.

Nhìn lại 15 năm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài

Cập nhật: 21:48, 02/05/2022 (GMT+7)

Xây dựng xã hội học tập là một nhiệm vụ cấp bách, yêu cầu chiến lược, nhiệm vụ cơ bản lâu dài của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh về lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT).

Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại TX. Cai Lậy năm học 2021 - 2022. Ảnh: XUÂN UYÊN
Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang trao học bổng cho sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại TX. Cai Lậy năm học 2021 - 2022. Ảnh: XUÂN UYÊN

Việc duy trì, nâng chất hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, nhân dân các cấp. Trong đó, việc phát huy, quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị khóa X (viết tắt là Chỉ thị 11) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với việc đánh giá kết quả công tác hằng năm của các đơn vị. Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11, Tiền Giang đạt được một số kết quả quan trọng.

LÃNH ĐẠO SÂU SÁT CỦA ĐẢNG, QUẢN LÝ THỰC HIỆN CỦA NHÀ NƯỚC

Tiếp thu, triển khai thực hiện Chỉ thị 11, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, có Thông tri 12 ngày 28-5-2007 về lãnh đạo thực hiện Chỉ thị 11; Nghị quyết 11 ngày 1-10-2007 về phát triển GD-ĐT giai đoạn 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2015; Công văn triển khai thực hiện Kết luận 49 ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư.

Trong thời gian tới, để phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới được phát triển mạnh mẽ, ngày càng khởi sắc, các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục vào cuộc, đóng góp, hưởng ứng mạnh mẽ. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về nâng cao chất lượng GD-ĐT, nguồn nhân lực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.

UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Chương trình hành động 11 ngày 12-2-2008 về thực hiện Nghị quyết 11 về phát triển GD-ĐT giai đoạn 2007 - 2010; các kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1956 ngày 27-11-2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, kế hoạch thực hiện Đề án Truyền thông về xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020; các quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2020…

Theo đó, cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Tiền Giang xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cấp Hội Khuyến học tỉnh và ngành GD-ĐT triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nòng cốt phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

PHÁT HUY KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI        

Qua 15 năm, công tác vận động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài làm nguồn cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, vượt khó vươn lên được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện tốt.

Triển khai có hiệu quả chương trình học bổng thường xuyên, đặc biệt trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đầu năm học 2021 - 2022 học sinh, sinh viên học trực tuyến, các cấp hội, đoàn thể đã kịp thời hỗ trợ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng trực tiếp dịch bệnh, với trên 560 thiết bị học tập, tổng kinh phí 1,42 tỷ đồng.

Từ năm 2008 đến nay, tỉnh thực hiện các chương trình học bổng phát trực tiếp và các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập bao gồm tiền và hiện vật, tổng kinh phí hơn 385,3 tỷ đồng.

Thời gian qua, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang ứng dụng công nghệ số trong dạy và học trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Duy trì, phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng môi trường học tập suốt đời…

Toàn tỉnh hiện có 462.364 “Gia đình học tập”, đạt 97%; 466 “Dòng họ học tập”, đạt 94,18%; 892 “Cộng đồng học tập”, đạt 94,99%; 835 “Đơn vị học tập”, đạt 98,93%. Đặc biệt trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 26 cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh xếp loại tốt, đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”, trong đó có 8 đơn vị đạt 100 điểm.

Công tác khuyến học, khuyến tài thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó có thực hiện Chương trình học bổng “Nâng bước đến trường” phối hợp các đơn vị thực hiện được Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang phát sóng 2 kỳ/tháng liên tục hơn 13 năm đã tạo ra sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực.

Chương trình họp mặt học sinh mồ côi, khuyết tật hằng năm được Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang phối hợp Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh tổ chức nhằm gặp gỡ, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các em vượt qua khó khăn tạo được sự đồng thuận xã hội, cộng đồng tham gia công tác khuyến học, khuyến tài. Vận động phối hợp xây dựng 182 mái ấm khuyến học cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Khuyến học xét chọn trao học bổng cho các sinh viên, học sinh nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều sinh viên được các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cam kết tài trợ học bổng hết bậc đại học nếu giữ được thành tích học tập khá, giỏi và rèn luyện đạo đức tốt.

NỔI BẬT XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP

Toàn tỉnh Tiền Giang có 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 6 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 172 Trung tâm Học tập cộng đồng. Đến tháng 12-2021, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Về giáo dục tiểu học, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Trong đó, 100% trẻ sinh năm 2015 huy động ra lớp 1; 97,14% trẻ sinh năm 2010 hoàn thành chương trình tiểu học và đang học; 99,31% trẻ từ 11 - 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học; 97% trẻ khuyết tật từ 6 - 14 tuổi có khả năng học tập được đi học và hoàn thành chương trình tiểu học. 100% trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Về giáo dục THCS, cấp huyện đạt chuẩn mức độ 1 là 9,1%, mức độ 2 là 90,9%; cấp xã đạt chuẩn mức độ 1 là 2,3%, mức độ 2 là 59,3%, còn lại đạt mức độ 3. Trong đó, có 93,8% thiếu niên, thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS và 80,01% đối tượng này đang theo học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp; 89,85% trẻ khuyết tật có khả năng học tập.

Về xóa mù chữ, 100% huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (hoàn thành lớp 3), trong đó có 100% người từ 15 - 35 tuổi biết chữ mức độ 1. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (hoàn thành chương trình tiểu học), trong đó có 98,19% người từ 15 - 60 tuổi biết chữ mức độ 2.

Về bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ, số cán bộ, công chức, viên chức tham gia chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm đạt 95,6%; trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 65,9%, bậc 3 đạt 5,8%...

Đối với công nhân, lao động tại các khu, cụm công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương đạt 44,02%. Công nhân, lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn đạt 35,2%; công nhân qua đào tạo tay nghề đạt 68,1%. Bồi dưỡng kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên đạt 82,62%; người lao động được tham gia học tập các chương trình giáo dục kỹ năng sống đạt 86,08%...

Kết quả xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã phần nào cho thấy mọi người dân đều có cơ hội trong tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Từ đó, công tác xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

KIM TRUYỆN

.
.
.