Để Lịch sử trở thành môn học hấp dẫn
Sau chuyên đề về việc dạy và học môn Lịch sử trên Báo Ấp Bắc ngày thứ hai (9-5-2022), chúng tôi nhận được ý kiến phản hồi, chia sẻ của các học sinh, giáo viên trực tiếp giảng dạy ở tỉnh Tiền Giang xoay quanh việc dạy và học môn Lịch sử. Tất cả đều cho rằng Lịch sử là môn học đặc thù và bản thân môn Lịch sử vẫn có tính hấp dẫn, cuốn hút riêng của nó.
* THẦY CHUNG PHƯỚC TRỰC, GIÁO VIÊN MÔN LỊCH SỬ TRƯỜNG THPT CHỢ GẠO:
Quan trọng là phương pháp giảng dạy
Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, điều đó cho thấy Lịch sử là một môn học đóng vai trò vô cùng quan trọng. Học lịch sử sẽ giúp học sinh hiểu biết về quá khứ, cội nguồn dân tộc, giáo dục cho học sinh ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.
Để học sinh yêu thích, hứng thú với môn Lịch sử, vai trò của người thầy cần khơi gợi cho các em niềm vui, sự yêu thích môn học này. Thời gian qua, tại Trường THPT Chợ Gạo, nhiều thầy cô trong Tổ Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân của nhà trường đã đưa ra nhiều phương pháp sáng tạo trong dạy lịch sử, như: Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng, khai thác hiệu quả các tranh ảnh, đồ dùng trực quan sinh động, các phim tư liệu… làm cho giờ học sinh động, hấp dẫn, tăng sự tương tác giữa thầy và trò.
Việc học tập lịch sử được gắn với các hoạt động ngoại khóa, các buổi trải nghiệm tham quan các di tích lịch sử, cho học sinh đi thực tế tại các bảo tàng lịch sử; chiếu phim tư liệu, sân khấu hóa, kịch lịch sử… cho học sinh vào vai những nhân vật lịch sử, chứ không phải những tư liệu, số liệu khô khan của các sự kiện lịch sử. Năm học nào, tôi và các giáo viên trong Tổ Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân đều tổ chức học sinh các khối lớp thăm di tích lịch sử, “địa chỉ đỏ”, bảo tàng...
Trong các đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ môn Lịch sử, tôi chỉ yêu cầu học sinh khái quát hệ thống hóa sự kiện, hiện tượng lịch sử, không ghi chi tiết các số liệu, những nội dung kiểm tra gắn với sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội thời sự của địa phương, trong nước. Bên cạnh kiểm tra trắc nghiệm, kiểm tra viết, học sinh còn làm bài tập nhóm, thuyết trình, vẽ sơ đồ tư duy… Qua những hoạt động học tập, trải nghiệm này, các em học sinh của trường càng hứng thú và thêm yêu môn Lịch sử.
* EM NGUYỄN MINH NGUYÊN, HỌC SINH TRƯỜNG THPT CHỢ GẠO:
Lịch sử giúp người trẻ tự hào về dân tộc Việt Nam
Sở trường của bản thân em chuyên về các môn Khoa học tự nhiên nhưng em vẫn thích tìm tòi, khám phá về môn Lịch sử. Đất nước chúng ta đang đổi mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế để hòa nhập nhưng không “hòa tan”, người trẻ cần phải hiểu biết về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Lịch sử giúp chúng ta tự hào về những giá trị truyền thống của cha ông ta trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước; giúp bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt hiểu lịch sử, biết về lịch sử giúp chúng ta có được chuẩn mực, lối sống tốt đẹp hơn.
Thật ra, trước đây, em không thích môn Lịch sử bởi những bài kiểm tra khô khan, nặng về số liệu. Sau này lớn lên, bên cạnh những kiến thức học ở trường, em được tạo điều kiện đi, khám phá và cảm nhận nhiều hơn các di tích lịch sử, tìm hiểu sâu hơn các danh nhân văn hóa, các vị anh hùng dân tộc của Việt Nam nói chung và của tỉnh Tiền Giang nói riêng. Không dừng lại ở các kiến thức sách giáo khoa, em còn dành thời gian để đọc sách, nghiên cứu và nhận ra lịch sử rất hấp dẫn chứ không nhàm chán.
* EM VÕ THỊ PHƯƠNG KHÁNH, HỌC SINH TRƯỜNG THCS LONG BÌNH ĐIỀN, HUYỆN CHỢ GẠO:
Cần thực hiện chương trình mở, không nặng về số liệu
Thật ra môn Lịch sử không chỉ đơn thuần là những sự kiện khô khan và để học môn Lịch sử cũng không quá khó. Khi tìm hiểu những vấn đề về lịch sử, em thường tìm tòi, đọc rất nhiều sách, xem nhiều phim tư liệu trên mạng...
Em rất thích thú với những đề thi môn Lịch sử có câu hỏi mở, tạo “đất” cho học sinh bày tỏ quan điểm, sự sáng tạo, hiểu biết của bản thân về một vấn đề nào đó, chứ không phải “học vẹt” như trước đây.
Theo ý kiến của bản thân, chương trình lịch sử phổ thông nên điều chỉnh theo hướng mở, đừng nặng về số liệu, cung cấp các kiến thức phù hợp với lứa tuổi, đặc biệt hơn giáo viên cần truyền cảm hứng cho học sinh trong mỗi giờ học sử.
ĐỖ PHI - GIA TUỆ (lược ghi)