Thứ Hai, 09/05/2022, 09:51 (GMT+7)
.

Thận trọng đăng ký nguyện vọng xét tuyển

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức, thí sinh có thể đăng ký tham dự kỳ thi riêng của các trường đại học (ĐH) tổ chức để xét tuyển vào ĐH. Điều này tạo thế chủ động cho thí sinh, nhưng với điều chỉnh trong phương thức tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT, đòi hỏi thí sinh phải thận trọng khi đăng ký các nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung.

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nhiều trường tổ chức tuyển sinh riêng

Ngày 7-5, gần 2.400 học sinh từ nhiều tỉnh, thành đã tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển vào trường này. Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và thí sinh được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng. Các nguyện vọng này hoàn toàn độc lập với nguyện vọng xét bằng phương thức khác như: dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng hay kết hợp. Kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 31-5.

Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sử dụng 4 phương thức khác để xét tuyển (tương tự năm 2021), gồm: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với các ngành. Tương tự, trong kỳ tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng tổ chức thi đánh giá năng lực, kết quả còn được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm. Học sinh lớp 11 có thể đăng ký dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển cho năm sau đó. 

Trong khi đó, một số trường thuộc ngành công an cũng có hướng dẫn xét tuyển riêng. Năm 2022, Bộ Công an ban hành hướng dẫn tuyển sinh: các trường công an thực hiện phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT ở các tổ hợp, kết hợp với bài thi tuyển sinh trình độ ĐH công an nhân dân chính quy tuyển mới theo tổ hợp (gọi là bài thi Bộ Công an). Kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an chiếm 60% tổng điểm xét tuyển, điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT chiếm 40% tổng điểm xét tuyển. 

Theo các chuyên gia giáo dục, tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển (cùng với các phương thức xét tuyển khác) không còn là câu chuyện mới. Các năm trước, nhiều trường đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, trong năm 2022, thêm nhiều trường tổ chức thi đánh giá năng lực, tổ chức kỳ thi riêng, giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn.

Cần “chiến thuật” sắp xếp nguyện vọng

Việc tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển được cho là xu hướng trong thời gian tới, vì các trường ĐH đều muốn tuyển thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu đầu vào mang tính đặc thù của trường. Điều này cũng thể hiện quyền tự chủ ĐH. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển, do đó thí sinh phải hết sức chú ý.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, đối với các phương thức xét tuyển sớm, chung hệ thống của Bộ GD-ĐT phần nào tạo cho thí sinh áp lực về xác định thứ tự nguyện vọng ưu tiên. Cụ thể, như các năm tuyển sinh trước, thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường bằng các phương thức xét tuyển khác nhau. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh lựa chọn học tập tại nơi mình thích nhất bằng việc nộp giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT để xác nhận nhập học. Nhưng năm 2022 thì khác, việc lọc ảo chung trên hệ thống khiến cho thí sinh chỉ được trúng tuyển vào một trường duy nhất, từ đó bắt buộc thí sinh phải cân nhắc thật kỹ khi đặt thứ tự nguyện vọng xét tuyển của mình.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho biết, năm 2022, thí sinh đã trúng tuyển xét tuyển riêng vẫn phải thể hiện việc này bằng cách đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. “Sẽ xảy ra trường hợp, khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh không để nguyện vọng đã trúng tuyển là nguyện vọng 1, mà có thể chuyển xuống là nguyện vọng 2, 3, 4…, vì các em nghĩ rằng, đã trúng tuyển bằng phương thức riêng rồi nên yên tâm và đăng ký nguyện vọng 1 bằng phương thức xét tuyển khác để tăng thêm cơ hội trúng tuyển. Đây là sai lầm cần tránh, vì khi xét tuyển, lọc ảo chung, hệ thống sẽ xét theo thứ tự nguyện vọng ở tất cả phương thức, kể cả nguyện vọng mà thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển trước đó”, TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý.

Do đó, khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh nên chọn nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển là nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1). Nghĩa là, với điều chỉnh về đăng ký xét tuyển và lọc ảo chung các phương thức tuyển sinh, đòi hỏi thí sinh phải có “chiến thuật” sắp xếp thứ tự nguyện vọng. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, các trường cần lưu ý với thí sinh, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nếu đã có kết quả và đủ điều kiện trúng tuyển rồi thì hãy để kết quả đó là nguyện vọng 1. Hệ thống sẽ lọc ảo dựa trên nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký để chọn ra nguyện vọng trúng tuyển cao nhất.

Theo Bộ GD-ĐT, việc điều chỉnh kỹ thuật trong quy chế tuyển sinh năm 2022 nhằm bảo đảm mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng mà các em ưu tiên nhất, giảm tối đa tỷ lệ ảo, đồng nghĩa với việc trao cơ hội cho những thí sinh có mong muốn học tập thực sự. Mặt khác, cũng là cơ hội cho các trường ở “nhóm dưới” có thể tuyển đủ chỉ tiêu mà không cần tuyển bổ sung.


(Theo www.sggp.org.vn)

 

 

.
.
.