.

Tổ chức thi và tuyển sinh năm 2022: Tăng thuận lợi cho thí sinh

Cập nhật: 14:58, 21/03/2022 (GMT+7)

Bộ GD-ĐT vừa công bố phương hướng tuyển sinh năm 2022 với một số điều chỉnh so với kỳ tuyển sinh năm trước. Để làm rõ hơn các vấn đề xung quanh phương hướng tuyển sinh năm 2022, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn.
 
- PHÓNG VIÊN: Thưa Thứ trưởng, những điều chỉnh mang tính kỹ thuật của phương hướng tuyển sinh năm 2022 hướng tới những mục tiêu nào?

Thứ trưởng HOÀNG MINH SƠN: Trên quan điểm tôn trọng quyền tự chủ của các trường đại học (ĐH) trong công tác tuyển sinh, bảo đảm độ tin cậy và công bằng cho thí sinh, sự phù hợp của các phương pháp xét tuyển thí sinh đối với các ngành đào tạo của từng trường, Bộ GD-ĐT đã thống nhất chủ trương sửa đổi quy chế tuyển sinh năm 2022 với các trường.

Việc sửa đổi theo hướng làm sao tăng thuận lợi cho thí sinh, bảo đảm độ phù hợp giữa phương thức xét tuyển của các trường và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Vì vậy, tuyển sinh năm nay dự kiến có một số điểm mới như: Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức cho thí sinh đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển và lọc ảo cho tất cả các phương thức xét tuyển vào các ngành của các trường. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Đợt đăng ký này có thể kéo dài và thí sinh đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Việc thay đổi này có thể tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành học, trường học; đồng thời giảm số lượng thí sinh ảo giữa các trường. Trong hệ thống đăng ký xét tuyển đó, Bộ GD-ĐT sẽ cập nhật, kết nối cơ sở dữ liệu ngành cũng như với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm thông tin của thí sinh được chính xác nhất, thuận tiện cho quá trình đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH. Điểm mới nữa là khi kết nối với hệ thống đó, chúng tôi sẽ cung cấp dữ liệu từ kết quả học tập phổ thông (học bạ) của thí sinh đến các trường ĐH có sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ, nhằm thuận tiện hơn cho các cơ sở đào tạo trong xét tuyển bằng phương thức này.

Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng thống nhất các trường sẽ phải cân nhắc kỹ việc điều chỉnh các chỉ tiêu, việc xác định các chỉ tiêu giữa phương thức cùng 1 ngành để bảo đảm công bằng giữa các phương thức tuyển sinh, tránh xảy ra hiện tượng không bình thường như năm 2021. Ví dụ có những ngành điểm trúng tuyển tăng vọt so với những năm trước, gây bức xúc và tạo sự bất bình đẳng giữa các thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển khác nhau. 

Cơ bản những điều chỉnh về tuyển sinh 2022 chỉ mang tính kỹ thuật, mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc dạy và học của các trường phổ thông cũng như thí sinh.

- Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào trước lo ngại nhiều trường ĐH đang chạy đua các phương thức xét tuyển để thu hút thí sinh?

Quan điểm chung của Bộ GD-ĐT là các trường tự chủ trong việc xác định các môn thi, tổ hợp, bài thi ra sao để bảo đảm tốt nhất yêu cầu chuyên môn của mình, dựa vào kinh nghiệm của các trường khác và kinh nghiệm của mình. Chắc chắn, thí sinh cùng xã hội sẽ nhìn nhận về quyết định của các trường đó với phương thức tuyển sinh của họ để có sự lựa chọn. Chúng ta đánh giá không chỉ nhìn vào môn thi mà còn phải nhìn vào quá trình đào tạo, chương trình đào tạo, quá trình học tập của thí sinh. 

- Tại hội nghị về tuyển sinh năm 2022 vừa qua, các trường ĐH đều đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng đề thi có tính phân hóa tốt để lựa chọn được thí sinh có năng lực vào ĐH. Ông nghĩ sao?

Tất cả chúng ta đều mong muốn có một kỳ thi với sự phân hóa, dù kỳ thi đó có phục vụ cho xét tuyển ĐH hay không. Qua các năm có thể thấy, các trường vẫn dựa nhiều vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển: tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn cao, trên 50%. Do đó, năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ nỗ lực cao nhất trong điều kiện có thể để có đề thi chất lượng tốt nhất.

- Bộ GD-ĐT có lường trước các tình huống để lên kịch bản cho công tác thi và xét tuyển năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp?

Chúng ta tin rằng, năm nay, mặc dù số thí sinh nhiễm bệnh có thể nhiều hơn, nhưng tình hình sẽ không căng thẳng như năm 2021, vì tỷ lệ bao phủ vaccine đã rất tốt. Chúng ta cũng đã có kinh nghiệm tổ chức thi, xét tuyển của năm 2021, nên Bộ GD-ĐT rất chủ động để xây dựng phương án cho năm 2022. Trong trường hợp cần thiết thì bộ sẽ cân nhắc tổ chức đợt thi thứ 2, tùy tình hình. Nhưng, với kinh nghiệm của năm 2021 và thực tiễn của năm 2022, Việt Nam đã mở cửa, thích ứng an toàn với dịch bệnh, do đó chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết thấu đáo cho học sinh.

(Theo www.sggp.org.vn)


 

.
.
.