.

Tỉnh táo khi chọn ngành học

Cập nhật: 19:38, 30/05/2022 (GMT+7)
Thời gian này, các thí sinh vừa ôn tập nhưng cũng cần cân nhắc kỹ trước khi có những đăng ký nguyện vọng mà mình mong muốn.
Những ngành, nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trên thị trường lại có tính cạnh tranh cao với thí sinh.

Kỳ tuyển sinh đại học đang đến rất gần, nhiều học sinh đang không biết lựa chọn ngành đang có nhu cầu học cao hay theo đuổi nghề mà bản thân mình yêu thích? Thời gian này, các thí sinh vừa ôn tập nhưng cũng cần cân nhắc kỹ trước khi có những đăng ký nguyện vọng mà mình mong muốn.

Công bố 12 ngành nghề có nhu cầu cao

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã đưa ra hai lĩnh vực bao gồm 12 ngành nghề đang có nhu cầu cao về nhân lực thuộc các ngành: Máy tính và công nghệ thông tin; Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân. 

PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Nhà trường đã ưu tiên việc tăng cường nhân lực, giảng viên thỉnh giảng để có thể thúc đẩy, tăng thêm quy mô tuyển sinh cho hai ngành này. Tôi dự báo, trong nhiều năm sắp tới, công nghệ thông tin vẫn là lĩnh vực thu hút nhu cầu lớn trên thị trường lao động chất lượng cao và có sự cạnh tranh khá lớn từ phía thí sinh”. 

Trường đại học Y tế công cộng năm nay cũng dành 50 chỉ tiêu cho ngành mới mở là Khoa học dữ liệu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế.  PGS, TS Phạm Việt Cường, Trưởng Bộ môn Y học y tế, Trường đại học Y tế công cộng cho biết: “Những kiến thức cung cấp trong ngành y sẽ tạo điều kiện cho các bạn theo học ngành này có thể làm các vị  trí như kỹ sư quản lý dữ liệu, nhà phân tích dữ liệu. Họ sẽ là các cán bộ quản lý thông tin giống như bệnh án điện tử hay thông tin y tế ở trong các bệnh viện, trong các cơ sở khám, chữa bệnh”. 

Không phải đến bây giờ, nhóm ngành du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân mới hấp dẫn thí sinh. Theo số liệu năm 2021, nhóm ngành này có trên tổng số 199 nghìn thí sinh đăng ký trong khi chỉ tuyển hơn 24 nghìn chỉ tiêu. Nắm bắt được những thay đổi sau đại dịch, nhiều trường đã có đổi mới chương trình để đáp ứng nhu cầu của người học. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng khoa Du lịch, Trường đại học Mở Hà Nội chia sẻ: “Đến năm thứ hai, chúng tôi đã đưa các em đến những cơ sở ở bên ngoài để tìm hiểu. Thông qua quá trình tìm hiểu và làm việc thực tế tại các cơ sở này, các em thực hành những nội dung chúng tôi đã dạy các em lý thuyết trên lớp cũng như được ôn lại bài trên thực tế”.

Nên chọn ngành mình có thế mạnh

Hiện nay, không ít học sinh có xu hướng khi chọn trường rồi mới chọn ngành và thường có xu hướng chọn theo đám đông. Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo: “Các em nên chọn  ngành trên cơ sở đam mê của mình. Về mặt khoa học-xã hội- tự nhiên-kỹ thuật hoặc theo thiên hướng nội hay hướng ngoại để đưa ra một danh sách dự kiến nguyện vọng thích nhất, đam mê nhất, phù hợp nhất rồi đến nguyện vọng hai, nguyện vọng ba, rồi sau đó đối chiếu năng lực mình có phù hợp điểm chuẩn của các năm trước hay không”. 

Việt Nam hiện có 240 trường đại học với gần 370 ngành đào tạo, trong khi có 3.000 nghề nghiệp khác nhau. Như vậy, số ngành ít mà số nghề lại rất nhiều. Điều quan trọng là các em cần biết mình phù hợp công việc nào và nên chọn ngành học mình có thế mạnh để có một định hướng tương lai rõ ràng. 

Theo PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng ta không biết được tương lai 5-10 năm tới như thế nào. Nhiều nghề nghiệp có thể mất đi, bị thay thế bởi robot và không ít ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Học sinh cần đối diện và thích ứng sự thay đổi bằng việc có kế hoạch, định hướng tương lai nghề nghiệp. Khi chọn trường, các em phải hướng tới thị trường lao động 5-7 năm tới. 

PGS, TS Trần Thành Nam đưa ra năm nguyên tắc chọn nghề: Chỉ nên chọn nghề phù hợp sở thích; Không chọn nghề không đủ điều kiện đáp ứng; Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức...); Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng. 

Khi áp dụng các nguyên tắc này, học sinh cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, các em cũng nên biết thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ thế nào. Các chuyên gia cho rằng, khi đã biết thiên hướng bản thân, chọn được ngành, học sinh mới bắt đầu chọn trường và cân nhắc các tiêu chí khác như mức độ uy tín, cơ sở vật chất, học phí, khu vực địa lý, điều kiện tuyển sinh và mô hình đào tạo của trường. 

(Theo nhandan.vn)

 


 

 

.
.
.