệp và đo lường cải tiến phục vụ cho giáo dục THPT.

Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM) thẳng thắn, kỳ thi THPT sử dụng cho nhiều mục đích là quá khó. Cùng một lúc mà vừa đánh giá tốt nghiệp, vừa tuyển sinh cho các trường ĐH là thiếu khoa học. Về lâu dài, việc xét hay thi tốt nghiệp THPT nên giao về địa phương chủ trì và tổ chức đánh giá theo chuẩn đầu ra của chương trình. Trung tâm Khảo thí cấp quốc gia cần nhanh chóng triển khai để khâu đánh giá trở thành một dịch vụ cho các trường có thể sử dụng. Vấn đề này vừa phù hợp chủ trương về tự chủ trong công tác tuyển sinh của các trường, vừa đảm bảo chất lượng công tác đánh giá.

PGS-TS Nguyễn Phương Nga, Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới”, đề xuất 2 phương án đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT: (1) Các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh đã học xong chương trình và đạt các điều kiện của Bộ GD-ĐT; học sinh đã có giấy chứng nhận sẽ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Sở GD-ĐT; kỳ thi THPT được tổ chức 2-3 lần/năm, do Sở GD-ĐT tổ chức, thí sinh được chọn thời điểm thi. (2) Các trường THPT tổ chức thi tại chỗ cho những học sinh đã học xong chương trình THPT, theo các đề thi do trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT thiết kế; thời điểm thi do trường bố trí; học sinh đạt điểm theo quy định được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT và được đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia để được cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Về vấn đề tuyển sinh, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết, Bộ GD-ĐT chủ trương giữ ổn định phương án tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2022 và các năm tiếp theo. Bộ chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật thực hiện nhằm đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và các cơ sở đào tạo, đồng thời khắc phục một số bất cập vừa qua, nâng cao tính công bằng trong tuyển sinh. Các nội dung này đã được thảo luận và thống nhất trong hội nghị tổ chức gần đây và sẽ đưa vào Quy chế tuyển sinh sắp ban hành.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng từng bước nâng cấp hệ thống phần mềm để hỗ trợ thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển trực tuyến. Hệ thống này cũng sẽ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra và qua đó kịp thời điều chỉnh các khoảng trống (nếu có) trong văn bản quy phạm pháp luật và chấn chỉnh các cơ sở giáo dục ĐH không thực hiện đúng các quy định; xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Phải chuẩn bị kỹ

Dưới góc nhìn của chuyên gia khảo thí, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng, khi có chủ trương đổi mới và cải tiến việc thi cử, nhất thiết Bộ GD-ĐT phải có định hướng và lộ trình cụ thể. Việc đổi mới thi THPT và tuyển sinh ĐH ngành giáo dục trước hết cần được tiếp cận vấn đề này một cách nghiêm túc, có hệ thống và khoa học. Cần phân tích kinh nghiệm triển khai trong gần 20 năm qua (kỳ thi “3 chung”, kỳ thi “2 trong 1”), đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Song song đó, cần xác định rõ mô hình hệ thống, định hướng và lộ trình phát triển trước khi thực hiện cải tiến. Khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng mà đã xác định phát triển các trung tâm khảo thí độc lập là chưa đủ cơ sở. Đó là chưa nói, khi thực hiện phải tham khảo các mô hình ở các quốc gia trên thế giới để áp dụng với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Cũng theo TS Nguyễn Quốc Chính, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức trên phạm vi cả nước, mỗi năm ngót nghét 1 triệu thí sinh tham gia nên bằng mọi giá khi cải tiến, đổi mới phải tính toán đến quyền lợi của đối tượng này. Nếu làm vội vàng, chưa chuẩn bị kỹ thì hậu quả sẽ khó lường. Toàn ngành giáo dục cần nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện và hệ thống hơn. Rất nhiều vấn đề cần được làm rõ trước khi thực hiện đổi mới, ví dụ như: hệ thống khảo thí, đánh giá của Việt Nam sẽ có mô hình, cấu trúc như thế nào? Mô hình này có tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hay không? Cùng với đó là cơ chế, chính sách nào cần thực hiện để bảo đảm sự phát triển của các trung tâm này, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định các trung tâm ra sao?

Là người đồng hành cùng Bộ GD-ĐT trong suốt kỳ thi “3 chung” và “2 trong 1”, PGS-TS Đỗ Văn Xê, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nhìn nhận, cả xã hội đều mong muốn làm sao cho việc thi cử nhẹ nhàng, khách quan, công bằng và có kết quả đánh giá đúng. Lâu nay chúng ta quá xem nặng đầu vào khiến thi cử áp lực, tốn kém, căng thẳng, nhưng kết quả năm nào cũng có chuyện để nói. Trong khi đó, chất lượng đào tạo ĐH không phải quyết định ở đầu vào mà là cả quá trình đào tạo. Các nước trên thế giới từ rất lâu đã thông qua các trung tâm khảo thí để đánh giá kiến thức, sử dụng kết quả vào trường ĐH. Nếu Việt Nam thành lập được trung tâm khảo thí quốc gia, xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi đủ chuẩn để tổ chức thi thì quá tốt. Thời điểm này, việc đổi mới thi cử phải làm bài bản, khoa học chứ không thể vội vàng.

- TS HOÀNG NGỌC VINH, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia giai đoạn 2016-2021:

Xây dựng chính sách lập các trung tâm khảo thí độc lập

Để tháo gỡ bài toán thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào ĐH, Bộ GD-ĐT phải sớm xây dựng chính sách hình thành các trung tâm khảo thí độc lập. Trong bối cảnh dân số đông, xu hướng phân cấp cho địa phương và tự chủ giáo dục ĐH, nên giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo ngân hàng đề thi chuẩn. Địa phương chịu trách nhiệm chính đảm bảo chất lượng giáo dục, còn trường ĐH có thể lấy kết quả của kỳ thi ấy, hoặc tổ chức thi riêng theo đề thi chuẩn và kết hợp với hình thức tuyển khác cho phù hợp ngành học.

- Th.S HỨA MINH TUẤN, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM:

Triển khai ngân hàng đề thi quốc gia

Vấn đề thi cử là vấn đề rất phức tạp nên không thể làm cập rập như thời gian qua. Nỗ lực cải tiến của Bộ GD-ĐT từ “3 chung” (giai đoạn 2002-2014) và thi “2 trong 1” (từ năm 2015 đến nay) như Báo SGGP đã nhìn nhận là nỗ lực đáng ghi nhận của bộ. Tuy nhiên, cách làm thiếu tính chiến lược và dài hơi nên luôn vấp phải nhiều vấn đề. Vì vậy, hướng đổi mới sắp đến cần giải quyết những vấn đề sau: Thứ nhất, cần tách bạch giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, chứ không thể gộp chung như hiện nay; thứ hai, về tuyển sinh ĐH, do các trường không đủ lực để có thể làm đề thi cho khách quan nên hiện nay mới có các kỳ thi đánh giá năng lực (thậm chí nhiều trường đi xin đề của các trường khác để tổ chức), nhưng chưa thật sự đủ độ tin cậy và khoa học. Với tình hình trường tổ chức thi đánh giá năng lực kiểu này thì viễn cảnh ôn luyện và tiêu cực sẽ khó tránh khỏi.

Vì vậy, ý tưởng về trung tâm khảo thí quốc gia và ngân hàng đề thi quốc gia là điều mà tư lệnh ngành giáo dục phải bắt tay thực hiện. Khi tập trung làm ngân hàng đề thi, xây dựng trung tâm khảo thí phải có các chuyên gia, phải có tài chính và nhất thiết phải học hỏi kinh nghiệm của thế giới.

 

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.