Thứ Hai, 11/04/2022, 10:07 (GMT+7)
.

Áp lực học tập - hồi chuông báo động

Thời gian gần đây, dư luận cả nước không khỏi bàng hoàng và xót xa khi liên tiếp xảy ra các vụ tự tử liên quan đến học sinh. Nguyên nhân xảy ra những vụ việc đau lòng chủ yếu là do các em phải chịu nhiều áp lực từ học tập cho đến gia đình. Đây thật sự là hồi chuông báo động đến các bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục, yêu thương con em mình.

TỪ NHÀ TRƯỜNG

Gần đây, dư luận cả nước bàng hoàng khi liên tiếp xảy ra các trường hợp trẻ em tự tử. Vào cuối tháng 3-2022, một nữ sinh lớp 9 đã tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội; tiếp theo là một nữ sinh lớp 8 ở tỉnh Bắc Ninh cũng đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà.

Mới đây nhất là vụ tự tử của nam sinh có tên L.N.N.M. (sinh năm 2006) học tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Điều đáng buồn ở đây là nguyên nhân dẫn đến các sự việc đau lòng trên chủ yếu do áp lực học tập, mà không ít phụ huynh phải giật mình với áp lực này của con mình là rất lớn.

Tiến sĩ Trần Quốc Phúc, Kỷ lục gia thế giới nói chuyện chuyên đề “Bí quyết đồng hành cùng con” tại huyện Gò Công Tây.
Tiến sĩ Trần Quốc Phúc, Kỷ lục gia thế giới nói chuyện chuyên đề “Bí quyết đồng hành cùng con” tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, ngụ phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, qua xem tivi, đọc báo liên quan đến các sự việc học sinh tự tử là quá đau lòng. Chính bản thân chị Tuyết cũng phải giật mình và thừa nhận rằng, không ở đâu trẻ em phải chịu áp lực học tập như ở nước ta.

“Nếu như ở giai đoạn trước của chúng tôi, việc học tập khá đơn giản, còn hiện nay không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh mệt mỏi, hốc hác của các em học sinh tranh thủ ăn, ngủ trên xe máy của cha mẹ để kịp giờ tới trường, tới các lớp học thêm”, chị Tuyết nói.

Thực tế hiện nay có nhiều nguyên nhân tạo nên áp lực học tập cho học sinh và việc tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 phải học trực tuyến trong thời gian dài cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Ở từng độ tuổi khác nhau trẻ sẽ có những tính cách cũng như đặc điểm tâm sinh lý khác nhau. Đặc biệt là ở độ tuổi vị thành niên, trẻ sẽ muốn khẳng định bản thân mình. Mặc dù trẻ phát triển về thể chất, nhưng kinh nghiệm, kỹ năng sống lại chưa có, trẻ dễ rơi vào cô độc, khủng hoảng tâm lý và bế tắc. Và để giải quyết những bức bách về tâm lý, không ít trẻ đã tự hủy hoại bản thân để chứng minh là mình đúng đối với người lớn và điều đáng buồn là không ít trẻ đã tìm đến giải pháp tự tử xem như là cách giải thoát. Theo các chuyên gia tâm lý, khi thấy trẻ có các dấu hiệu như mệt mỏi, ít giao tiếp, thu hẹp mình, hay cáu gắt, nóng tính… thì các bậc phụ huynh nhanh chóng đưa con đi bác sĩ tham vấn tâm lý.

Hiện nay, có một thực tế không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà nó đã len lỏi ở các vùng quê, đó là thực trạng phụ huynh bằng mọi cách cho con học bán trú để yên tâm công tác. Giờ học ở các cơ sở giáo dục thường bắt đầu từ rất sớm, khoảng 6 giờ 45 phút đến 7 giờ sáng.

Chính vì vậy, hằng ngày, chỉ mới hơn 6 giờ sáng là học sinh đã phải chuẩn bị đến trường. Sau thời gian học chính khóa trên lớp, các em lại tiếp tục tham gia các lớp ngoài giờ, học thêm đến tối mới kết thúc. Như vậy, chu trình học tập liên tục cứ tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, vô hình trung áp lực học tập đè nặng lên học sinh.

Anh Nguyễn Tấn Phát, làm nghề buôn bán ở chợ Thạnh Trị, TP. Mỹ Tho đã không khỏi giật mình khi kể về lịch học của con gái: “Con học bán trú cả ngày ở trường đã căng thẳng lắm rồi, tối về nhà lại phải làm thêm bài tập. Con tan trường về đến nhà chưa kịp tắm rửa, ăn nhẹ lót dạ thì phải đến nhà giáo viên học thêm. Sau giờ học thêm, con bé vẫn phải ngồi vào bàn học hàng giờ để làm tiếp bài tập về nhà, cao điểm nhất là thời gian thi học kỳ”.

ĐẾN GIA ĐÌNH

Bên cạnh áp lực học tập từ nhà trường, trẻ cũng chịu sức ép rất lớn từ phía gia đình, bởi ngoài môi trường học đường thì gia đình là nơi trẻ được tiếp xúc, gắn bó nhiều nhất trong cuộc đời của mình. Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực trong môi trường gia đình có nhiều dạng khác nhau, có dạng áp lực dễ nhận biết, nhưng có dạng áp lực tưởng nhẹ nhưng lại rất nặng nề.

Và một trong nhiều ví dụ điển hình có thể kể đến khi cha, mẹ nói với con mình, như: “Có mỗi chuyện ăn rồi học cũng không xong”; “Cha mẹ vất vả kiếm tiền vậy mà học hành như thế đấy”; “Nhìn bạn kia học giỏi thấy ham, con nhìn lại bản thân mình đi” hay những câu nói vẽ ra viễn cảnh tương lai cho con “Con mà không lo học là tương lai con đi...”.

Có thể nói, những câu nói hằng ngày mà người lớn tưởng chừng như vô thưởng, vô phạt ấy nếu cứ lặp đi, lặp lại thì vô hình trung có thể khiến trẻ bị tổn thương tâm lý, thậm chí trẻ dễ bị hoang mang, tự ti, mặc cảm dẫn đến ức chế, trầm cảm. 

Học sinh chơi đá bóng tại Trường THPT Chợ Gạo.
Học sinh chơi đá bóng tại Trường THPT Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Em T.T.N., một học sinh ở TP. Mỹ Tho tâm sự: “Mỗi ngày, em rất ít gặp cha mẹ. Trong một tuần, cứ tưởng ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật là cả nhà được sum vầy, nhưng nhiều khi ba đi công tác, mẹ thì bận kinh doanh ở cửa hàng, chỉ còn lại một mình em lủi thủi ở nhà, muốn nói chuyện cũng không có ai. Em lo sợ nhất là mỗi lần nhà trường báo điểm học tập của em vào điện thoại của cha mẹ, nếu điểm số tốt thì thôi, còn điểm thấp là cứ la rầy mà không cần biết sức học của em ở mức nào và em đã cố gắng ra sao. Điều em mong muốn hơn hết ở cha mẹ là dành thời gian để gần gũi, quan tâm và hiểu em nhiều hơn”.

Chị Trần Thị Thủy Trúc, ở xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho cho rằng, ngoài lịch trình học dày đặc thì chính áp đặt của phụ huynh về thành tích, nhất là điểm số đã gây nên nhiều áp lực cho học sinh. Hằng tuần, hằng tháng, các em đều phải làm rất nhiều bài kiểm tra như kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, kiểm tra định kỳ, giữa học kỳ và cả học kỳ…

“Nếu như trước đây, mỗi lần xem điểm thi của con gái mà thấp hơn so với các bạn, tôi thường quát mắng con. Thế nhưng từ sau khi tiếp cận các thông tin về những vụ việc tự tử đau lòng liên quan đến học sinh, tôi đã có cách nhìn, suy nghĩ hoàn toàn khác khi không còn xem thành tích, điểm số học tập của con là điều quan trọng nữa, mà quan trọng là con học bằng năng lực của bản thân và tôi tôn trọng điều đó”, chị Trúc chia sẻ.

***

Các sự việc đau lòng liên quan đến học sinh tự tử do áp lực học tập một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Hơn bao giờ hết, việc đi tìm giải pháp tháo gỡ áp lực này cho học sinh rất cần sự quan tâm đồng hành không chỉ của nhà trường, mà còn của gia đình và xã hội.

GIA TUỆ - PHƯƠNG NAM

.
.
Liên kết hữu ích
.