Thứ Hai, 25/04/2022, 10:11 (GMT+7)
.

Góc nhìn giáo dục: Áp lực từ nhiều phía

Mới đầu buổi sáng, cô bạn đồng nghiệp đến cơ quan mà gương mặt đã lộ rõ vẻ mệt mỏi. Bạn kể rằng cả buổi tối hôm trước dạy con trai học mà nhọc hơn đi cày.

Ngoài nội dung học theo chương trình, con được giao thêm bài thi tìm hiểu về môi trường. Chẳng biết ban tổ chức cuộc thi biên soạn thế nào chứ học sinh lớp 6 lại hỏi câu: Sau khi động vật hoang dã chết, bao nhiêu thời gian sẽ phân hủy trong môi trường? Thú thực gặp câu hỏi thế này người lớn còn khó trả lời chính xác nữa là trẻ em. Đã vậy thiếu gì vấn đề liên quan đến môi trường mà lại hỏi câu như cho trẻ xem phim kinh dị. Con không biết trả lời, phụ huynh lại phải mất công tra Google giúp con hoàn thiện bài thi tìm hiểu. Thế rồi một loạt câu hỏi khác nằm ngoài hiểu biết của học sinh mới bước vào bậc trung học cơ sở. Khi bài đã giao nếu con không hoàn thành sẽ bị cô giáo phê bình nhắc nhở. Rồi liên quan đến việc lớp không hoàn thành chỉ tiêu số lượng bài tham gia, ảnh hưởng đến thành tích chung của cả nhà trường. Vậy là tất cả đều phải cố gắng.

Trẻ em học vẽ. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo.
Trẻ em học vẽ. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo.

Câu chuyện trên là một ví dụ để nói lên những áp lực vô hình đang tạo ra trong ngành giáo dục. Không chỉ học sinh lo lắng mà tất cả những người liên quan từ gia đình đến nhà trường cũng đều theo guồng quay đó. Thời gian gần đây, không ít phụ huynh than phiền rằng con được giao nhiều bài tập. Các cháu không bao giờ được đi ngủ trước 22 giờ. Bố mẹ cũng phải thức cùng để kèm cặp. Nhiều nội dung phụ huynh cũng không giúp đỡ được. Sau cả ngày làm việc, tối về áp lực chuyện dạy con học dễ dẫn đến căng thẳng.

Còn các con cũng mệt mỏi không kém, vừa phải lo học bài vừa nơm nớp sợ không hoàn thành nội dung sẽ bị giáo viên phê bình. Rồi lại phải “gồng mình” học thêm nâng cao kiến thức, bổ trợ kỹ năng, bồi dưỡng năng khiếu... Bao nhiêu nội dung “đè nặng” lên đôi vai trẻ thơ khiến các em không còn thời gian vui chơi, giải trí. Những áp lực căng thẳng trên kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của trẻ. Nhiều em sinh ra tự ti, nhút nhát, ngại giao tiếp, sợ học một phần cũng chính từ những áp lực trong quá trình học tập.

Đối với giáo viên đứng lớp định kỳ, có cấp trên, cơ quan chuyên môn đến kiểm tra, dự giờ. Nếu không đạt, giáo viên cũng bị đánh giá, xếp loại, phân loại chất lượng giảng dạy. Vì thế giáo viên vẫn giao nhiều bài về nhà, thậm chí tham gia phụ đạo cho học sinh để sẵn sàng phục vụ việc kiểm tra của cấp trên. Về phía nhà trường thì chạy theo thành tích, danh tiếng, chạy đua để đạt kết quả cao, “làm đẹp” báo cáo. Chuyện lo lắng bài vở, kết quả học tập, chất lượng giảng dạy, thi đua thành tích không chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định mà kéo dài cả năm tạo áp lực chung cho cả hệ thống từ học sinh, phụ huynh đến giáo viên, nhà trường.

Vẫn biết rằng có áp lực sẽ tạo động lực để cố gắng phấn đấu. Nhưng áp lực vì chạy theo thành tích sẽ phản tác dụng. Đổi mới nội dung, chương trình; thay đổi phương pháp dạy-học... đều rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải kiên quyết đấu tranh với bệnh thành tích để môi trường giáo dục trở nên nhân văn, lành mạnh; để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.