Thứ Tư, 20/04/2022, 09:04 (GMT+7)
.

Anh hùng Lao động Lý Hòa và câu chuyện tự học trên giường bệnh

Từ kiến thức văn hóa trường làng, ông đã tự học nâng kiến thức tương đương lớp 10, rồi trở thành Giáo sư Vật lý. Đó là Anh hùng Lao động - Phó Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo Ưu tú Lý Hòa (xin được viết tắt thầy Lý Hòa). Năm nay đã 92 tuổi, nhưng thầy vẫn minh mẫn, khỏe mạnh.
 
Thầy Lý Hòa sinh năm 1930 tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho, nhưng sinh sống tại quê ngoại xã Thạnh Phú, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Thuở nhỏ, thầy học trường làng, sau học tại thị xã Mỹ Tho, vì gia cảnh khó khăn và tình hình xã hội bất ổn nên việc học dở dang.

5 NĂM ĐIỀU TRỊ, QUA 16 LẦN PHẪU THUẬT

Năm 1946, thầy tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào “Bình dân học vụ”, sau đó vào Đội Du kích xã Thạnh Phú. Giữa năm 1948, là chiến sĩ Đại đội 943, Tiểu đoàn 314, Liên Trung đoàn 105 - 120 của Khu Trung Nam bộ (Khu 8). Ngày 5-1-1949, được kết nạp vào Đảng. Năm 1952, làm Bí thư Chi bộ kiêm Xã đội trưởng Mỹ Long. Ngày 7-10-1953, thầy chỉ huy trận đánh chiếm bót Mỹ Long và bị thương khá nặng. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, thầy tập kết ra miền Bắc và tiếp tục điều trị vết thương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà thầy Lý Hòa nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2021. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà thầy Lý Hòa nhân dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2021. Ảnh: TTXVN

Sau 5 năm điều trị, qua 16 lần phẫu thuật, trong thời gian mổ và điều trị vết thương, thầy thầm nhủ mình không thể tiếp tục làm chiến sĩ giết giặc cứu nước thì sẽ làm “chiến sĩ trên giường bệnh” bằng cách học tập. Thầy tự đề ra giáo trình học, không thầy cô, không thi cử, mượn sách của những người vào thăm nuôi thương binh, nhờ y tá mua sách và tự học. Thế mạnh của thầy là các môn tự nhiên. Sau gần 20 tháng học tập trên giường bệnh, thầy đã nắm vững những kiến thức cơ bản của 4 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh đến lớp 10 (hệ 10 năm).

Đúng lúc buồn nản nhất, thầy tình cờ được “làm quen” Pavel Korchaghin qua quyển sách “Thép đã tôi thế đấy”, như được tiếp thêm nghị lực sống, vừa chiến đấu với thương tật, vừa lao vào học văn hóa...

Trong thời gian điều trị, tuy chưa lành bệnh, nhưng “ngán” nằm một chỗ, thầy xin xuất viện về Sư đoàn 338, xin cho phép đi liên hệ tìm việc làm ở nhiều nơi, nhưng ở đâu cũng bị từ chối vì đôi chân đi lại khó khăn. Thời gian này, thầy xin thi vào lớp 10 bổ túc văn hóa công nông, là 1 trong 8 thí sinh đạt điểm cao nhất. Trở về Sư đoàn để báo kết quả học tập và nộp giấy gọi nhập trường và được Sư đoàn cấp giấy chuyển ngành với giấy chứng nhận sức khỏe loại D cho thầy.

ĐỨNG TRÊN GIẢNG ĐƯỜNG ĐẠI HỌC

Sau khi học xong lớp 10, thầy quyết chí học lên đại học. Được bạn bè và các thầy tư vấn, thầy chọn thi Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hệ 4 năm, khóa 1959 - 1963. Sau 4 năm học vất vả, ngoài Bằng tốt nghiệp ngành Vật lý quang và quang phổ, thầy còn lấy được Bằng chuyên tu ngoại ngữ tiếng Nga, được Ban Giám hiệu nhà trường tuyển làm giảng viên chính thức của Khoa Vật lý - đó là niềm vinh dự hiếm có của một thương binh nặng được đứng trên bục giảng của một trường đại học lớn loại hàng đầu của nước ta lúc đó.

Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang thăm, chúc mừng  thầy Lý Hòa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020.
Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang thăm, chúc mừng thầy Lý Hòa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020.

Tháng 10-1965, thầy được Hiệu trưởng nhà trường cử đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô với đề tài quang phổ phân tử và được cử làm Phó Bí thư Đảng ủy lưu học sinh Việt Nam tại Leningrad (Liên Xô). Sau 3 năm miệt mài học tập, vượt qua khó khăn do vết thương nhiều lúc tái phát, tự nghiên cứu tại thành phố Leningrad, thầy trở về tiếp tục giảng dạy ở Khoa Vật Lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được cử làm Trưởng khoa.

Thầy đã soạn được 5 giáo trình chuyên ngành và có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đề tài “G-H” chống bom của Mỹ, phục vụ chiến đấu và đảm bảo giao thông ở miền Bắc. Từ thành công này, tập thể các nhà nghiên cứu đề tài được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, riêng thầy được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thầy được trở lại miền Nam và được phân công làm Phó ban Điều hành tiếp quản Trường Đại học Cần Thơ. Một thời gian sau, thầy được bổ nhiệm làm Phó ban kiêm phụ trách Trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Tiếp đó, thầy được đề bạt làm Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp
TP. Hồ Chí Minh (giai đoạn 1977 - 1990), Bí thư chuyên trách Đảng bộ Khối Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Mình (giai đoạn 1990 - 1997). Tháng 1-1998, thầy được nghỉ hưu trí.

Với những cống hiến nhiều năm liền ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Sài Gòn, hơn 13 năm liền là Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và cho ngành Giáo dục đại học của nước nhà, thầy được Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương Lao động và được Chủ tịch nước tuyên dương Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (tháng 7-1998). Năm 1980, thầy được Nhà nước phong Hàm Phó Giáo sư, năm 1990 được phong Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

HỒNG LÊ

.
.
Liên kết hữu ích
.