Thứ Sáu, 27/05/2022, 16:24 (GMT+7)
.

Tăng học phí song hành hỗ trợ người học

Từ năm 2022, học phí đại học, giáo dục nghề nghiệp sẽ tăng theo Nghị định số 81/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (gọi tắt là Nghị định 81). Theo đó, mức học phí mới của nhiều trường công lập, nhất là các trường mới tự chủ, sẽ có sự điều chỉnh theo hướng tăng gấp đôi so với mức học phí cũ. Do đó, để giảm áp lực cho người học, các trường cũng nỗ lực đưa ra nhiều chính sách miễn, giảm và nhiều loại học bổng.  

Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành.

Cấp học nào cũng tăng

Nghị định 81 nêu rõ, học phí năm học 2021-2022 ở các cấp học không thu vượt mức trần khung học phí năm 2020-2021. Nhưng từ năm học 2022 trở đi, học phí mới sẽ áp dụng theo Nghị định 81.

Ở giáo dục đại học, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự chủ được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo. Cụ thể, từ năm học 2022, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành nghệ thuật: 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật: 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và CNTT, công nghệ kỹ thuật: 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); khối ngành y dược: 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành sức khỏe khác: 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội: 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng). Như vậy, so với năm 2021, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 0,3-10,2 triệu đồng/năm, tùy khối ngành. Trong đó, tăng nhiều nhất là khối ngành y dược và các khối ngành sức khỏe khác, mức tăng 4,2-10,2 triệu đồng/năm.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ, mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ. Trong khi đó, mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được xác định cao hơn 1,5-2,5 lần so với học phí đại học.

Đối với giáo dục nghề nghiệp (các trường cao đẳng và trung cấp), năm học 2022-2023, mức học phí dự kiến tăng 8-11%/năm. Trường CĐ Kinh tế TPHCM dự kiến mức tăng học phí khoảng 11% so với năm học trước, mức thu tương ứng khoảng 4,5 triệu đồng/học kỳ (9 triệu đồng/năm học). Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức dự kiến tăng học phí từ 8-10%, tùy từng nhóm ngành. Mức học phí mới này để bù đắp mức lạm phát nhằm đảm bảo hoạt động nhà trường được ổn định.

Trong khi đó, với các trường tư thục, mức học phí dự kiến cũng điều chỉnh tăng 5-10% so với năm học 2021.

Tăng chính sách hỗ trợ

Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, mặc dù quy định về chính sách tín dụng cho sinh viên đã được sửa đổi trong những năm qua, nhưng nhìn chung vẫn mang tính chất chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn tài chính hơn là một chính sách tài chính cho giáo dục đại học. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên, điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí. Cùng với đó, phải giảm lãi suất vay cho sinh viên vay vốn 3-4%/năm (hiện lãi suất 6,6% là quá cao), hoặc chia theo lộ trình trong thời gian học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3-4%/năm, khi tốt nghiệp ra trường sẽ áp dụng lãi suất cao hơn; điều chỉnh thời gian vay tối thiểu 15 năm...

Sinh viên Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành.
Sinh viên Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành.

Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho rằng, hiện nay, xu hướng các trường tự chủ sẽ ngày một nhiều, đồng nghĩa học phí sẽ được điều chỉnh sát với chi phí đào tạo. Khi điều chỉnh, trong đó có tăng học phí sẽ gây tâm lý e ngại với người học cũng như xã hội. Thế nhưng, kinh nghiệm từ các trường thí điểm tự chủ cho thấy, việc tăng học phí giúp cải thiện chất lượng đào tạo rõ rệt qua việc công bố quốc tế, kiểm định chất lượng cũng như xếp hạng đại học, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo. Tuy nhiên, cùng với việc tăng học phí, khi thực hiện tự chủ, các trường phải cam kết dành ít nhất 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên.

Cùng với việc tăng học phí từ năm học 2022, các trường cũng có thêm nhiều chính sách để hỗ trợ người học như hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn, diện chính sách. Nhiều trường còn chia sẻ khó khăn với người học bằng việc giảm 5-10% học phí do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thành lập các quỹ học bổng; miễn giảm 100% học phí và hỗ trợ thêm chi phí học tập hàng tháng cho học sinh, sinh viên mồ côi do dịch Covid-19…

Tín dụng sinh viên chỉ đáp ứng 37% chi phí học tập

Theo Bộ GD-ĐT, trong điều kiện mức học phí hiện nay (theo Nghị định 81), mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập (học phí và phí sinh hoạt). Hiện, ước tính mức chi phí học tập của một sinh viên từ 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng (với mức học phí cao nhất).

Còn theo Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2007, mức cho vay tối đa 800.000 đồng/tháng đáp ứng khoảng 66% tổng chi phí học tập của học sinh, sinh viên. Thời điểm năm 2019, mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng đáp ứng khoảng 60% chi phí học tập. Mức cho vay hiện hành chỉ đáp ứng được 37% tổng chi phí học tập của học sinh, sinh viên, trong khi chi phí sinh hoạt tăng cao nên mức cho vay 2,5 triệu đồng/tháng khó đảm bảo trang trải chi phí học tập. Do đó, các bộ ngành liên quan đề xuất tăng mức vay vốn tối đa cho học sinh, sinh viên để phù hợp với lộ trình tăng học phí, khả năng huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, khả năng cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân sách nhà nước.


(Theo sggp.org.vn)

.
.
.