Thứ Tư, 23/03/2022, 09:38 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm học đặc biệt

Cùng với các địa phương khác của cả nước, Tiền Giang đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 trong trường học. Với quyết tâm cao độ duy trì các hoạt động dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang phối hợp với các địa phương trong tỉnh đã có những điều chỉnh kế hoạch dạy và học trực tiếp theo hướng linh hoạt, an toàn và hiệu quả.

LINH HOẠT DẠY VÀ HỌC

Theo nhận định của ngành GD-ĐT Tiền Giang, qua 1 tháng đồng loạt mở cửa lại trường học, mặc dù tỷ lệ học sinh đến trường rất cao, nhưng cùng với đó là tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp trong trường học. Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay: “Mỗi ngày, Tiền Giang có khoảng 10.000 học sinh học trực tuyến, trong đó có các em bị nhiễm Covid-19, nhiều em bị bệnh thông thường hoặc vì một lý do nào đó không đến trường học trực tiếp, thậm chí có cả nguyên nhân do phụ huynh chưa an tâm cho con đi học trực tiếp”.

Tiến sĩ Lê Quang Trí thăm hỏi, động viên tình hình dạy học trực tiếp tại Trường Tiểu học Trung An, TP. Mỹ Tho.
Tiến sĩ Lê Quang Trí thăm hỏi, động viên tình hình dạy học trực tiếp tại Trường Tiểu học Trung An, TP. Mỹ Tho.

Theo thống kê bước đầu, qua gần 1 tháng tổ chức học trực tiếp, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 trong trường học, chiếm khoảng 30% số ca nhiễm mới trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết các ca nhiễm ở học sinh chủ yếu là nhẹ, có các biểu hiện thông thường như: Ho, sốt, nhức đầu; không có ca chuyển nặng.

Để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 trong trường học, duy trì các hoạt động dạy và học, ngành GD-ĐT Tiền Giang đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi trạng thái dạy học, tạo thuận lợi tối đa cho giáo viên và học sinh với mục tiêu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục nỗ lực tổ chức đồng thời 3 ba hình thức dạy học, đó là trực tiếp, trực tuyến hoàn toàn và lớp học “2 trong 1” (kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến) nhằm bảo đảm an toàn, giúp học sinh không bị gián đoạn việc học. 

Trong đó, lớp học “2 trong 1” là phương pháp dạy học được rất nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang áp dụng trong giai đoạn hiện nay. Theo Hiệu trưởng của các trường học, với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thích ứng với nhiều phương áp dạy học, trong đó có phương pháp lớp học “2 trong 1” sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Tiến sĩ Lê Quang Trí cho biết, hiện nay việc quyết định cho học sinh chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến tùy vào cấp độ dịch của mỗi phường, xã và do địa phương đó quyết định. Hằng tuần, thông qua việc tổ chức đánh giá “Mức độ an toàn” trường học sau khi có kết quả xếp loại cấp độ dịch của địa phương do ngành Y tế công bố thì những cơ sở giáo dục đạt “Mức độ an toàn rất cao” tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt. Còn với những cơ sở giáo dục không đạt “Mức độ an toàn rất cao”, thủ trưởng đơn vị làm tờ trình xin ý kiến Ban Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, thị xã, thành phố tạm dừng việc dạy học trực tiếp chuyển sang dạy học trực tuyến.

Trưởng phòng GD-ĐT TX. Cai Lậy Đoàn Thị Thủ cho biết, thị xã có 13 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 7 trường THCS và 5 trường tiểu học - THCS. Tính đến ngày 21-3, toàn thị xã có 78,3% học sinh đến trường học trực tiếp; 12 trường tiểu học và THCS đã linh hoạt chuyển đổi 34 lớp với 2.476 học sinh sang học trực tuyến. “Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, tôi nghĩ các nhà trường, học sinh và phụ huynh phải thích ứng để cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Chúng tôi tiếp tục kiểm tra, động viên và đôn đốc các trường thực hiện tốt công tác phòng dịch Covid-19 và đảm bảo chất lượng dạy học”, đồng chí Đoàn Thị Thủ cho biết.

Theo Sở GD-ĐT Tiền Giang, trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong trường học, Sở đã tăng cường các đoàn kiểm tra công tác đảm bảo phòng dịch trong trường học tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đoàn tập trung kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT, đặc biệt là bậc học mầm non và tiểu học, bởi trẻ ở các cơ sở giáo dục này hiện vẫn chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 nên khả năng lây nhiễm bệnh rất cao.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT chỉ đạo cho các Phòng GD-ĐT đẩy mạnh tuyên truyền đối với phụ huynh nhằm tạo sự đồng thuận về việc cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian tới, khi nguồn vắc xin được phân bổ.

Còn tại huyện Châu Thành, tỷ lệ học sinh đến trường thời gian gần đây có giảm do tình hình dịch bệnh trong trường học có nhiều diễn biến phức tạp, cụ thể bậc mầm non 55,96%, bậc tiểu học 76% và bậc THCS 86,76%.

Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng, đối với bậc mầm non, nếu phát hiện lớp nào có các trường hợp F0 sẽ tiến hành cho toàn bộ trẻ lớp đó cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Còn đối với khối phổ thông, đặc biệt là tiểu học khi có giáo viên chủ nhiệm là F0, không có giáo viên thay thế để giảng dạy thì lớp học đó chuyển sang học trực tuyến khi giáo viên đó đủ sức khỏe. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong trường học, huyện Gò Công Tây cũng đã cho toàn bộ học sinh mầm non trên địa bàn huyện nghỉ học trực tiếp từ ngày 21-3 cho đến khi có thông báo mới.

Đối với bậc THCS và THPT, do đặc thù của bậc trung học nên mỗi tiết học sẽ do một giáo viên đảm nhiệm. Khi có tình huống bất trắc xảy ra do dịch bệnh thì phải chuyển đổi hình thức dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến ở một hoặc một số lớp là cả vấn đề. Và một trong những khó khăn, thách thức đó là sắp xếp bố trí giáo viên, bố trí lớp học trực tiếp và trực tuyến sao cho thật hài hòa, đảm bảo an toàn, hiệu quả việc học của học sinh.

Linh hoạt, thích ứng an toàn, đảm bảo duy trì các hoạt động dạy và học là những gì đang diễn ra trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh hiện nay. Hơn bao giờ hết, các trường cần tiếp tục siết chặt những giải pháp phòng, chống dịch, tích cực tuyên truyền, phối hợp thật tốt giữa nhà trường và gia đình để toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

TẬN DỤNG TỐI ĐA “THỜI GIAN VÀNG”

Thời gian còn lại của năm học 2021 - 2022 không còn nhiều. Đây là năm học rất đặc biệt, bởi hầu hết thời gian của năm học đều bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành đang nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Giờ học trực tiếp kết nối trực tuyến với học sinh học tại nhà của Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho.
Giờ học trực tiếp kết nối trực tuyến với học sinh học tại nhà của Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho.

Hiện học sinh các bậc học của tỉnh đang chuẩn bị bước vào kỳ kiểm tra giữa học kỳ II. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay là học sinh cũng như phụ huynh cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà trường, đặc biệt là các biện pháp phòng dịch, trong đó có việc linh hoạt chuyển đổi các hình thức học tập. Về vấn đề thi cử, học sinh cũng không nên quá hoang mang, vì trên tinh thần chung đề thi trong các kỳ thi năm nay chủ yếu kiểm tra về mặt kiến thức, phù hợp với tình hình dịch bệnh, không đánh đố hay gây áp lực cho học sinh.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, với mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục, toàn ngành GD-ĐT đã cố gắng linh hoạt các giải pháp dạy và học ở từng thời điểm khác nhau. Từ nay đến hết năm học, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà đang quyết tâm, cố gắng thích ứng, linh hoạt để ứng phó kịp thời với dịch Covid-19.

Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện tốt nội dung chương trình theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT ngay từ đầu năm học, trong đó chú trọng tận dụng “thời gian vàng” (học sinh có thể đến trường học trực tiếp) để tổ chức dạy những nội dung trọng tâm, kiến thức nền tảng cũng như hệ thống, ôn tập các kiến thức căn bản, tránh việc học sinh bị hổng kiến thức. 

Thứ hai, các trường cần linh hoạt tổ chức các hình thức dạy và học, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc áp dụng các nền tảng công nghệ, linh hoạt kết hợp song song giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp. Thứ ba, các trường tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mà phải chủ động ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn phức tạp; tích cực tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh cũng như toàn xã hội tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cuối cùng, điều quan trọng từ đây đến cuối năm học là tiến hành rà soát tiến độ thực hiện các kế hoạch, chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm học 2022 - 2023.

P. CÔNG

.
.
.